10:07 22/10/2015

Chính quyền địa phương chưa phát huy vai trò trung gian

Trong việc giải quyết mâu thuẫn đất đai của doanh nghiệp nông lâm trường quốc doanh với người dân, chính quyền địa phương cấp huyện, xã nắm giữ vai trò quan trọng, là trung gian trong việc giải quyết mâu thuẫn tranh chấp. Tuy nhiên, việc nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc này còn gặp nhiều rào cản.


Trên thực tế, chính quyền địa phương cấp huyện, xã vẫn chưa thể làm tốt vai trò của mình. Các nông lâm trường được khoán trắng đất nên đã tự đưa ra các chính sách và tự sản xuất, mà không có sự tham gia, góp ý, quản lý của chính quyền địa phương. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa các nông lâm trường và người dân thì Ủy ban nhân dân xã để hai bên tự giải quyết, như vậy đã thiếu đi phương pháp tiếp cận, và sự tham gia của các bên liên quan. “Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội để giải quyết mâu thuẫn là không có, dẫn tới mâu thuẫn kéo dài, không xử lý được cuối cùng là khiếu kiện vượt cấp và thậm chí có liên quan đến hình sự”, ông Ngô Văn Hồng – Forland Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết.

Tình trạng vi phạm đất đai của nông lâm trường và mâu thuẫn giữa người dân với nông lâm trường quốc doanh cần sự can thiệp hiệu quả của chính quyền địa phương. Ảnh: Thế Lập- TTXVN

Theo quy định, các doanh nghiệp tự rà soát, xây dựng đề án trình lên Chính phủ. Như vậy, quá trình này đã bỏ qua sự tham gia, giám sát của chính quyền địa phương, là tiền đề của nhiều hậu quả đáng tiếc. Không thiếu trường hợp doanh nghiệp nông lâm trường quốc doanh không nắm rõ được yêu cầu, nhiệm vụ của mình là gì?. Những đề án doanh nghiệp đưa ra có phù hợp với điều kiện và nhu cầu của địa phương đó hay không. Và khi xảy ra tranh chấp về đất đai với người dân thì ai sẽ là người đứng ra để giải quyết những mâu thuẫn đó?...

Có nhiều nguyên nhân khiến chính quyền địa phương vẫn chưa thể đảm bảo vai trò trung gian trong giải quyết mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa các doanh nghiệp nông lâm trường quốc doanh với người dân. “Sự phối hợp giữa công ty và chính quyền địa phương trong giải quyết các trường hợp vi phạm về đất đai có lúc còn chưa kịp thời. Hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai đối với người dân còn hạn chế”, đại diện Công ty Cổ phần chè Sông Lô cho biết.

Trong khi đó, có thực tế là ở các địa phương, chính quyền quá thiên vị lợi ích trước mắt của người dân địa phương mà “quên” đi lợi ích lâu dài của địa phương và đất nước. Vì vậy khi xảy ra mâu thuẫn kể cả khi người dân có vi phạm về tranh chấp đất đai với lâm trường thì người dân chỉ bị gọi lên nhắc nhở. Trường hợp người dân có quan hệ gia đình, anh em với quan chức chính quyền xã, huyện thì thông thường chỉ là giảng hòa chứ không có xử phạt hành chính. “Đó là lý do hết lần này đến lần khác người dân cứ thế vi phạm”, ông Lương Văn Tuyến, Phó giám đốc công ty TNHH một thành viên Lâm Nghiệp Chúc A cho biết.

Phía chính quyền địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nông lâm trường quốc doanh. Bên phía UBND xã cố gắng tiếp cận và giải thích cho người dân hiểu đất này là đất của nhà nước giao cho lâm trường quản lý, nhưng người dân họ lại cho rằng, đất đó là đất của địa phương chứ không phải của lâm trường. “Đứng ra giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên, nhưng lại bị người dân hiểu nhầm rằng chính quyền đang bắt tay, đứng về phía lâm trường, không bênh vực người dân”, ông Cao Thế Vịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình phân trần.

Việc nâng cao vai trò trung gian của chính quyền địa phương trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa các nông lâm trường quốc doanh với người dân còn gặp nhiều khó khăn và rất cần thiết phải có những giải pháp cụ thể. Theo ông Ngô Văn Hồng, “Chúng ta phải có quy trình và hướng dẫn từng bước khi giải quyết mâu thuẫn, trong đó có sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội và các đoàn thể liên quan trong cộng đồng”.
Lê Xuân