05:22 28/05/2014

Chính sách “an cư, lạc nghiệp” cho Mường Nhé: Ổn định dân cư

Từ lâu, đồng bào dân tộc Mông có tập quán canh tác du canh du cư, đốt rừng làm nương. Đây cũng là khó khăn cho chính quyền địa phương khi quản lý nhân khẩu.

Từ lâu, đồng bào dân tộc Mông có tập quán canh tác du canh du cư, đốt rừng làm nương. Đây cũng là khó khăn cho chính quyền địa phương khi quản lý nhân khẩu.

 

Hệ lụy từ di cư tự do

Những năm gần đây, Mường Nhé trở thành điểm nóng do vấn nạn di cư tự do. Anh Lò Văn Nam, Ban chỉ đạo Đề án 79, Phòng NN&PTNT huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên cho biết: “Dân di cư tự do nhiều, khi đến gia đình thì mới phát hiện ra họ đã trồng lúa và lúa đã chín thì không thể đuổi họ đi được”.


Ổn định dân cư sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

 

Đặc điểm dễ nhận thấy của hộ đồng bào du canh du cư, là họ thường ở trong những căn nhà dựng tạm bằng tre nứa. Không có hộ khẩu thường trú nên khó có thể xếp vào diện hộ nghèo, cần xóa nhà tạm theo Chương trình 167.


Gia đình anh Vàng Văn Minh bản Cà Nà Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé di cư từ nơi khác đến bản Cà Nà Pá từ năm 2010, gia đình không được xếp vào diện hỗ trợ xóa nhà tạm theo Chương trình 167, con cái cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ gì trong học tập. Nhưng nếu anh đăng ký định cư tại bản mới theo “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015” mà Chính phủ phê duyệt cho huyện Mường Nhé thì gia đình anh sẽ được hỗ trợ gần như hoàn toàn về nhà ở và đất canh tác.


Anh Vàng Văn Minh cho biết: “Bây giờ rừng đã được giao đến hộ, không còn rừng để phát nương nữa nên mình nhờ anh em mua nương của đồng bào Hà Nhì. Vì chưa có hộ khẩu thường trú nên vẫn còn vất vả lắm, chưa được nhà nước hỗ trợ gì, chỉ hai vợ chồng làm thôi, nhưng ở đây, làm ruộng, làm nương ổn định cuộc sống rồi mình cũng làm cái nhà ở thôi”.


Bản Cà Nà Pá, xã Leng Su Sìn, trước năm 2007 chỉ có vài chục nóc nhà, đất canh tác, đất rừng nhiều, đủ cho nhu cầu sản xuất và phát triển của người dân sở tại. Nhưng chỉ vài năm gần đây, đồng bào Mông từ các huyện, các tỉnh xung quanh di cư đến, cả bản đã có hơn 300 nóc nhà, dân số tăng đến cả chục lần không chỉ làm cho cộng đồng dân cư bị xáo trộn mà còn khiến hạ tầng xã hội bị quá tải. Cùng với những vấn đề mất trật tự xã hội nảy sinh trong quá trình người dân di cư, thì việc người mới đến gia nhập cộng đồng không có sự gắn kết lâu dài; tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn chính trị và ảnh hưởng đến tình hình an ninh biên giới. Trung tá Trần Đức Long, Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, Phó bí thư xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, cho biết: Nhiều năm qua, số dân di cư đến Chung Chải nhiều hơn cả dân sở tại, nên rất khó khăn trong công tác quản lý. Trước thực trạng nóng về vấn đề dân di cư tự do, để nhanh chóng ổn định tình hình và tập trung nguồn lực thực hiện Đề án 79 đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Điện Biên đã cử một Phó Chủ tịch UBND tỉnh về làm Bí thư huyện Mường Nhé.

Cần sớm sắp xếp cho dân


Thực hiện đề án 79, với mục tiêu ổn định đời sống cho người dân trước “làn sóng” di cư tự do, huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều hạng mục của đề án. Các bản mới đã đón những hộ dân đầu tiên đến ở; mỗi hộ dân đến đây được nhà nước hỗ trợ hơn 26 triệu đồng tiền san ủi và dựng nhà mới kiên cố theo tiêu chuẩn 3 cứng: “Mái cứng, nền cứng và khung cứng”. Trong quy hoạch dự án, người dân đến nơi ở mới, ngoài nhà cửa, hệ thống hạ tầng kiên cố, mỗi hộ sẽ có ruộng, có vườn hoặc có đất trồng cây công nghiệp với nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất bền vững. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tổng hợp, người dân đào ao thả cá và được tập huấn sản xuất theo mô hình vườn, ao, chuồng khép kín. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có những mô hình kiểu mẫu cho bà con các dân tộc tham quan chứ chưa được thể thực hiện đại trà. Một số hộ dân mới chỉ có nhà, chưa có ruộng hay nương để sản xuất.


Anh Vừ Chùng Khùa, Trưởng bản Nậm Pố 3, xã Mường Nhé cho biết: “Nhà mình đã tương đối ổn định nhưng bà con còn khó khăn lắm. Được Nhà nước hỗ trợ xây nhà, đầu tư xây dựng thủy lợi… nhưng đất sản xuất vẫn rất thiếu. Lý do là những hộ đã di cư vào đây từ những năm 2003 - 2004 thì có đủ đất canh tác, nhưng những hộ sau này thì không có đất canh tác, đa số là đi thầu lại của những bản khác hoặc đi làm cao su”.


Thực hiện Đề án 79, hộ anh Mùa A Dế đã bàn giao khu vực nương cũ để huyện quy hoạch thành khu đất ở. Bù lại, Đề án cũng đã thiết kế hệ thống thủy lợi để bà con tập trung khai hoang ruộng nước phía dưới thung lũng. Tuy nhiên đó mới là thiết kế trong đề án, việc khai hoang ruộng nước vẫn chưa thể tiến hành. Hai năm qua, anh Dế phải đi cấy nhờ nương của đồng bào Thái, nhà cửa tuy khang trang nhưng mỗi năm gia đình anh vẫn thiếu lương thực ba tháng. Giải thích về nguyên nhân thiếu ruộng sản xuất, ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Nhé, cho rằng: Tháng 4/2011, huyện Mường Nhé đã có đề án trình Chính phủ và đã được phê duyệt. Nhưng số hộ, số khẩu lại tăng lên do người dân nơi khác di cư đến.


Sau hơn một năm triển khai, đến năm 2013 đề án 79 đã vận động được 500 trên tổng số 800 hộ di chuyển, hoàn thành được 14 phương án, sắp xếp ổn định và xen ghép tại chỗ và đã phê duyệt được 15/29 điểm bản thuộc diện sắp xếp để thành lập bản mới. Tiến độ triển khai, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Điện Biên thì vẫn còn chậm. Theo ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, kết quả Đề án vẫn còn chậm; đặc biệt là việc sắp xếp ổn định dân vào các điểm bản, đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng còn gặp rất nhiều khó khăn do lịch sử quản lý đất đai để lại. Với diện tích đất tự nhiên rộng nhất tỉnh Điện Biên, việc quản lý đất đai, nhân khẩu lại lỏng lẻo ở cấp cơ sở đã khiến công tác xác định nguồn gốc đất, chủ sở hữu diện tích đất hiện có gặp không ít khó khăn, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nhiều khi bị lợi dụng. Cái khó nữa là nhiều hộ đã bàn giao diện tích đất cho quy hoạch đến nơi ở mới, nhưng những hộ ở nơi ở cũ lại chưa chịu bàn giao.


Theo anh Thào A Tính, bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé, được tuyên truyền, vận động, gia đình anh đã dỡ nhà, nhường lại ruộng vườn để quy hoạch thành khu ruộng nước. Tình nguyện bàn giao đất cho dự án, nhưng chủ đất nơi đến lại chưa chấp nhận bàn giao, nên gia đình anh Tính lại phải đi ở nhờ. Anh Thào A Tính cho biết: “Huyện vận động di chuyển và hứa sẽ hỗ trợ tiền làm nhà. Lúc ấy là tháng 11/2012, nhưng đến nơi ở mới chưa có đất làm nhà dẫn đến cảnh “Ruộng không, nhà cũng không”, gỗ đã chuẩn bị xong nhưng không có đất dựng nhà”. Được biết, khu đất huyện bàn giao giao cho anh Tính vốn là một mảnh nương bỏ hoang. Lợi dụng chính sách của nhà nước, khi nghe tin chính quyền giao đất cho người khác làm nhà, thì chủ cũ quay về, lôi kéo nhiều hộ khác cùng tổ chức san ủi nền và đòi tiền bồi thường từ ban đền bù giải tỏa. Bên cạnh đó, việc chậm giải ngân tiền đền bù cũng đã khiến công tác di chuyển dân đến nơi ở mới gặp khó khăn.

 

Tháng 1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015”, gọi tắt là Đề án 79. Theo quy hoạch, đề án sẽ tiến hành thành lập 31 bản mới, thực hiện di dân, sắp xếp chỗ ở mới cho hơn 900 hộ gia đình, trong đó đa phần là đồng bào dân tộc Mông từ các huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên và ở các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc di cư đến đây. Đây là tiền đề để Mường Nhé thay da đổi thịt, ổn định đời sống, phát triển kinh tế địa phương.


V.T-Hữu Trung