03:09 23/03/2013

Chính sách cần đến sớm với học sinh vùng khó

Những chính sách hỗ trợ học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn... đã giúp học sinh là con em đồng bào dân tộc ở các tỉnh vùng cao được chắp cánh trên hành trình đến với con chữ. Trên thực tế ở nhiều địa phương, tiền trợ cấp cho học sinh ở các nhà trường còn được thực hiện chậm...

Những chính sách hỗ trợ học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn của Đảng và Chính phủ đã giúp học sinh là con em đồng bào dân tộc ở các tỉnh vùng cao được chắp cánh trên hành trình đến với con chữ. Trên thực tế ở nhiều địa phương, tiền trợ cấp cho học sinh ở các nhà trường còn được thực hiện chậm do thủ tục hành chính và tình hình tài chính của địa phương.


Cuối tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Một ngày sau, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Tài chính số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT. Tại Điều 4 của Thông tư quy định mức hỗ trợ đối với hai đối tượng học sinh là học sinh bán trú và học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú. Đối với học sinh bán trú, Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, mỗi tháng học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn căn cứ vào thời gian thực tế học bán trú của học sinh theo quy định. Ngoài ra, học sinh bán trú được ở trong khu bán trú của nhà trường; đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tiền nhà ở căn cứ vào thời gian học thực tế của học sinh theo quy định.


Bữa ăn của học trò vùng cao Si Ma Cai còn gặp nhiều khó khăn.


Mới đây, một niềm vui đến với học sinh trung học phổ thông tại các vùng khó khăn: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg, ban hành chính sách hỗ trợ cho đối tượng này. Quyết định này quy định chính sách hỗ trợ học sinh THPT là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo ở xã, thôn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đáp ứng các điều kiện: Là học sinh đang học cấp THPT tại trường THPT hoặc trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp THPT) thuộc loại hình công lập. Bản thân bố, mẹ, hoặc người giám hộ của học sinh có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn, có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Do nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, nên không thể đến trường và trở về trong ngày, phải ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập. Đối với học sinh là người Kinh, ngoài các điều kiện trên thì còn phải thuộc hộ nghèo. Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Mỗi tháng được hỗ trợ mức tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Chính sách này đến ngày 15/3 có hiệu lực thi hành.


Học sinh bán trú vùng cao Tân Sơn nấu ăn tại bếp ăn.


Như vậy, có thể nói, với những chính sách trong những giai đoạn nhất định đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ đối với học sinh ở những vùng khó khăn. Từ đó, từng bước giúp các em vượt khó đến trường học tập.


Chính sách ưu tiên của Chính phủ đã được ban hành. Nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt các nguồn hỗ trợ của Chính phủ, hiệu quả và sức hút đối với học sinh vùng khó đã bộc lộ ngay sau khi áp dụng chính sách. Đa số học sinh tích cực đến trường, bám trường, bám lớp, tỷ lệ bỏ học giảm hẳn và chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt. Song bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, nguồn kinh phí hỗ trợ cho học sinh thuộc đối tượng được ưu tiên còn chậm chễ. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng bữa ăn, chất lượng sinh hoạt của học sinh.


Bữa ăn của học sinh bán trú vùng cao Tân Tiến Lào Cai


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chậm chễ trên, trong đó, cơ bản vẫn là cách thức chi trả và thủ tục hành chính còn rườm rà ở nhiều địa phương. Ở nhiều tỉnh, việc chi trả tiền hỗ trợ ăn ở cho học sinh bán trú, dân tộc nội trú không diễn ra hàng tháng mà trả theo quý hoặc theo kỳ của năm học. Như thế điều bất cập được bộc lộ ngay ở hầu hết các trường. Vậy là, ngày thường, học trò phải ăn uống kham khổ với nguồn lương thực cung cấp từ gia đình hay sự “ứng trước” của thầy cô rồi chờ đến hết quý hay hết kỳ học, các em được nhận một số tiền “kha khá”. Việc sử dụng số tiền “một cục” này có khi lại không đúng mục đích. Có trường hợp phụ huynh dùng cho việc khác mà việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của các em vẫn hết sức thiếu thốn và nhọc nhằn.


Hơn nữa, việc chi trả nguồn kinh phí hỗ trợ ở hầu hết các địa phương còn mang nặng thủ tục hành chính. Để tiền hỗ trợ của Chính phủ về “ấm” bữa ăn, giấc ngủ của học trò thì các trường phải làm nhiều khâu: Các nhà trường lập danh sách đối tượng học sinh được hưởng chế độ, rồi phê duyệt danh sách gửi lên Phòng Giáo dục, Phòng Giáo dục tổng hợp danh sách của tất cả các trường trong huyện và đề nghị UBND huyện duyệt. Như thế, việc cấp kinh phí hầu như không kịp thời, nhiều khi chậm chễ do nguồn tài chính của địa phương. Bởi vậy, việc chăm lo ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của học sinh chủ yếu là nguồn từ gia đình góp thêm và thầy cô hỗ trợ. Việc chi trả sẽ diễn ra vào cuối kỳ học. Như vậy, tính từ đầu năm học, học trò vùng cao phải chờ đợi tới 4-5 tháng để được nhận tiền hỗ trợ. Đây là một thực tế diễn ra ở nhiều địa phương.


Khi xem chương trình phát sóng của VTV1 với phóng sự: “Bất cập trong triển khai hỗ trợ học sinh dân tộc” tại trường THCS Háng Đồng (Bắc Yên - Sơn La), chúng ta quặn lòng khi nghe tâm sự của những học trò vùng khó: “Đi học thế này lạnh không viết được. Bình thường em viết được nhưng trời lạnh, chữ rất xấu…”; “Nhà em rất xa, không có gì ăn. Không có tiền, không mua được rau, em phải nợ tiền thầy giáo chủ nhiệm, khi nào lấy tiền thì trả lại thầy”. Theo tính toán mức hỗ trợ hiện nay, đối với học sinh thuộc đối tượng ưu tiên, mỗi em hàng tháng được nhận từ 450-500 ngàn đồng. Với mức hỗ trợ như thế, thiết nghĩ nếu các địa phương chi trả và sử dụng đúng cách thì việc ăn uống và sinh hoạt của học sinh vùng khó sẽ bớt đi những nhọc nhằn. Vậy mà trên thực tế, ăn uống thiếu thốn, kham khổ vẫn là gánh nặng trên vai học trò vùng cao, vùng sâu.


Chính sách của Đảng và Chính phủ thực sự như một “luồng gió” ấm đối với học sinh vùng khó - nơi con chữ đang ươm mầm tương lai. Để ước mơ và bước chân học trò vùng cao được ấm áp khi đến trường, mỗi địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc giải quyết nguồn hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh.



Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng