12:19 19/12/2014

Chiến thắng lòng hận thù

1.110 tỷ USD-con số khổng lồ đó chính là thiệt hại mà đất nước Cuba đã phải gánh chịu trong 53 năm Mỹ tiến hành bao vây cấm vận toàn diện về kinh tế và thương mại.

1.110 tỷ USD-con số khổng lồ đó chính là thiệt hại mà đất nước Cuba, với một nền kinh tế khiêm tốn và dân số 11 triệu người, đã phải gánh chịu trong 53 năm Mỹ tiến hành bao vây cấm vận toàn diện về kinh tế và thương mại.

Người dân Cuba vui mừng sau khi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ được công bố ngày 17/12.

Nhưng những tổn thất mà Cuba phải gánh chịu trong hơn nửa thế kỷ qua không chỉ đơn giản là những con số vĩ mô, mà nó hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống của mỗi người dân Cuba. Đó là sự thiếu thốn phương tiện sinh hoạt mọi bề, lạc hậu về công nghệ, hạn chế về đời sống văn hóa - tinh thần mà một dân tộc thông minh, chăm chỉ, thân thiện, hào phóng và có bề dầy văn hóa như Cuba không hề đáng phải chịu đựng. Đơn giản là vì đối với Cuba, Mỹ không chỉ là siêu cường số 1 thế giới ở đâu đó xa xôi, mà chính là quốc gia láng giềng hùng mạnh có ảnh hưởng chính trị, kinh tế, văn hóa sâu và rộng từ hàng thế kỷ tại toàn bộ Tây Bán Cầu.

Trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại, có lẽ khó có thể tìm thấy một chính sách thù địch nào lại dai dẳng và phi lý tới vậy, khi biết rằng một đảo quốc có tiềm lực khiêm tốn như Cuba khó có thể gây tổn hại đáng kể nào tới những lợi ích cốt lõi của nước Mỹ. Có chăng đó chỉ là lòng kiêu ngạo bị tổn thương của một người khổng lồ quen được phục tùng nay phải đối diện với một dân tộc nhỏ bé nhưng anh hùng chỉ cách mình 180 km đường biển.

Người ta đã từng cố lý giải và gắn nhiều cái mác tốt đẹp cho chính sách áp đặt đơn phương và vô nhân đạo từng kéo qua 10 đời tổng thống Mỹ đó: từ đấu tranh cho dân chủ, tự do cho tới bảo vệ… quyền tự quyết của nhân dân. Nhưng tất cả những lý lẽ đó không thể che giấu được nguyên nhân thực sự duy nhất: đó là sự thù hận đối với một dân tộc muốn có quyền độc lập, tự chủ toàn vẹn.

Nhưng trong hơn nửa thế kỷ với muôn vàn gian khó đó, đảng, chính phủ và nhân dân Cuba cũng đã khiến cả thế giới khâm phục vì một ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần vượt khó vô song và sức sáng tạo không ngừng nghỉ để tiếp tục vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa mà mình đã lựa chọn. Điều đó đã được thể hiện qua thắng lợi áp đảo của Cuba trong cả 23 lần bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận và qua hàng ngàn cuộc vận động ủng hộ “hòn đảo tự do” trên khắp các châu lục.

Chính vì thế, có thể nói tuyên bố lịch sử ngày 17/12 vừa qua của Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước không chỉ là thành quả của 18 tháng đàm phán bí mật cấp cao, mà còn là thắng lợi của cuộc đấu tranh bền bỉ của toàn thể nhân dân Cuba trong suốt 5 thập kỷ qua, với sự ủng hộ của nhiều lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Trong diễn văn công bố quyết định trên, chính Tổng thống Barack Obama cũng phải thừa nhận các chính sách trừng phạt, bao vây cấm vận chống Cuba đã lỗi thời khi “chúng ta không thể tiếp tục làm đi làm lại một điều tương tự và trông đợi một kết quả khác biệt sẽ tới”. Đồng thời, ông cũng đã thừa nhận một sự thật rằng “đẩy nhân dân Cuba tới bên bờ vực thẳm không có lợi gì cho nước Mỹ”.

Quyết định trên, đặc biệt là về phía Mỹ, đã chứng minh xu thế tất yếu của thế giới văn minh: đó là mọi khác biệt, xung đột giữa các quốc gia phải được giải quyết dựa trên đối thoại bình đằng chứ không phải qua đe dọa, trừng phạt và đối đầu. Nó cũng phản ánh nguyện vọng của đa số nhân dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế. Những thay đổi này thể hiện ngay cả trong cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, từng bị coi là rào cản lớn nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Washington và La Habana: nếu hơn 3 thập kỷ trước, có tới 87% người Mỹ gốc Cuba ủng hộ cuộc bao vây cấm vận, thì nay có tới hơn 60% cộng đồng kiều dân này ủng hộ việc xóa bỏ chính sách thù địch này.

Tất nhiên, con đường đi tới bình thường hóa quan hệ và xóa bỏ bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba sẽ còn nhiều chông gai và sẽ là không thực tế nếu cho rằng Washington đã từ bỏ mục tiêu tối hậu của mình là thay đổi chế độ tại La Habana. Nhưng có điều chắc chắn rằng, thỏa thuận được công bố ngày 17/12 đã mở ra một chương hoàn toàn mới trong quan hệ giữa hai nước và một lần nữa, chính nghĩa đã chiến thắng lòng hận thù.    


Lê Hà