03:23 29/03/2011

Chính phủ Nhật Bản trong tình trạng báo động cao nhất

Ngày 29/3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố, chính phủ nước này đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất do cuộc khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Ngày 29/3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố, chính phủ nước này đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất do cuộc khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật Bản ngày 29/3, Thủ tướng Kan cho biết tình hình tại Nhà máy Fukushima tiếp tục diễn biến khó lường, và chính phủ sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tại cuộc họp Ủy ban Ngân sách Hạ viện ngày 29/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại một cuộc họp báo cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Yukio Edano cũng thừa nhận: “Tình hình (khủng hoảng hạt nhân) hiện nay rất nghiêm trọng”.

Nhiều khó khăn nảy sinh từ Fukushima 1

Nỗ lực khắc phục sự cố tại các lò phản ứng ở Fukushima 1 của Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO) - đơn vị vận hành Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 - đang gặp nhiều trở ngại. Để có thể tiếp tục khôi phục hệ thống làm mát các lò phản ứng, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là hút hết nước nhiễm xạ trong tầng hầm đặt tuốcbin. TEPCO đã đặt máy bơm để hút và bơm nước nhiễm phóng xạ này vào khoang ngưng tụ (có vai trò làm mát, biến hơi nước nóng thành nước và đưa trở lại lò hạt nhân). Tuy nhiên, tốc độ rò rỉ nước nhiễm phóng xạ có vẻ nhanh hơn tốc độ bơm và khoang ngưng tụ số 2 cũng đã đầy.

Nhân viên Nhà máy Fukushima 1 đang nỗ lực khắc phục sự cố rò rỉ phóng xạ. Ảnh: AFP/TTXVN


TEPCO còn phát hiện lượng nước nhiễm phóng xạ lớn tích tụ trong các đường hầm có đường ống tuần hoàn nước biển làm mát các lò phản ứng 1, 2 và 3. Nồng độ nước nhiễm phóng xạ trong đường hầm bên ngoài tầng ngầm đặt tuốcbin tổ máy số 1 tương đối thấp, còn nồng độ nước nhiễm xạ ở đường hầm bên ngoài tổ máy số 3 không đo được do vướng các đống đổ nát. Trong khi đó, đường hầm bên ngoài tổ máy số 2 dài 76 mét, nằm ở độ sâu khoảng 16 mét và có 2 đường thông lên mặt đất, trong đó lỗ thông lên mặt đất gần biển nhất chỉ cách biển khoảng 55 mét. Nước nhiễm phóng xạ đã gần tới miệng hố và nồng độ phóng xạ đo được lên tới trên 1.000 milisievert/giờ. Nếu không có biện pháp kịp thời, nước nhiễm phóng xạ sẽ tràn ra ngoài, gây ô nhiễm nặng đất và nước biển.

Biện pháp khả thi duy nhất hiện nay là bịt kín đường thông ra ngoài của đường hầm, đồng thời điều chỉnh giảm lượng nước bơm vào lò và bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng. Tuy nhiên, nếu bơm thiếu nước, các thanh nhiên liệu sẽ lộ khỏi mặt nước, có nguy cơ tiếp tục nóng chảy, làm tăng nhiệt độ, áp suất ở lò phản ứng...

Một ngày trước, TEPCO cho biết đã phát hiện chất phóng xạ plutonium trong mẫu đất lấy từ 5 khu vực thuộc Nhà máy Fukushima 2. Đây là lần đầu tiên các chuyên gia phát hiện plutonium ở nhà máy này sau thảm họa kinh hoàng hôm 11/3. Phát ngôn viên TEPCO cho biết, trong những mẫu xét nghiệm lấy từ 5 địa điểm, nhiều khả năng ít nhất 2 mẫu này liên quan trực tiếp đến sự cố lò phản ứng hiện nay. Plutonium độc hại hơn nhiều so với các chất phóng xạ khác, như iodine và cesium, tuy nhiên, TEPCO đánh giá tình hình không nghiêm trọng đến mức gây hại cho sức khỏe con người.

Phát ngôn viên của Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA), ông Hidehiko Nishiyama cho rằng việc phát hiện plutonium là một dấu hiệu các thanh nhiên liệu tại lò phản ứng đã bị hư hại.

IAEA yêu cầu họp cấp cao


Ngày 28/3, Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano đã yêu cầu tổ chức một hội nghị quốc tế cấp cao trong vòng 3 tháng tới nhằm củng cố các biện pháp an toàn và cách ứng phó khẩn cấp trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tại các nhà máy điện hạt nhân như tại Nhật Bản hiện nay.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở của IAEA ở Viên (Áo), ông Amano cho biết, cuộc khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 tại Nhật Bản đã đặt ra thách thức lớn đối với IAEA và cộng đồng quốc tế. Thế giới phải rút ra những bài học đúng đắn kể từ sau sự kiện ngày 11/3 tại Nhật Bản và từ đó tăng cường các biện pháp an toàn hạt nhân trên toàn thế giới. Ông Amano đề nghị tổ chức hội nghị cấp cao của IAEA tại Viên vào cuối tháng 6 tới. Ông Amano cho rằng, hội nghị này cần xem xét những đánh giá ban đầu về sự cố Fukushima 1, những ảnh hưởng và hậu quả của nó; những bài học rút ra; đưa ra quá trình nhằm tăng cường an toàn hạt nhân và tăng cường các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó với sự cố hạt nhân.

Ông Amano cho rằng, tình hình tại Fukushima 1 hiện tại vẫn nghiêm trọng và cần thêm một thời gian nữa mới có thể ổn định được các lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy này.

Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc ngày 29/3 cho biết, các dấu vết phóng xạ iodine, được cho là có xuất xứ từ Fukushima 1, đã được phát hiện tại thủ đô Xơun và 7 khu vực khác tại nước này. Trước đó, phóng xạ xenon - 133 với hàm lượng nhỏ cũng đã được phát hiện tại tỉnh Gangwon (đông bắc Hàn Quốc). Bộ trên khẳng định, mức phóng xạ này chưa gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Cùng ngày, các nhà chức trách Mỹ cho biết đã phát hiện dấu vết chất phóng xạ iodine- 131 tại 3 bang là Nam Carolina, Bắc Carolina và Florida. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng lượng phóng xạ này chưa đến mức nguy hại cho sức khỏe người dân. Trước đó, phóng xạ iốt - 131 cũng được phát hiện tại các bang Hawaii, California, Nevada và Massachusetts.

T.T