09:18 24/09/2018

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ tạo trật tự kinh tế mới nào?

Tuy không phải Chiến tranh Lạnh nhưng cuộc chiến thương mại hiện nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ và Trung Quốc – đang khiến thế giới trải qua những điều chưa thấy trước đây.

Chú thích ảnh
Có thể sẽ có một trật tự kinh tế mới khi Mỹ-Trung Quốc kết thúc chiến tranh thương mại. Ảnh: AP

Tờ Washington Post nhận định thuế quan mới mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên hàng hóa của nhau gây lo ngại về một cuộc “Chiến tranh Lạnh Kinh tế”. Bên bị cho là đổ thêm dầu vào lửa là chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump – người ngày 17/9 thông báo áp thuế mới với số hàng hóa trị giá 200 tỷ của Trung Quốc. Gần như ngay lập tức, Trung Quốc đã cam kết đáp trả.

Theo tờ The Atlantic, động thái ăn miếng trả miếng này diễn ra từ tháng 1 và chưa nhìn thấy giải pháp cho xung đột thương mại. Khi Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực, thậm chí còn có lo ngại rằng căng thẳng thương mại về lâu dài có thể gây ra xung đột quân sự giữa hai quốc gia. 

Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang thiết lập một “vùng xám” mới, chưa từng có tiền lệ, không thật giống sự chia rẽ về kinh tế trong mối quan hệ Mỹ-Liên Xô thời đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh. 

Các chuyên gia cho rằng khi cuộc chiến này kết thúc, Mỹ sẽ ủng hộ rộng rãi việc áp dụng đường lối kinh tế cứng rắn với Trung Quốc và cả hai quốc gia sẽ phải thừa nhận rằng cần có một sự đa dạng hóa lành mạnh trong mối quan hệ kinh tế hai bên. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc và Mỹ sẽ có một quan hệ kiểu mới, tạo ra một bối cảnh mới cho trật tự thế giới.

Chú thích ảnh
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết trong tương lai gần. Ảnh: AFP

Mặc dù thuế quan là vũ khí mà Tổng thống Trump sử dụng để chống lại Trung Quốc, nhưng các chính khách hai bên nhìn chung nhất trí quan điểm rằng Trung Quốc có tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ, luôn buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và có những yêu cầu liên doanh làm ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ.

Năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đã công khai chỉ trích cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp nhà nước. Mới tháng 3 này, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren lưu ý rằng chính sách của Mỹ hai thập kỷ qua là lầm đường lạc lối vì tìm cách dàn xếp với Trung Quốc để nước này có nhượng bộ về quy định tiếp cận thị trường cho các công ty Mỹ. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cũng công khai nói rằng một trong những chính sách của Tổng thống Trump mà ông ủng hộ là cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc.

Mặc dù những cơ quan như Phòng Thương mại Mỹ cho rằng thuế không phải là công cụ phù hợp để theo đuổi chiến tranh thương mại, nhưng rõ ràng là cho dù chủ nhân Nhà Trắng có thay đổi thì nước Mỹ cũng không giảm tham vọng có một thay đổi mang tính hệ thống trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nói cách khác, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung có từ trước khi ông Donald Trump làm tổng thống và sẽ tồn tại kể cả sau khi ông rời nhiệm sở. 

Quan điểm truyền thống rằng đối thoại có thể thay đổi cách tiếp cận của Trung Quốc giờ đây đã bị vỡ vụn. Rõ ràng là nước Mỹ sẽ không quay trở lại thời kỳ như trước đây trong vấn đề quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Tờ The Atlantic cho rằng chính trị nội bộ ở Trung Quốc và Mỹ cho thấy trong những năm tới, sức ép để Trung Quốc tiếp tục tự do hóa thị trường sẽ không giảm. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại tiếp diễn như hiện nay, Trung Quốc sẽ không có lý do gì để công khai nhượng bộ Mỹ. 

Trong thực tế, xu hướng tăng cường chuỗi giá trị sản xuất đã bắt đầu ở Trung Quốc trước khi ông Trump nhậm chức. Xu hướng này có thể hỗ trợ sự ổn định chiến lược bằng cách khuyến khích đa dạng hóa dần dần mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hiện nay, các doanh nghiệp Mỹ vẫn còn dễ bị tổn thương trước các biện pháp kinh tế của Trung Quốc. Doanh nghiệp từ các nước đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản từng là mục tiêu của các biện pháp này.

Chú thích ảnh
Thép Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 25%. Ảnh: AP

Sau khi chính quyền Tổng thống Trump quyết định áp đặt lệnh cấm xuất khẩu với tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE, tức là cấm ZTE mua các bộ phận quan trọng cần có để sản xuất các sản phẩm giá trị cao (sau này ông Trump đã bỏ quyết định trên), Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát lời kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc tăng nỗ lực tự sản xuất chip nhằm hạn chế tác động của các lệnh cấm từ Mỹ trong tương lai.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn lâu mới tới hồi kết và và sẽ tạo ra những điều khác biệt so với mối quan hệ kinh tế song phương trước đây giữa hai nước. Nhưng điều đó không có nghĩa là kết thúc cuộc chiến này, hai nước sẽ không liên quan tới nhau về kinh tế. 

Tờ The Atlantic nhận định: Điều có khả năng xảy ra là cả Mỹ và Trung Quốc sẽ bảo vệ công nghệ giá trị cao, có tầm quan trọng với lợi ích quốc gia, phát triển dư thừa chuỗi cung và tiếp tục liên kết với các quốc gia tầm trung mới nổi ở Đông Nam Á và khu vực tiểu vùng Sahara ở châu Phi. 

Về lâu dài, Trung Quốc và Mỹ vẫn có thể đa dạng hóa quan hệ kinh tế một cách lành mạnh hơn, từ đó sẽ tạo ra một con đường tới một trật tự kinh tế mới lạ, bền vững hơn.

Thùy Dương/Báo Tin tức