06:09 28/06/2016

Chim quý kéo về sinh sống ở di tích hầm Đờ Cát

Cò nhạn lớn - loài chim đặc biệt quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, từ các vùng đất trên thế giới, di cư tránh rét, kéo về sống ngay ở trong vườn của di tích Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm của tướng Đờ Cát.

Loài cò nhạn trong khu Di tích Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Có mặt tại khu vực di tích này, chúng tôi chứng kiến có tới 300- 400 con cò nhạn lớn, đậu chen chúc trên các ngọn cây keo dậu, sát sân để xe của di tích. Đôi lúc bất chợt, nhiều con trong đàn vụt bay lên, lượn thành những vòng lớn trên bầu trời, tạo nên một khung cảnh thật bình yên. Nhiều con trong đàn bay đi kiếm ăn vào mỗi buổi sáng và đến chiều về, lượn vòng rợp kín trời trước khi sà xuống vườn.

Đàn cò nhạn bay lượn trên bầu trời thành phố Điện Biên Phủ.

Anh Lưu Văn Tùng, Tổ trưởng Tổ quản lý di tích này cho biết: trong vài năm nay, đàn chim quý đã kéo về vườn cây này di trú, bắt đầu vào khoảng tháng 3 - 4 với số lượng vài chục con. Năm nay, có lẽ đàn đã được nhân lên, hoặc do cảm nhận được sự thân thiện của con người, nên số lượng cò nhạn kéo về tăng đột biến. Nhân viên Tổ quản lý và các Hướng dẫn viên của Bảo tàng tỉnh cũng tranh thủ giới thiệu với du khách về giống động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ.

Bạn Diệu An và Phương Ly từ Hà Nội lên công tác tại Điện Biên Phủ trầm trồ: "Chúng em mới lên đây lần đầu tiên, tranh thủ lúc nghỉ ra thăm hầm Đờ Cát. Thật bất ngờ khi phát hiện ngay trong vườn của di tích lại có một đàn chim quý về sống. Chúng em mong muốn người dân địa phương sẽ bảo vệ, gìn giữ môi trường sống để đàn chim quý này di trú ở đây lâu, góp phần tạo thêm các sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến với Điện Biên Phủ".

Vườn chim trong khu Di tích Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Tổ trưởng tổ dân phố 4 (phường Thanh Trường), khu vực dân cư gần di tích khẳng định: Người ta vẫn nói là đất lành chim đậu nên khi thấy đàn chim quý về đây sinh sống, nhân dân trong phố rất vui và có ý thức bảo vệ. Nhất là sau khi chính quyền các cấp của tỉnh Điện Biên có văn bản chỉ đạo, tổ dân phố đã họp, thông báo nội dung và có biện pháp triển khai để nhân dân tham gia bảo vệ nghiêm ngặt, chăm sóc đàn chim quý hiếm này.

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, đây là giống cò nhạn (còn có tên là cò ốc), có tên trong Sách đỏ Việt Nam, thuộc bậc R- loại cực kỳ quý hiếm. Hiện nay, địa bàn có nhiều cò nhạn bay về kiếm ăn nhất là khu vực các cánh đồng, sông suối từ huyện Mường Chà về thành phố Điện Biên Phủ; khu vực cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên), các hồ thủy lợi lớn như Pá Khoang…; hoặc các khu rừng trong khu vực huyện Mường Tong, Mường Nhé.

Cò nhạn trong khu di tích.

Qua thống kê sơ bộ, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 4-5 đàn cò nhạn lớn, với số lượng lên tới hàng ngàn con. Tại thành phố Điện Biên Phủ, đàn chim này đã kéo về di trú tại một số đồi C1, C2; đồi thông tổ 18, 20 phường Tân Thanh; tổ 14 phường Mường Thanh; nhiều nhất là tại các rừng cây thuộc địa bàn xã Tà Lènh (thành phố Điện Biên Phủ), xã Pú Nhi của huyện Điện Biên Đông (tiếp giáp với thành phố). Buổi tối, chúng bay về trú ngụ, ban ngày bay đi kiếm ăn tại các cánh đồng, hồ nước, sông suối trên khu vực quanh địa bàn thành phố.


Trước đây, trên địa bàn tỉnh có hiện tượng một số người dân xua đuổi khi chim sà xuống kiếm ăn ở ruộng lúa. Thậm chí một số đối tượng đã dùng bẫy, nỏ, súng thể thao để săn bắt cò nhạn làm thức ăn, bán ngoài chợ. Tuy nhiên, sau khi chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, xử phạt những đối tượng có hành vi trên, hiện tượng này đã giảm đáng kể. Đặc biệt, nhiều người dân sống tại các khu vực có cò nhạn về di trú trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã có những biện pháp rất quyết liệt, chống lại hành vi của các đối tượng từ nơi khác đến săn trộm.

Chu Quốc Hùng