08:08 09/08/2022

Chile tiếp tục đối mặt với 'vòng xoáy' lạm phát

Trong vòng 12 tháng qua, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Chile đã tăng 13,1%, mức cao nhất kể từ năm 1994.

Chú thích ảnh
Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng Trung ương Chile. Ảnh: Reuters/TTXVN

Theo báo cáo của INE, nhóm mặt hàng tăng giá nhiều nhất trong tháng trước tiếp tục là nhiên liệu. Giá xăng dầu tại Chile trong tháng 7/2022 tăng trung bình 3,4% so với tháng trước đó.

Sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào năm 2021, ở mức 11,7%, nền kinh tế Chile đang bắt đầu có dấu hiệu phát triển chậm lại. Chile khép lại năm 2021 với lạm phát lên tới 7,2%, mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây, khiến Ngân hàng trung ương Chile (BCCH) phải rút lại các biện pháp kích thích tiền tệ mà nước này đã áp dụng khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3/2020.

Để kiềm chế lạm phát, ngân hàng này vào tháng 6/2022 đã buộc tăng lãi suất từ 8,25% lên 9%, mức cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Vào đầu tháng này, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ cho người lao động trước đà tăng của giá cả tiêu dùng, Chính phủ Chile đã chính thức triển khai biện pháp tăng lương tối thiểu từ mức 380.000 peso (khoảng 426 USD) lên 400.000 peso (450 USD).

Tổng thống Chile Gabriel Boric cho biết diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế toàn cầu, bao gồm khả năng suy thoái kinh tế cả ở châu Âu và Mỹ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Chile trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, ông Boric khẳng định quyết tâm đưa mức lương tối thiểu tại Chile đạt mức 500.000 peso (560 USD) trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, đồng thời yêu cầu sự ủng hộ của người lao động và người sử dụng lao động đối với biện pháp này.

Theo Bộ trưởng Tài chính Chile Mario Marcel, biện pháp tăng lương tối thiểu vừa có hiệu lực sẽ mang lại lợi ích cho hơn 1 triệu người lao động Chile. Biện pháp này cũng bao gồm các gói trợ cấp cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) dùng để trang trải cho việc tăng lương tối thiểu.

Ngọc Tùng (P/v TTXVN tại Buenos Aires)