Thành công hay thất bại trogn cuộc phản công sắp tới sẽ định hình chiến trường và quyết định sức mạnh của Kiev trong bất kỳ cuộc đàm phán cuối cùng nào với Moskva để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, những ví dụ phản công thành công mà không có ưu thế trên không là rất hiếm.
Cuộc phản công mùa xuân đòi hỏi sự phối hợp cao độ giữa các sư đoàn của Kiev.
Một bên sẽ có khoảng 35.000 binh sĩ Ukraine, được hỗ trợ bởi các xe tăng chiến đấu của phương Tây. Họ sẽ phải đối mặt với hơn 140.000 quân Nga dọc theo chiến tuyến dài 950km. Ngăn cách hai lực lượng sẽ là dải chướng ngại vật chết chóc với mìn, công sự bằng đất và cọc chặn xe tăng do người Nga thiết lập.
Thời điểm Ukraine sẽ cố gắng chọc thủng các công sự tiền tuyến của Nga được cho là sắp tới, dù không ai biết chính xác thời điểm. Gần 14 tháng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng, rủi ro trong giai đoạn đầu tiên của cuộc phản công mùa xuân từ Kiev không thể cao hơn. Thành công hay thất bại sẽ định hình chiến trường và quyết định sức mạnh của Kiev trong bất kỳ cuộc đàm phán cuối cùng nào với Moskva để giải quyết xung đột.
“Để mạnh mẽ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, Ukraine phải mạnh mẽ trên chiến trường", đó là điều Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói hồi đầu năm nay. “Hãy giải phóng tối đa (diện tích lãnh thổ) mà chúng ta có thể.”
Khó khăn khi Ukraine thiếu yểm trợ đường không
Nhưng các quan chức quân sự và các nhà phân tích đã cảnh báo, cuộc giao tranh hứa hẹn sẽ là một cuộc chiến cam go. Trước hết, là các hoạt động nhằm vượt qua vùng ranh giới chiến tuyến đều cực kỳ khó thực hiện vì sẽ đòi hỏi tất cả các đơn vị quân đội - từ pháo binh, xe tăng, đến hoạt động tình báo và kỹ sư - phải hoạt động đồng bộ.
Nick Gunnell, một cựu sĩ quan trong Lực lượng Kỹ sư Hoàng gia Anh, người có nhiều kinh nghiệm về các hoạt động xâm nhập chiến tuyến, cho biết: “Cần phải có một sự phối hợp khổng lồ của các vũ khí kết hợp. Tất cả mọi người đều phải đóng một vai trò nào đó. Rủi ro rất cao.”
Thêm vào những khó khăn là việc Ukraine thiếu ưu thế trên không. Trận chiến lớn gần đây nhất có sự tham gia của xe tăng phương Tây là vào năm 2003 khi liên minh do Mỹ đứng đầu giao tranh với lực lượng Iraq được trang bị xe tăng T-72 từ thời Liên Xô. Nhưng các lực lượng đồng minh sau đó được hỗ trợ bởi máy bay tấn công mặt đất và trực thăng vũ trang Apache.
Trên bộ, các lực lượng Ukraine sẽ có vũ khí hạng nặng do phương Tây cung cấp như xe tăng Challenger của Anh, Leopard do Đức sản xuất, xe chiến đấu Bradley của Mỹ và pháo tự hành Archer.
Nhưng họ lại thiếu sự yểm trợ trên không để ngăn chặn các cuộc tấn công của máy bay chiến đấu Nga, mà như ông Gunnell đã nói, có thể “đè bẹp các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng của Ukraine” khi chúng đang tìm cách chọc thủng công sự của Nga. Phương Tây cho đến nay vẫn từ chối yêu cầu cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu tiên tiến như F-16 của Mỹ.
Ben Barry, cựu chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh thiết giáp của Anh, cho biết: “Cách tiếp cận cổ điển trong một cuộc tấn công trên bộ là xông vào hậu phương của kẻ thù, trong một hoặc nhiều khu vực, và giáng một đòn tập trung vào trọng tâm của kẻ địch. Những ví dụ thành công mà không có ưu thế trên không là rất hiếm". Ông Barry trích dẫn cuộc tấn công trên bộ của Israel vào các vị trí của Ai Cập vào năm 1973 trong cuộc chiến Yom Kippur.
Kịch bản vượt chiến tuyến
Cuộc phản công của Ukraine sắp diễn ra không phải là điều bí mật. Bộ Quốc phòng Ukraine gần đây đã chia sẻ một video cho thấy các binh sĩ học cách sử dụng vũ khí của Anh với chú thích: “Để làm gì? Bạn sẽ thấy. Mùa xuân đang đến".
Đến tháng 5, mặt đất sẽ đủ vững chắc cho các phương tiện cơ động với nhiều phương tiện thiết giáp hơn do phương Tây cung cấp, cộng với các thiết bị kỹ thuật như các lớp cầu bọc thép trong gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 2,6 tỷ USD.
Chính xác nơi cuộc tấn công có thể diễn ra vẫn là một bí mật được giữ nghiêm ngặt. Một khu vực được coi là quan trọng chiến lược đối với Nga là xung quanh Melitopol, gần Biển Azov. Một cuộc tấn công thành công của Ukraine ở đây sẽ chia lực lượng Nga thành hai phần, để lại một nhóm ở Crimea và phía Nam, và một nhóm khác ở phía Dông. Nhưng quân đội Nga, nhận thức được rủi ro, đã chuẩn bị sẵn các tuyến phòng thủ nghiêm ngặt trong khu vực.
Hệ thống phòng thủ của Nga thường bao gồm một bãi mìn, theo sau là các hàng cột bê tông hình kim tự tháp được gọi là "răng rồng" để cản bước các đơn vị cơ giới hóa. Một bãi mìn khác nằm phía sau họ, với một hàng chiến hào và hầm cách đó 400m, và một hào chống tăng cách chừng 500m.
“Họ cần chọn vị trí thuận lợi nhất - mặc dù đó là một khái niệm rất mở", ông Gunnell nói. “Đó có thể là nơi Ukraine có hậu cần tốt gần đó, hoặc ở điểm yếu nhất của Nga, mặc dù đó cũng có thể là điểm yếu nhất của Ukraine”.
Dù bằng cách nào, bước đầu tiên sẽ là phóng mìn định hướng để tạo ra một làn đường sạch rộng khoảng 5m cho xe tăng và xe thiết giáp khác đi qua.
Việc tiếp theo là làm sạch "răng rồng", có thể sử dụng những chiếc xe tăng có gắn lưỡi cày. Bước cuối cùng là chọc thủng các hào bằng thiết bị bắc cầu chuyên dụng.
Chuyên gia Gunnell nói: “Vấn đề là ở động lượng và tốc độ. Nhưng mọi thứ luôn đi sai hướng, vì vậy bạn phải chuẩn bị sẵn sàng. Nếu lưỡi cày của xe tăng bị hỏng, nó phải được phục hồi hoặc chuẩn bị cho làn đường thứ hai.”
Các nhà phân tích cho biết, phần khó nhất là đồng bộ hóa các bộ phận khác nhau. Và quân đội Ukraine, mặc dù thành thạo trong các cuộc diễn tập quy mô nhỏ, nhưng lại có ít kinh nghiệm về các hoạt động vũ trang kết hợp ở quy mô lớn như vậy, các nhà phân tích cho biết.
Hơn nữa, các lực lượng của Ukraine đã mất một phần lớn binh lính giàu kinh nghiệm nhất của họ, với ước tính có khoảng 120.000 thương vong.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine, từng bị đánh giá thấp trước đây, vào năm ngoái đã đẩy lùi các lực lượng Nga xung quanh thủ đô và sau đó là đánh bật đối phương khỏi thành phố Kharkiv ở phía Đông bắc.
“Nếu cuộc tấn công của Ukraine mạnh và nhanh, buộc người Nga tụt lại phía sau, chiến tuyến sẽ bị phá vỡ và người Nga sẽ bỏ chạy, giống như họ đã làm trong cuộc phản công xung quanh Kharkiv", Glen Grant, cựu sĩ quan quân đội Anh, cố vấn cho ủy ban quốc phòng của Quốc hội Ukraine, nhận định.
Theo chuyên gia này, nếu điều đó xảy ra, hệ thống phòng thủ mà người Nga đã chuẩn bị phần lớn sẽ trở thành vô giá trị, cho phép thêm nhiều lực lượng Ukraine tràn vào khoảng trống đã được dọn sẵn.