09:14 04/09/2014

Chính phủ đã có những quy hoạch gì để phát triển GTVT vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới?

Chính phủ đã có những quy hoạch gì để phát triển GTVT vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới?

Hỏi: Chính phủ đã có những quy hoạch gì để phát triển GTVT vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới?

 

Đáp: Ngày 10/2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 11/2012/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.


Để phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải, đặc biệt là giao thông đường thủy; đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng bức thiết mang tính đột phá đóng vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng… vùng ĐBSCL sẽ hình thành 5 hành lang vận chuyển chủ yếu là: TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, TP Hồ Chí Minh - Long Xuyên (An Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh - Hà Tiên (Kiên Giang), Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc (An Giang) và Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau với 2 loại phương tiện là đường bộ và đường thủy.


Theo đó, đường bộ sẽ có các trục cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu; các tuyến quốc lộ; tuyến đường sắt Mỹ Tho - Cần Thơ. Về đường biển, sẽ xây dựng hệ thống cảng Cần Thơ (TP Cần Thơ) trở thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) với công suất đến năm 2020 đạt từ 11,5 - 13,5 triệu tấn/năm; các cảng nhập than cho các nhà máy nhiệt điện, cảng tiềm năng cho tàu biển lớn ngoài cửa sông Hậu và các cảng tại đảo Phú Quốc đáp ứng tàu từ 2 - 3 đến 30 nghìn DWT.

 

Về đường hàng không, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở phục vụ hành khách đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp II, đáp ứng được công suất 5 triệu hành khách/năm và 400.000 - 500.000 tấn hàng hóa/năm; cảng hàng không quốc tế Phú Quốc trở thành cảng hàng không của trung tâm du lịch và giao thương của vùng và quốc gia bảo đảm khai thác máy bay Boing 747 hoặc tương đương với công suất 6 triệu hành khách/năm và 300.000 tấn hàng hóa/năm. Ngoài ra còn cảng hàng không Cà Mau, cảng hàng không Rạch Giá và sân bay An Giang.


Mục tiêu đến năm 2020, khối lượng vận tải hành khách khu vực đạt 450 - 500 triệu lượt hành khách/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,1%/năm, trong đó năng lực thông qua các cảng hàng không - sân bay trong vùng khoảng 11,8 triệu hành khách năm 2020. Vận tải hành khách công cộng tại thành phố Cần Thơ đạt tỷ lệ từ 10 - 15% nhu cầu đi lại và tại các thành phố khác trong vùng đạt tỷ lệ từ 5 - 10% nhu cầu đi lại. Lượng hàng hóa đạt khoảng 100 - 110 triệu tấn/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm, trong đó lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đến năm 2020 khoảng 58,5 triệu tấn/năm.