05:06 14/05/2015

'Chìm nổi' nghề nuôi cá lồng

Nghề nuôi cá lồng ở Phú Thọ đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, phong trào nuôi cá lồng tự phát sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phát triển mạnh góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, phong trào nuôi cá lồng tự phát sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Phát triển nghề nuôi cá lồng ở xã Quang Húc, huyện Tam Nông.


Trăn trở của người nuôi cá


Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô của gia đình anh Nguyễn Quốc Trung, xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, một trong những hộ nuôi cá lồng đầu tiên của xã. Anh Trung cho biết, được sự hướng dẫn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá lồng của cán bộ khuyến nông, năm 2014, anh vay vốn ngân hàng đóng mới thêm 20 lồng, nâng tổng số lồng lên 35. Năm 2014, với 15 lồng cá, gia đình anh thu trên 300 triệu đồng, năm nay dự kiến thu gấp 2 lần vì số lượng lồng tăng. Thông thường, mùa thu là thời điểm thu hoạch cá, các lái buôn, nhà hàng đã đặt sẵn hàng và đánh xe đến tận nơi thu mua với giá từ 150.000 -250.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, không phải người nào nuôi cá cũng mát tay như gia đình anh Trung. Một số hộ nuôi cá lồng đã trắng tay do cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Bà Nguyễn Thị Dụ, xã Hữu Đô, huyện Đoan Hùng chia sẻ, cuối năm 2014, toàn bộ đàn cá nuôi trong lồng đã bị chết, khiến gia đình thua lỗ, nợ nần. Hiện gia đình bà phải mang 2/7 lồng làm bằng sắt về nhà đợi có điều kiện tiếp tục nuôi cá. Số lồng còn lại bị hư hỏng bà buộc phải tháo dỡ, bán sắt vụn.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, trưởng thôn 10, xã Hữu Đô, nghề nuôi cá lồng ở địa phương rất phát triển, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Trước đây, toàn thôn có khoảng 20 lồng cá, nhiều hộ chỉ nuôi từ hai đến ba năm mà đời sống đã cải thiện đáng kể. Bà con ở đây chủ yếu nuôi cá chiên bán với giá khoảng 400.000 đồng/kg. Mỗi lồng nuôi từ 80 -100 con, thời gian nuôi gần một năm thu hơn 100 triệu đồng/lồng trừ chi phí, lãi 50 triệu đồng/lồng. Tuy nhiên, một hai năm trở lại đây, không hiểu do nguồn nước bị ô nhiễm, hay vì lý do gì mà cá chết hàng loạt nên dù dự án cá lồng được Nhà nước hỗ trợ, nhưng người dân vẫn chưa dám nuôi.

Ở xã Quang Húc, huyện Tam Nông thì lại bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ trong 2 ngày 20, 21/9/2014 đã làm 375 tấn cá bị chết, tổng thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. 100% số hộ nuôi cá đều bị thiệt hại, nhà ít cũng vài trăm triệu, người nhiều lên tới cả chục tỷ đồng.

Anh Nguyễn Minh Đăng, một trong 16 hộ nuôi cá lồng lớn nhất xã Quang Húc cho biết, toàn bộ 60 lồng cá bị hư hỏng và hơn 100 tấn cá thịt, cá giống bị chết, thiệt hại lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Quy hoạch phát triển

Tỉnh Phú Thọ hiện có khoảng gần 10.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng đạt trên 25.000 tấn, tổng giá trị tăng thêm đạt 436,8 tỷ đồng (chiếm 6,85% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh). Theo kế hoạch, cuối năm 2015, sản lượng thủy sản của Phú Thọ sẽ đạt 30.000 tấn và đến năm 2020 đạt 40.000 tấn.

Xác định sản xuất thủy sản là một chương trình nông nghiệp trọng điểm, tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt đề án quy hoạch phát triển thủy sản (giai đoạn 2012 - 2020) với hệ thống các chính sách hỗ trợ về giống, nâng cấp hạ tầng sản xuất.

Theo đó, tỉnh quyết định phê duyệt 3 dự án nông nghiệp cận đô thị gắn với nuôi cá lồng trên các sông (giai đoạn 2014 -2015) tại 3 huyện là Tam Nông, Thanh Thủy và Đoan Hùng. Địa phương hỗ trợ giống, kỹ thuật cho người dân với quy mô phát triển trên sông Đà (80 lồng), sông Bứa (60 lồng), sông Lô (80 lồng), tổng số vốn từ ngân sách tỉnh lên đến hơn 3 tỷ đồng. Trước mắt, địa phương thí điểm ở những lồng thực hiện dự án, đi sâu vào khâu tập huấn, đào tạo, dạy nghề cho nông dân theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, con giống, người dân đầu tư nguyên liệu, thức ăn và nhân công”.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nông nghiệp, để nghề nuôi cá lồng phát triển và nhân rộng trên địa bàn các xã ven sông ở Phú Thọ, địa phương cần nghiên cứu kỹ về quy trình công nghệ, đối tượng, thời vụ nuôi. Đặc biệt, đề án cụ thể phải được đưa ra để xác định mục tiêu, năng suất, sản lượng, số lượng lồng nuôi cho từng giai đoạn. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng cần có, trên cơ sở khảo sát, quy hoạch địa điểm, vị trí phù hợp, không ảnh hưởng đến giao thông, thủy lợi và các tác động khác đến môi trường, dân sinh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ cho biết, việc quản lý hộ cá thể nuôi trồng thủy sản hiện đang gặp không ít khó khăn do tính tự phát cao, bản thân các hộ chưa trang bị đầy đủ kiến thức về kỹ thuật nuôi, thấy lãi là làm nên tình trạng cá chết vẫn xảy ra. Thời gian tới, ngành nông nghiệp nói chung và Chi cục Thủy sản Phú Thọ nói riêng sẽ khuyến khích các hộ nuôi theo quy hoạch, tránh tình trạng tự phát, đảm bảo phát triển theo hướng thâm canh bền vững. Địa điểm nuôi cá phải đảm bảo vệ sinh và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.


Bài và ảnh: Tạ Văn Toàn