03:06 13/03/2020

Chính phủ Đức họp khẩn cấp với các bang bàn cách đối phó dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tối 12/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã triệu tập một hội nghị khẩn cấp với các thủ hiến bang để tìm biện pháp đối phó với dịch bệnh COVID-19, trong đó nhà lãnh đạo Đức khẳng định hai mục tiêu là kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và bảo vệ nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 ở Berlin, Đức, ngày 11/3. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu họp báo sau hội nghị với sự tham gia của Thủ hiến bang Bayern, Markus Söder và Thị trưởng điều hành Hamburg Peter Tschentscher, Thủ tướng Merkel đã kêu gọi mọi công dân "hạn chế tối đa" những tiếp xúc ngoài xã hội, kêu gọi các bang hủy mọi sự kiện không cấp bách, kể cả với những sự kiện có với số người tham dự dưới 1.000 người, đồng thời cho biết Quốc hội liên bang và Hội đồng liên bang (Thượng viện) sẽ họp trong ngày 13/3 để thông qua quy định về việc rút ngắn giờ làm (trợ cấp cho giờ làm việc được rút ngắn) cũng như một số biện pháp "toàn diện" khác.

Thủ tướng Merkel không bác bỏ khả năng linh hoạt mức trần nợ cũng như khả năng duy trì ngân sách cân bằng, không có nợ mới, đồng thời nhận định nước Đức "đang ở tình thế chưa từng có, nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng" trước đây.

Ngoài ra, Chính phủ Đức và thủ hiến các bang cũng nhất trí không áp dụng thống nhất quy định cho nghỉ học ở các bang, mà điều này sẽ phụ thuộc vào tình hình của mỗi bang để có quyết định riêng. 

Trong khi đó. Thị trưởng Hamburg Tschentscher phát biểu đánh giá cao sự phản ứng ngay lập tức ở mức rất cao của Đức với dịch bệnh, khẳng định tiềm lực tốt của hệ thống y tế Đức cho phép phản ứng nhanh chóng và quyết liệt với các tình huống. Ông cũng cảm ơn sự hỗ trợ của liên bang cũng như sự hợp tác trong việc sản xuất, cung cấp các sản phẩm y tế thiết yếu cho người dân.

Tại cuộc họp báo, Thủ hiến Bayern Söder nhấn mạnh, về mặt kinh tế, việc thúc đẩy thông qua quy định về rút ngắn thời gian làm việc là một vấn đề trọng tâm, đồng thời cho biết chính quyền trung ương và các bang nhất trí nỗ lực hết sức để ứng phó với những hậu quả kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Ông Söder cũng nêu rõ đại dịch hiện nay thực sự là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế Đức, kêu gọi cần có một chiến lược thống nhất trên toàn nước Đức để có thể chuẩn bị sẵn hàng hóa cần thiết cho người dân. Theo ông, cần phải tìm ra những giải pháp để bảo vệ một cách tối nhất những người cao tuổi - đối tượng dễ bị dịch bệnh tác động nhất. Ông cũng khuyến cáo các bang hoãn mọi sự kiện không cấp thiết và không bị ràng buộc theo luật pháp.

Ngoài ra, Đức sẽ hoãn mọi hoạt động không cấp thiết trong các bệnh viện từ 16/3 tới để có thể dành đủ cơ sở điều trị cho các trường hợp nhiễm chủng mới của virus Corona.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm dịch COVID-19 tại bệnh viện Trường đại học Uniklinikum Essen ở Essen, miền Tây Đức ngày 9/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của báo Bưu điện buổi sáng (Morgenpost), tính đến 22h ngày 12/3, số trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn nước Đức đã lên tới 2.745 người và 6 ca tử vong, trong đó riêng bang Nordrhein-Westfalen có trên 1.000 người nhiễm và 4 ca tử vong.

Bồ Đào Nha, Ireland đóng cửa tất cả trường học

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ngày 12/3 thông báo nước này sẽ đóng cửa tất cả các trường học từ thứ Hai tuần tới cho đến trước lễ Phục sinh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới hơn 1,6 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn quốc và sẽ có hiệu lực đến ngày 9/4. Bên cạnh đó, Thủ tướng Costa cũng công bố một số biện pháp "tạm thời" khác, bao gồm cả việc đóng cửa các câu lạc bộ đêm và hạn chế khách thăm các nhà dưỡng lão.

Cho đến nay, Bồ Đào Nha đã ghi nhận 78 ca nhiễm COVID-19. Nhà chức trách nước này đã ra lệnh hoãn các sự kiện tập trung trên 1.000 người trong không gian kín và hơn 5.000 người tại các không gian mở trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tương tự, ngày 12/3, Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar tuyên bố, nước này sẽ đóng cửa tất các trường học kể từ 18h00 ngày 12/3 đến hết ngày 29/3 (theo giờ địa phương) như một biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ông Varadkar cho biết, các hoạt động tụ họp trên 100 người ở trong nhà và trên 500 người ở ngoài trời sẽ đều phải hủy bỏ, đồng thời khuyến cáo mọi người nên làm việc tại nhà nếu có thể. Các sân bay và cảng vẫn mở hoạt động bình thường.

Cũng theo Thủ tướng Varadkar, Bắc Ireland và Anh sẽ được thông báo cập nhật tình hình diễn biến tại Cộng hòa Ireland.

Theo phóng viên TTXNVN tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 12/3 đã chỉ đạo tăng cường các nỗ lực của nước này trong việc đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2, với trọng tâm là chuyển giai đoạn chống dịch từ “Kiềm chế” sang “Trì hoãn”, đi kèm khuyến cáo người dân có các triệu chứng nhẹ như ho và sốt tự cách ly tại nhà trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, Anh sẽ áp dụng các biện pháp đã được triển khai tại các nước châu Âu khác như Italy và Ireland là đóng cửa trường học để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Phát biểu tối 12/3 theo giờ London, sau cuộc gặp của ủy ban khẩn cấp Cobra của chính phủ, Thủ tướng Anh cho biết chưa đóng cửa trường học vào thời điểm hiện tại, nhưng sẽ xem xét đề xuất này trên cơ sở các ý kiến tham mưu khoa học và y tế. Ông Johnson thừa nhận đây là “cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong cả một thế hệ” và nhắc lại cảnh báo rằng COVID-19 là dịch bệnh nguy hiểm hơn cúm thông thường rất nhiều và sẽ còn lan rộng hơn tại Anh trong những ngày tới. 

Ông Chris Whitty, Cố vấn y tế trưởng xứ England dự báo dịch COVID-19 tại Anh sẽ đạt đỉnh trong vòng từ 10 đến 14 tuần tới, nên các cơ quan chức năng Anh sẽ phải xem xét hành động phù hợp nhằm bảo đảm nguồn lực đối phó lâu dài.

Bắt đầu từ ngày 13/3, bất kỳ ai có các triệu chứng của COVID-19, gồm ho hoặc sốt cao, bắt buộc phải ở nhà tự cách ly trong vòng 7 ngày. Trong những tuần tới, tất cả những người sống cùng nhà với những người có các triệu chứng trên cũng sẽ được yêu cầu ở nhà. Những người trên 70 tuổi được khuyến cáo không tham gia các chuyến du lịch dài ngày bằng du thuyền trên biển, trong khi các trường học được yêu cầu hủy các chuyến dã ngoại bên ngoài nước Anh. 

Thủ tướng Anh cho biết chiến lược của Chính phủ trong việc kiềm chế và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh là để giảm bớt áp lực cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) vốn đang quá tải trong mùa Đông. Việc trì hoãn đỉnh dịch trong một vài tuần được kỳ vọng sẽ giúp NHS có thêm thời gian chuẩn bị để đối phó với khả năng dịch bệnh kéo dài.

Trong khi đó ông Patrick Vallance, Trưởng ban cố vấn khoa học cho Chính phủ Anh, dự báo khả năng tại Anh đã có từ 10.000 đến 50.000 người nhiễm virus, nên việc ngăn chặn lây lan hoàn toàn là “không khả thi”, do đó ưu tiên lúc này là trì hoãn thời gian dịch đạt đỉnh.

Chính phủ Anh đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn như cấm các sự kiện tập trung đông người, đặc biệt là các giải thi đấu thể thao. Tuy nhiên, hiện tại Chính phủ Anh cho rằng biện pháp này chưa có nhiều tác dụng trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Thủ tướng Anh cảnh báo nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng xáo trộn rộng khắp và nghiêm trọng trong nhiều tháng tới, trong đó có khả năng chính phủ sẽ cần huy động hàng triệu người tham gia các hoạt động đối phó với dịch bệnh.

Nhóm PV TTXVN