02:21 08/02/2017

Chính phủ Romania vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Ngày 8/2, Chính phủ của đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền tại Romania đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập trung hữu đề xuất tại Quốc hội liên quan sắc lệnh gây tranh cãi về tham nhũng.

Thủ tướng Sorin Grindeanu. Ảnh: EPA/TTXVN

Các nghị sĩ trong liên minh cầm quyền (gồm PSD, Liên minh Tự do Dân chủ - ALDE, và Liên minh Dân chủ của người Hungary - UDMR) -chiếm 61% số ghế nghị sĩ trong Quốc hội - đều bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu, vì vậy kiến nghị bất tín nhiệm không giành đủ 233 phiếu cần thiết, tương đương 50% số nghị sĩ trong Quốc hội, để bãi nhiệm chính phủ. 

  
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh sắc lệnh do chính phủ Romania thông qua, liên quan đến việc miễn truy tố và trả tự do cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước,đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và cả các quan chức cấp cao trong nhà nước, trong đó có Tổng thống Klaus Iohannis . Sắc lệnh này cho phép miễn truy tố một số quan chức lạm dụng chức quyền gây thất thoát tài sản nhà nước, trong đó chỉ phạt tù những đối tượng gây thất thoát số tiền hơn 44.000 euro (tương đương 47.500 USD). Theo sắc lệnh mới, lãnh đạo đảng PSD Liviu Dragnea, người đang bị xét xử với cáo buộc lạm dụng chức quyền sẽ được miễn truy tố. Các công tố viên ước tính số tiền bị thất thoát trong trường hợp này ở mức 24.000 euro.


Mặc dù Thủ tướng Sorin Grindeanu đã yêu cầu hủy bỏ sắc lệnh trên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn tại Romania trong những ngày qua, nhiều người tuyên bố sẽ không dừng hoạt động này cho đến khi chính phủ từ chức.


Ngoài ra, Chính phủ Romania cũng đã gửi một sắc lệnh khác để quốc hội phê chuẩn, trong đó ân xá cho các đối tượng đã thụ án 5 năm vì những tội danh phi bạo lực. Cả 2 sắc lệnh trên đã vấp phải sự phản đối gay gắt ngay từ khi được đề xuất và khiến hàng trăm nghìn người đổ xuống đường biểu tình trong nhiều ngày qua. Điển hình, hôm 5/2, khoảng 500.000 người đã đổ xuống đường trên khắp cả nước Romania để phản đối hai sắc lệnh nói trên, tạo thành cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất trong gần 30 năm qua tại quốc gia châu Âu nhỏ bé này.

TTXVN/Tin Tức