10:06 27/10/2020

Chiến tranh thương mại thất bại trong mục tiêu phục hồi sản xuất nội địa

Cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc không giúp chính quyền Tổng thống Trump hoàn tất mục tiêu trung tâm về phục hồi sản xuất, chế tạo nội địa vốn suy yếu trong nhiều thập kỉ qua, tờ Wall Street Journal ngày 25/10 nhận định.

Chú thích ảnh
Tàu hàng container cập cảng nước sâu ở Thượng Hải. Ảnh: Getty Images

Đòn trừng phạt thuế giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trước Trung Quốc trong năm 2019, nhưng tổng thể mất cân bằng trong cán cân thương mại của Mỹ lên mức cao nhất trong cùng thời điểm và tiếp tục tăng mạnh trong năm 2020, với thâm mức thâm hụt kỉ lục trong tháng 8/2020, ở mức 84 tỉ USD. Thâm hụt với Trung Quốc cũng bắt đầu tăng trong đại dịch và hiện trở lại ngưỡng tương đương thời điểm ông Trump lên nắm quyền. 

Mỹ cũng không đạt được một mục tiêu then chốt khác về đưa sản xuất từ nước ngoài về nội địa. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng thuế trừng phạt đã thành công khi buộc Trung Quốc chấp thuận thỏa thuận thương mại giai đoạn một, có tác động tích cực trong “mang việc làm ngành chế tạo trở lại Mỹ”. Ông dẫn số liệu cho thấy có 400.000 việc làm ngành chế tạo được tạo mới trong thời gian tháng 11/2016 - 3/2020.

Tuy nhiên, 75% số việc làm này được tạo ra trước khi những dòng thuế đầu tiên có hiệu lực đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 7/2018 – thời điểm tăng trưởng việc làm ngành chế tạo đạt đỉnh, sau đó bắt đầu suy yếu. Đến đầu năm 2020 – tức là trước khi COVID-19 lan tới nước Mỹ, thị trường việc làm ngành chế tạo đình trệ, các nhà máy sa thải công nhân từ tháng 3 trở đi. 

Bản phân tích chéo các ngành kinh tế do Cục Dự trữ Liên bang thực hiện cho thấy, thuế trừng phạt giúp tạo ra 0,3% tăng trưởng việc làm trong những ngành có liên quan trực tiếp tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, khi một số ngành được hưởng lợi từ xu thế bảo hộ để đối phó với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. 

Tuy nhiên, nhưng lợi ích này phải đánh đổi bằng việc thiết bị, hàng trung gian nhập khẩu từ Trung Quốc bị đội giá, khiến việc làm trong ngành sản xuất ở Mỹ giảm 1,1%. Đòn thuế trả đũa của Trung Quốc nhằm vào Mỹ cũng khiến việc làm tại các nhà máy ở Mỹ giảm 0,7%. 

Chiến lược trừng phạt thuế gây ra những kết cục khác nhau với các nhà sản xuất Mỹ, tùy thuộc vào từng tình hình cụ thể. Rõ nhất là trường hợp của hãng chế tạo khu vực Trung Tây là Atlas Tool Work và Hemlock Semiconductor, đều có trụ sở ở miền Trung Tây. 

Công ty Atlas ở Illinois cho biết doanh số bán hàng với các sản phẩm giá đỡ, bánh răng và băng chuyền chuyên sử dụng trong ngành chế tạo tăng 18% trong năm ông Trump đánh thuế với nhóm mặt hàng nhập khẩu này từ Trung Quốc. Thế nhưng Hemlock, một công ty ở bang Michigan chuyên sản xuất polysilicon dùng trong chip máy tính và tấm pin năng lượng mặt trời, lại đang phải vật lộn với khó khăn. 

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một có điều khoản chi tiết về việc Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu polisilicon dùng cho pin năng lượng mặt trời từ Mỹ, đúng chủng loại sản phẩm chủ lực của Hemlock. Nhưng Trung Quốc không chịu dỡ thuế áp với mặt hàng này, tương tự như Mỹ vẫn giữ thuế trừng phạt đối với phần lớn hàng nhập khẩu Trung Quốc. Hệ quả là Hemlock hầu như không thu lợi được gì. 

Atlas, ngược lại, được hưởng lợi từ đòn trừng phạt thuế của chính quyền Trump. Hãng này từng phải đóng cửa mảng sản xuất giàu lợi nhuận, chuyên về cung ứng sản phẩm cho các nhà chế tạo viễn thông vào đầu những năm 2000 do không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Atlas sau đó buộc phải tái cơ cấu, tập trung vào mảng thiết bị chế tạo dùng cho ngành quốc phòng, y tế. 

Ngành này sau đó cũng vấp phải cạnh tranh từ Trung Quốc. Nhưng khi Mỹ áp thuế vào năm 2018, doanh thu của Atlas tăng vọt. Atlas không phải đối mặt với một nhà cung cấp nào từ Trung Quốc, nhờ đó giữ được mức giá ổn định. Từ chỗ có 100 nhân công, Atlas tuyển thêm gần 30 người nữa. 

Chú thích ảnh
Một tháp sản xuất của Hemlock ở bang Michigan. Ảnh: WSJ

Ông Lighthizer nhận thấy rằng, giống như Hemlock, nhiều công ty Mỹ phụ thuộc vào chuỗi cung tại Trung Quốc. Số này muốn chính quyền Mỹ buộc Trung Quốc chấp nhận giảm quy mô trợ giá công nghiệp với sản xuất trong nước. Nhưng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không đề cập đến mục tiêu này, sẽ chỉ được đề cập trong thỏa thuận giai đoạn 2, mà cho đến lúc này chưa biết bao giờ mới diễn ra. 

Derek Scissors, học giả tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), lúc đầu từng là người ủng hộ cách tiếp cận của ông Trump về áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng giờ chuyên gia này lại cho rằng chiến lược của chính quyền Mỹ về cơ bản không đạt được mục tiêu đề ra.

“Có nhiều lý do để áp thuế, có nhiều lý do giải thích thâm hụt thương mại song phương, nhưng trừng phạt thuế không mang lại phần thưởng lớn đối việc làm trong ngành chế tạo”, ông Scissors bình luận.

Mark Bassett, Giám đốc điều hành của Hemlock, rất mong đợi chính quyền Mỹ gia tăng nỗ lực để tạo sân chơi công bằng trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Nhưng ông cũng nhận ra rằng Hemlock và nhiều công ty khác trong ngành sản xuất này tại Mỹ sẽ phải có những bước thay đổi cơ bản để cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc vốn đang nhận được trợ cấp từ Bắc Kinh.

Năm 2010, các đối tác chuyên sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Trung Quốc đặt mua khoảng 1 tỉ USD mặt hàng polysilicon. Nhận định nhu cầu gia tăng, Hemlock đầu tư 1 tỉ USD để xây dựng nhà máy mới ở Clarksville, bang Tennessee, hoàn thành vào năm 2012. 

Nhưng Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch cho riêng mình. Năng lượng mặt trời được xác định là một ngành chiến lược trong chương trình “Chế tạo tại Trung Quốc đến năm 2025” (Made in China 2025) vốn hướng đến mục tiêu vươn lên thành người thống trị thế giới về sản xuất công nghệ cao.

Kế hoạch này biến Trung Quốc từ khách hàng trở thành đối thủ của Hemlock. Xuất khẩu polysilicon từ Mỹ sang Trung Quốc giảm xuống còn 107 triệu USD trong năm 2018. Nhà máy của Hemlock chưa có cơ hội đi vào sản xuất, buộc phải đóng cửa vào năm 2014. 

Tuấn Linh/Báo Tin tức (WSJ)