06:17 10/06/2021

Chiều 10/6, giá vàng châu Á đi xuống

Trong phiên giao dịch chiều 10/6, giá vàng tại thị trường châu Á đi xuống, trước đà tăng của đồng USD. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang có tâm lý chờ đợi trước thềm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và báo cáo về tình hình lạm phát tại Mỹ.

Chú thích ảnh
Vàng miếng được bán tại Dublin, Ireland. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Vào lúc 14 giờ 12 phút ngày 10/6 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.884,18 USD/ounce.

Phiên này, chỉ số đồng USD tăng lên gần 90,195, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác. Nhà phân tích Jigar Trivedi, tại Anand Rathi Shares, có trụ sở ở Mumbai, nhận định thị trường đang chờ Mỹ công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và ECB công bố kết quả cuộc họp.

Hiện nay, mọi “con mắt” đều đổ dồn vào số liệu lạm phát tại Mỹ sau khi báo cáo tháng trước cho thấy giá tiêu dùng trong tháng 4 tăng mạnh nhất trong gần 12 năm. Các nhà kinh tế ước tính CPI của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 5.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi số liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ để có thêm manh mối về đà phục hồi của thị trường lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà phân tích Kyle Rodda của IG Market dự báo trong ngắn hạn, giá vàng vẫn nhận được hỗ trợ và kim loại quý này sẽ vượt 1.900 USD/ounce.

Tại Việt Nam, chiều 10/6, giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,65 - 57,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu châu Á đi xuống

Trong phiên chiều 10/6, giá dầu châu Á giảm theo sau số liệu về dự trữ xăng dầu tại Mỹ, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 36 xu Mỹ (0,5%) xuống 71,86 USD/thùng, còn dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 35 xu Mỹ (0,5%) xuống 69,61 USD/thùng.

Các nhà phân tích của ANZ Research cho hay các thị trường vốn lạc quan về nhu cầu xăng dầu khi nước Mỹ bước vào giai đoạn cao điểm dịch chuyển trong mùa hè. Chương trình tiêm chủng đã được đẩy nhanh và số lượng người đi lại gia tăng là một điểm cộng cho nhu cầu nhiên liệu.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 9/6 báo cáo dự trữ dầu thô của nước này, trong đó có Dự trữ Dầu khí Chiến lược quốc gia (SPR) đã giảm tuần thứ 11 liên tiếp trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu gia tăng sản lượng, song các kho dự trữ nhiên liệu tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Cụ thể, dự trữ dầu thô của Mỹ, không tính SPR, đã giảm 5,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4/6 xuống 474 triệu thùng, tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Theo số liệu của EIA, nhu cầu xăng giảm xuống 8,48 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 4/6, giảm so với mức 9,15 triệu thùng/ngày trong tuần trước, những tăng so với mức 7,9 triệu thùng/ngày một năm trước.

Một diễn biến khác làm ảnh hưởng đến giá dầu là Công ty Dầu Waha Oil Co của Libya đặt mục tiêu đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường từ ngày 10/6 sau khi sửa chữa xong đường ống dẫn dầu bị rò rỉ, đã làm giảm hơn 50% sản lượng dầu của công ty này.

Tại Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, nhu cầu nhiên liệu trong tháng 5/2021 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020, trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ hai làm đình trệ hoạt động kinh tế tại nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới này.

Trà My - Minh Hằng (TTXVN)