12:01 06/12/2012

Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng

Sáng 5/12, tại TP Sơn La (tỉnh Sơn La), Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”.

Sáng 5/12, tại TP Sơn La (tỉnh Sơn La), Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”. Tham dự có đông đảo đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tỉnh Sơn La, các nhân chứng lịch sử và các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài ngành quân sự.


 

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Hữu Quyết – TTXVN

 

Những câu chuyện sống động, những trận đánh thần tốc, những cách đánh thông minh, sáng tạo cũng như tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường của quân và dân ta đã được kể lại qua những nhân chứng lịch sử, những chiến sĩ năm xưa, những người đã trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng oai hùng trước sự bất ngờ của thực dân Pháp.

 

Tại hội thảo, các tham luận cũng đã làm sáng rõ thêm, đầy đủ hơn về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự phát triển trưởng thành vượt bậc trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch đến nghệ thuật chỉ huy tác chiến của Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh. Bên cạnh đó, hệ thống hóa và phục dựng lại quá trình chuẩn bị, tổ chức, thực hành chiến dịch, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân dân cả nước, trực tiếp là quân và dân các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ... tạo nên sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh nhân dân chiến thắng kẻ thù xâm lược, tạo thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam.


Hội thảo đồng thời nêu bật tầm vóc to lớn, ý nghĩa quan trọng, phân tích nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm, trong đó quan trọng là về tổ chức và thực hành chiến dịch; nghệ thuật chọn hướng và đánh trận then chốt của chiến dịch. Qua đó, gợi mở, vận dụng và phát huy giá trị những bài học kinh nghiệm vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và tôn vinh, tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đồng chí đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; khơi dậy niềm tự hào dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, nhất là đối với lớp trẻ...


Với chủ trương đúng đắn, hình thành phương án chặt chẽ về hướng, mục tiêu tiến công chủ yếu, trận đánh then chốt; chuẩn bị về lực lượng, trang bị vũ khí, đảm bảo hậu cần chu đáo... Sau gần hai tháng (14/10 - 10/12/1952), trải qua ba đợt tiến công, quân và dân ta đã bắt sống hơn 6.000 tên địch (diệt gọn 4 tiểu đoàn và 28 đại đội), giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng (khoảng 30.000 km2 với 250.000 dân), nối liền vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào. Với chiến thắng Tây Bắc cục diện chiến trường thay đổi có lợi cho ta.

 

Ta đã giữ vững và từng bước mở rộng quyền chủ động về chiến lược; các lực lượng vũ trang nhân dân có thêm kinh nghiệm tác chiến, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn trên chiến trường rừng núi, xa hậu phương và cách đánh hệ thống cứ điểm mạnh của địch. Chiến thắng Tây Bắc cũng là thắng lợi của sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là thắng lợi của lòng quyết tâm cao độ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, là thắng lợi của tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, thông minh, sáng tạo... Thắng lợi đó có ý nghĩa chiến lược, là một trong những sự kiện quan trọng của lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) nói riêng, và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nói chung.


Lê Sơn