03:12 26/03/2018

Chính phủ Hàn Quốc thông qua đề xuất sửa đổi Hiến pháp

Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp tại cuộc họp nội các ngày 26/3 do Thủ tướng Lee Nak-yon chủ trì, trước khi trình Quốc hội xem xét phê chuẩn.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký duyệt đề xuất trên bằng chữ ký điện tử từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nơi ông đang có chuyến công du 4 ngày kể từ ngày 24/3. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980 một Tổng thống ở Hàn Quốc đề xuất thay đổi hiến pháp nước này. Lần gần đây nhất Hàn Quốc sửa đổi hiến pháp là vào năm 1987.

Đề xuất sẽ được trình Quốc hội Hàn Quốc vào chiều cùng. Quốc hội sẽ có 60 ngày để xem xét và thông qua dự luật.

Nếu được Quốc hội thông qua, dự luật sẽ được đưa ra trưng cầu trong một cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc được tiến hành đồng thời với các cuộc bầu cử địa phương dự kiến vào ngày 13/6 tới.

Đề xuất của chính phủ tập trung vào việc thay đổi quy định hiện hành tổng thống chỉ giữ một nhiệm kỳ duy nhất và nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, thành nhiệm kỳ 4 năm và tổng thống có thể giữ tối đa 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Quyền hạn của tổng thống sẽ giảm đi, trong khi tăng quyền của thủ tướng và quốc hội.

Quy định hiện hành về nhiệm kỳ tổng thống được áp dụng từ khi Hiến pháp được sửa đổi năm 1987 sau nhiều thập kỷ dưới chế độ độc tài, chủ yếu nhằm ngăn cản tổng thống tìm cách tiếp tục nắm giữ quyền lực sau khi hết một nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, các đảng đối lập ở Hàn Quốc chỉ trích chính phủ đơn phương đưa ra đề xuất trên, cho rằng một đề xuất quan trọng như vậy cần được đưa ra thương lượng giữa các đảng. Đặc biệt, đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) - đảng đối lập chính - cho rằng động thái trên của chính phủ nhằm tạo lợi thế trước thềm bầu cử địa phương và khẳng định sẽ làm mọi cách để ngăn chặn động thái này.

Hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi các nhà lập pháp thảo luận về sửa đổi hiến pháp và nhấn mạnh quyết tâm tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân đồng thời với các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 6 tới. Theo ông, việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân đồng thời với bầu cử địa phương là giữ đúng cam kết với người dân, đồng thời giúp giảm đáng kể chi phí xã hội. Ông nêu rõ nếu tổ chức một cuộc bỏ phiếu riêng rẽ sẽ tiêu tốn thêm 120 tỷ won (112 triệu USD).

TTXVN/Báo Tin tức