05:10 14/05/2017

Chinh phục thành công bằng con đường học nghề

Bằng nhiệt huyết, lòng đam mê nghề nghiệp và sáng tạo trong công việc, anh Nguyễn Thành Long, công nhân Tổng Công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và cho ra đời hàng chục sáng kiến cải tiến máy móc, thay thế thiết bị, mang lại hiệu quả trong lao động sản xuất, tăng năng suất, được đơn vị đánh giá cao.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, khác với mong muốn của nhiều bạn cùng trang lứa là phải vào được đại học, dựa vào năng lực bản thân và điều kiện gia đình, anh Nguyễn Thành Long đã lựa chọn học nghề.

Tốt nghiệp ngành Điện Công nghiệp tại một trường trung cấp nghề, anh Thành Long vào làm việc tại Phân xưởng Cơ điện, Xí nghiệp Bao bì Liksin, Tổng Công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin với công việc hàng ngày là sửa chữa, thiết kế linh kiện mới cho máy móc.

Anh Long đọc tài liệu nghiên cứu cải tiến kỹ thuật. 

Từ thực tiễn yêu cầu công việc là nâng cao năng suất, giảm tiêu hao điện, tiết kiệm chi phí vận hành máy móc, anh Long cùng đồng nghiệp luôn nỗ lực tìm tòi để cải tiến máy móc, kỹ thuật. Được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp, sau 8 năm làm việc tại Công ty, anh đã phát huy hàng chục sáng kiến, giải pháp cải tiến máy móc, làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng.

Điển hình như mới đây, anh Thành Long chế tạo lắp inveter cho 5 máy quấn biên đồng bộ với máy tiết kiệm năng lượng giảm chi phí vận hành. Inveter là thiết bị khởi động mềm, nhằm tăng tuổi thọ cho motor và tiết kiệm được năng lượng, vì vậy khi đồng bộ máy quấn biên chỉ hoạt động 1/2 tải, thông qua điều chỉnh tần số thì tốc độ giảm, dẫn tới công suất tiêu thụ cũng giảm. Sáng kiến này đã giúp đơn vị tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Cũng trong năm qua, anh thực hiện nhiều cải tiến, phục hồi máy móc hư hỏng để tiếp tục sử dụng thay vì phải mua máy móc mới, chi phí nhiều. Cụ thể như nghiên cứu, phục hồi lại máy sấy hút ẩm của máy khí nén.

Anh Long cho biết, khi máy đã cũ, không hoạt động được, thay vì phải mua mới, thời gian lâu mất khoảng 1 tuần, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, anh đã nghiên cứu, tận dụng lại thiết bị cũ, chế tạo thay thế để kịp tiến độ sản xuất. Cải tiến này đã tiết kiệm hơn 125 triệu đồng cho đơn vị, đồng thời máy hoạt động tốt, kịp tiến độ sản xuất đơn hàng.

Anh còn có sáng kiến phục hồi driver điều khiển lô keo 2 của máy Tandem. Khi driver điều khiển lô keo 2 của máy Tandem bị hỏng báo lỗi, máy không hoạt động, nếu mua driver mới chi phí cao và thời gian chờ kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, việc phục hồi driver đã giảm chi phí và thời gian sửa chữa nhanh, giúp đưa vào sản xuất kịp tiến độ. Máy hoạt động ổn định sau khi driver được phục hồi.

Thực tế xã hội hiện nay còn coi trọng bằng cấp, nhiều bạn trẻ vẫn băn khoăn giữa việc cố gắng bằng mọi cách để vào đại học thay vì theo học nghề. Anh Long chia sẻ: Học nghề cũng là một lựa chọn tốt và có nhiều cơ hội để phát triển bản thân, không chỉ duy nhất con đường học đại học mới giúp ta thành công. Quan trọng là dù ở vị trí, ngành nghề nào, các bạn trẻ hãy luôn nỗ lực theo đuổi nghề nghiệp bằng đam mê và nhiệt huyết sẽ gặt được những thành quả nhất định.

Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền anh Nguyễn Thành Long được tuyên dương và trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi của Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm 2017 anh là một trong 60 gương thanh niên tiêu biểu được Trung ương Đoàn tuyên dương tại Liên hoan “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” lần thứ VIII.

Bài và ảnh: Thu Hoài (TTXVN)