03:18 17/03/2016

Chiến thắng xác định cục diện đường đua

Cục diện cuộc đua “song mã” trong tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đang ngày càng định hình rõ nét sau ngày “Siêu thứ Ba” lần 2.

Ứng viên Donald Trump (giữa, trước) phát biểu tại cuộc họp báo tại Palm Beach, Florida ngày 15/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Cục diện cuộc đua “song mã” trong tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đang ngày càng định hình rõ nét sau ngày “Siêu thứ Ba” lần 2 khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton của đảng Dân chủ chứng tỏ ưu thế vượt trội so với đối thủ Bernie Sanders, còn tỷ phú Donald Trump tiếp tục khẳng định vị thế ứng viên số một để giành tấm vé duy nhất của đảng Cộng hòa ra tranh cử vào Nhà Trắng.

Sở dĩ gọi là ngày “Siêu thứ Ba” thứ 2 vì chỉ tính riêng 5 bang diễn ra các cuộc bầu cử sơ bộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là Florida, Ohio, North Carolina, Illinois và Missouri đã có tổng số phiếu đại biểu lên tới trên 1.000. Riêng đảng Cộng hoà còn có thêm một cuộc bỏ phiếu kín tại quần đảo Bắc Mariana - vùng lãnh thổ xa xôi của Mỹ tại Thái Bình Dương với 15 hòn đảo nhỏ.

Thế an bài của đảng Dân chủ

Đúng như dự đoán của giới phân tích, bà Clinton đã tận dụng rất tốt ưu thế để liên tiếp giành chiến thắng áp đảo trong ngày bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, qua đó bỏ lại đằng sau đối thủ là ông Sanders ở một khoảng cách rất xa. Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, nhiều người kỳ vọng Thượng nghị sĩ bang Vermont này sẽ tiếp tục làm nên bất ngờ sau khi vượt qua bà Clinton tại bang Michigan trong cuộc bầu cử sơ bộ hôm 8/3 vừa qua. Tuy nhiên, kịch bản này đã không lặp lại khi bà Clinton liên tiếp giành chiến thắng tại 4 bang là Florida, Ohio, Bắc Carolina và Illinois. Trong khi đó, tại bang Missouri diễn ra tình trạng bám đuổi rất sát giữa hai ứng cử viên với kết quả bà Clinton chỉ nhỉnh hơn ông Sanders một chút. Với thắng lợi “5 sao” này, bà Clinton đã có thêm ít nhất 371 phiếu đại biểu, nâng tổng số phiếu đại biểu mà bà nắm trong tay tính tới thời điểm hiện tại lên 1.606 phiếu, gần gấp đôi số phiếu đại biểu của ông Sanders (851).

Những chiến thắng như vũ bão của bà Clinton cho thấy các cử tri Dân chủ dường như đã gửi trọn niềm tin vào vị cựu Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Mặc dù ông Sanders tuyên bố không bỏ cuộc và sẽ “chiến đấu đến cùng”, nhưng dư luận cho rằng vị Thượng nghị sĩ 75 tuổi này khó lòng san lấp khoảng cách “thênh thang” mà bà Clinton đã tạo ra sau ngày "Siêu thứ Ba” lần 2 và các cuộc bầu cử sơ bộ còn lại dường như chỉ là màn tập dượt để bà chuẩn bị cho cuộc đối đầu vào tháng 11 tới với ứng cử viên của đảng Cộng hòa, mà nhiều khả năng là nhà tài phiệt Donald Trump.

“Ngày phán xét” của Marco Rubio


Bên phía đảng Cộng hòa, ứng cử viên Donald Trump cũng giành các chiến thắng ấn tượng không kém bà Clinton. Bất chấp sự cản phá quyết liệt từ các thế lực bảo thủ trong nội bộ đảng, ông trùm bất động sản vẫn chiến thắng dễ dàng tại 3 bang là Florida, North Carolina, Illinois và chỉ để “sảy chân” tại Ohio - bang nhà của đối thủ John Kasich. Còn tại bang Missouri, cục diện cũng giống như với đảng Dân chủ khi diễn ra cuộc ganh đua rất sít sao giữa ông Trump và Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz khi ông Trump dẫn trước đối thủ với tỷ lệ ủng hộ 40,9%-40,7%. Trước đó, ông Trump đã sớm đón nhận tin vui khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại quần đảo Bắc Mariana và giành trọn 9 phiếu đại biểu.

Trong số các chiến thắng của ông Trump trong ngày “Siêu thứ Ba” lần 2, thắng lợi tại Florida có ý nghĩa đặc biệt không chỉ bởi ông “ẵm trọn” 99 phiếu đại biểu tại bang này theo quy tắc “được ăn cả” (winner-take-all) mà còn ép đối thủ Marco Rubio phải tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử. Trước đó, ông Rubio đã hủy mọi sự kiện để dồn toàn lực vận động cử tri tại bang quê nhà hòng xoay chuyển tình thế khi bị tụt lại sau ông Trump khá xa. Tuy nhiên, “Siêu thứ Ba” lần 2 đã trở thành “ngày phán xét” đối với vị nghị sĩ trẻ tuổi có tài ăn nói này sau khi thảm bại ngay trên sân nhà trước đối thủ trực tiếp và phải ngậm ngùi rời khỏi cuộc đua.

Với việc nắm 673 phiếu đại biểu tính đến thời điểm này, ông Trump không chỉ gom được hơn một nửa số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa, mà còn bỏ xa người đứng thứ hai là Cruz với khoảng cách 262 phiếu đại biểu, qua đó tiếp tục nới rộng khoảng cách so với các đối thủ và người ta đã nghĩ đến một cuộc đua song mã giữa ông và bà Clinton vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, do sắp tới có những bang nhiều phiếu tổ chức bầu cử theo hình thức “được ăn cả” nên khả năng ông Trump không giành đủ số phiếu để trở thành đại diện đương nhiên của Đảng Cộng hoà vẫn có thể xảy ra. Khi đó, việc lựa chọn đại diện của đảng Cộng hoà tham dự tổng tuyển cử sẽ do Đại hội đảng toàn quốc tổ chức từ ngày 18-21/7 tới tại Cleveland, bang Ohio quyết định.

T rong các cuộc vận động tranh cử, cả bà Hilarry Clinton và ông Donald Trump đều cố gắng hết sức để kêu gọi cử tri Mỹ đoàn kết và ủng hộ họ. Trên thực tế, mặc dù cả hai ứng cử viên đều đã giành được chiến thắng tại những bang có tính quyết định, song ông Trump đang khiến nhiều cử tri Mỹ lo lắng về những đề xuất có vẻ cực đoan và gây sốc của mình. Trong khi đó, bà Clinton, tuy được xem là một chính khách nghiêm túc và dày dạn kinh nghiệm hơn, song cũng đang phải chật vật để lấy được lòng tin của người Mỹ. Chính vì thế, hai ứng cử viên này sẽ phải dồn sức để thực hiện cuộc tấn công tổng lực trên những chặng đua còn lại vào Nhà Trắng.

Đoàn Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)