02:08 06/02/2015

'Chiến tranh Lạnh' mới về năng lượng của châu Âu

Mỹ và Nga một lần nữa lại vướng vào một cuộc xung đột nghiêm trọng liên quan tới nguồn nhiệt năng và điện năng phục vụ nhu cầu của người dân châu Âu.

Mỹ và Nga một lần nữa lại vướng vào một cuộc xung đột nghiêm trọng và châu Âu là trung tâm chính của mâu thuẫn này. Tuy nhiên, "Chiến tranh Lạnh" tái diễn không phải là bởi những tranh giành về quyền lực, mà nó liên quan tới nguồn nhiệt năng và điện năng phục vụ nhu cầu của người dân châu Âu.

Điều hiện đang khiến người ta lưu tâm trên các tấm bản đồ không phải là vị trí triển khai quân đội, sự bố trí các tiểu đoàn xe tăng hay hầm tên lửa mà là hệ thống đường ống, các cảng biển và nhà máy phát điện.

Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barrack Obama siết chặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và đẩy mạnh hỗ trợ quân sự cho Ukraine, người ta ngày càng nói nhiều hơn về một "chiến dịch" quy mô lớn, tuy không rầm rộ, nhằm giảm dần sự lệ thuộc về năng lượng của Trung và Đông Âu đối với Nga.

Để chuẩn bị cho điều này, Washington đang thúc đẩy các dự án xây dựng nhiều đường ống dẫn khí đốt và trạm trung chuyển tại một khu vực vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng từ Nga. Theo các số liệu chính thức, 70% khối lượng năng lượng mà châu Âu tiêu thụ hàng năm là do Nga cung cấp. Đây cũng là nhân tố thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Mỹ tích cực tham gia các dự án xây dựng nhà máy hạt nhân và tăng cường hoạt động thăm dò tại châu Âu.

Người ta ngày càng nói nhiều hơn về một "chiến dịch" quy mô lớn nhằm giảm dần sự lệ thuộc về năng lượng của Trung và Đông Âu đối với Nga.


Trên thực tế, Kremlin cũng không "đứng im chịu trận" và cảnh báo các chính phủ láng giềng về hệ quả của việc hướng Tây để tìm năng lượng. Nga nỗ lực nhằm chiếm thế thượng phong so với Mỹ trong các vụ đấu thầu hạt nhân, tìm cách sở hữu hệ thống các đường ống dọc châu Âu, và kiểm soát không chỉ nguồn năng lượng chuyển tới phương Tây, mà còn những gì mà các chính phủ châu Âu có thể làm với các đường ống này sau đó.

Khi nhìn vào tấm bản đồ châu Âu với những dấu chấm đại diện cho hệ thống các đường ống sẵn có và dự kiến sẽ được xây dựng trong thời gian tới, ông Amos Hochstein - Đại diện đặc biệt về các vấn đề năng lượng quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ - cho rằng đây thực sự là "một trận đấu cờ" căng thẳng.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã không ngừng kêu gọi các đối tác châu Âu tìm kiếm nguồn dầu mỏ, khí đốt và hạt nhân mới, song cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát hồi năm 2014 khiến lời kêu gọi này càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Trong khi nguy cơ Nga cho ngừng hoạt động các đầu mối và đường ống dẫn dầu tới các nước láng giềng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, những mâu thuẫn chưa có hồi kết giữa các chính phủ châu Âu và giới doanh nghiệp năng lượng thậm chí còn ảnh hưởng không nhỏ tới các nỗ lực trên khắp khu vực. Bên cạnh đó, các nước lớn cũng có thể nhận thấy được sự thuận tiện và đơn giản hóa thủ tục khi tiến hành các thỏa thuận tư nhân với chính quyền Nga. Rõ ràng, điều này là không hề có lợi cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương của châu Âu, với hạ tầng cơ sở được thiết kế chỉ phù hợp để nhận khí đốt từ Siberia.

Mặc dù vậy song hiện đang ngày càng có nhiều các hành động và nỗ lực nhằm làm thay đổi thực tế này. Với sự hỗ trợ của Mỹ, Lithuania và tiếp theo là Ba Lan sẽ nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Na Uy, Qatar và tương lai là Mỹ. Các đường ống mới sẽ giúp các nước Trung và Đông Âu chuyển nhiên liệu từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam. Và trong vòng hai năm, hành lang phía Nam sẽ được xây dựng để chuyển nhiên liệu từ Biển Caspi, qua Azerbaijan, Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước châu Âu, mà không cần đi qua Nga.

Những bước tiến này được thực hiện cùng với nhiều kế hoạch khác - như dự án xây dựng nhà máy khí đốt hóa lỏng ở ngoài khơi bờ biển Croatia; mạng lưới năng lượng Bulgaria - Romania, với các trạm trung chuyển tại Serbia và Hungary; hay hệ thống năng lượng quy mô ngày càng lớn như ở Tây Ban Nha và Pháp - đồng nghĩa với việc các nước châu Âu đang tích cực tăng cường hoạt động trao đổi thương mại năng lượng, củng cố nguồn dự trữ nhiên liệu và giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Nga.

Ông Hochstein cho biết Mỹ đang đẩy mạnh mục tiêu để tới năm 2020, thị trường khí đốt Đông Âu sẽ cắt giảm khoảng 20% thị phần mà Nga đang nắm giữ và đây sẽ là một bước tiến cực kỳ quan trọng.   


TTK