06:17 03/06/2019

Chính sách bảo hộ thương mại tác động đến kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai

Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 của các doanh nghiệp Đồng Nai có xu hướng tăng chậm lại.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Đồng Nai, nhiều nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu tăng chậm; trong đó có nguyên nhân về chính sách bảo hộ thương mại của các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh chiến trạnh thương mại Mỹ - Trung như hiện nay đã tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai. 

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty May Đồng Nai (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo Sở Công Thương Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2019 của các doanh nghiệp trên địa bàn đạt 1,69 tỷ USD, tăng 9,84% so với tháng 4 và chỉ tăng 1,56% so cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,7 tỷ USD, tăng 3,41% so cùng kỳ.

Hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn chủ yếu là khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực này chiếm 85% xuất nhập khẩu toàn tỉnh. Đơn hàng từ hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI chủ yếu là gia công và nhận từ công ty mẹ ở nước ngoài nên khi cung cầu thế giới thay đổi giảm sẽ tác động tới tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.

Những tháng đầu năm 2019, một số doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực thuộc các ngành giày da, dệt may, cơ khí tăng chậm so năm 2018; trong đó, quý I/2019 xuất khẩu của Công ty Taekwang chỉ tăng 7%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 với mức tăng 29%; Công ty Changshin tăng 18%, vẫn thấp hơn mức 22% của cùng kỳ năm trước. 

Theo ông Dương Minh Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời gian qua đã khiến các nước trong khu vực đưa ra hàng rào thuế quan bảo vệ hàng hóa trong nước, hạn chế nhập khẩu và tác động tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Các doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng, mặc dù đơn hàng không giảm, thậm chí tăng, tuy nhiên đơn giá đang bị ép giảm. Do đó, trị giá hàng xuất khẩu cũng giảm.

Trong khi Hội Xuất khẩu Đồng Nai cho biết, đơn hàng từ nay đến cuối năm của một số doanh nghiệp lớn ngành giày da trên địa bàn giảm từ 10 - 15%, ngành may mặc giảm 7%. Nguyên nhân khiến các đơn hàng giảm là do khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra; tỷ giá đồng USD so với các đồng tiền khác tăng. Các quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng biến động tỷ giá đã tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại; trong đó có việc áp dụng chính sách tài khóa để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nên xuất khẩu từng nhóm ngành hàng của Việt Nam bị cạnh tranh.

Cụ thể, một số doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn Đồng Nai phản ánh đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2019 nhưng đối tác đang yêu cầu giảm giá. Trong khi đó, thời gian vừa qua giá điện, xăng dầu tăng đã làm đội chi phí đầu vào. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu.

Ngành Công Thương Đồng Nai cũng thừa nhận, mặc dù thời gian qua các quy trình quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá đã giảm rõ rệt nhưng tốc độ cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Theo xếp hạng từ Ngân hàng Thế giới thì thủ tục, thời gian, chi phí kiểm tra chuyên ngành của Việt Nam vẫn gấp 2-3 lần so với các nền kinh tế hàng đầu ASEAN.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với hơn 3.000 doanh nghiệp cho thấy, kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến tích cực song đây vẫn là cản trở lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, đối với các nhóm ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai như dệt may, da giày, doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng sản xuất vào thời gian trước nên hoạt động ổn định, sản xuất đạt công suất tối đa. Còn các dự án mới đầu tư hoặc tăng vốn (gồm dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao) chưa đi vào hoạt động nên chưa có đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu.

Cũng theo ông Dũng, hiện Đồng Nai đang thực hiện lộ trình di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Do đó, một số doanh nghiệp đã dịch chuyển nhà máy sang các địa phương khác như Bình Dương, Long An, Tiền Giang hoặc nhiều tỉnh phía Bắc cũng là nguyên nhân khiến năng lực sản xuất, xuất khẩu của Đồng Nai tăng chậm.

Hơn nữa, những tháng đầu năm 2019, giá một số mặt hàng nông sản như hạt tiêu, cà phê giảm. Sản lượng hạt điều cũng giảm do ảnh hưởng từ đợt mưa trái mùa vào cuối 2017 đầu 2018 gây thiệt hại lớn. Sản lượng điều khô dự trữ không nhiều, cộng thêm giá trị giảm nên lượng hàng xuất khẩu giảm.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2019 tăng chậm nhưng xuất siêu của Đồng Nai lại đạt 1,2 tỷ USD.

UBND tỉnh Đồng Nai nhận định, kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm thường sẽ tăng cao hơn so với thời gian đầu năm do đây là thời kỳ cao điểm doanh nghiệp thực hiện các đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng khiến một số đơn hàng dịch chuyển qua thị trường Việt Nam để tránh thuế từ Hoa Kỳ cũng sẽ tác động đến xuất khẩu của Đồng Nai. Do đó, tỉnh vẫn kỳ vọng năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 20 tỷ USD, xuất siêu 2,6 tỷ USD.

Sỹ Tuyên (TTXVN)