11:10 29/11/2012

Chiến thắng đang chờ Palextin ở LHQ?

Cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) về nâng cấp quy chế "nhà nước quan sát phi thành viên" cho Palextin, dự kiến diễn ra ngày 29/11 - "Ngày quốc tế đoàn kết với nhân dân Palextin". Người dân Palextin đã dự đoán về một cuộc bỏ phiếu mang tính lịch sử.

Cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) về nâng cấp quy chế "nhà nước quan sát phi thành viên" cho Palextin, dự kiến diễn ra ngày 29/11 - "Ngày quốc tế đoàn kết với nhân dân Palextin". Người dân Palextin đã dự đoán về một cuộc bỏ phiếu mang tính lịch sử.


Người dân Palextin đã dự đoán về một cuộc bỏ phiếu mang tính lịch sử. Ảnh Internet.


Mỹ và Ixraen cực lực phản đối dự thảo nghị quyết về nâng cấp quy chế cho Palextin tại LHQ. Do vậy, có ý kiến lo ngại rằng nỗ lực này của Mỹ và Ixraen có thể phá vỡ hy vọng của Palextin về việc nhanh chóng nối lại đàm phán với Ixraen nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua. Giới chức Ixraen đã tuyên bố sẽ không trở lại bàn thương lượng sau cuộc bỏ phiếu tại LHQ và cho rằng cuộc bỏ phiếu này làm tan vỡ hy vọng về một thỏa thuận hòa bình.


Không giống như Hội đồng Bảo an, tại Đại hội đồng LHQ không có sự phủ quyết nên dự thảo này chắc chắn sẽ được thông qua. Tổ chức gồm 193 nước thành viên này phần lớn gồm những nước ủng hộ sự nghiệp của Palextin và dự thảo nghị quyết này chỉ cần nhận được đa số phiếu là được thông qua. Nếu được công nhận nhà nước Palextin, vị thế của Palextin sẽ được nâng cấp giống vị thế của Vaticăng - một nhà nước quan sát phi thành viên khác.


Tổng thống Abbas cần một cuộc bỏ phiếu chắc chắn tại Đại hội đồng LHQ để củng cố vị thế của mình trong lãnh thổ Palextin và ông sẽ tới New York để có bài phát biểu trước tổ chức gồm 193 nước thành viên này. Riyah Mansour, quan sát viên của Palextin tại LHQ, cho biết dự thảo nghị quyết cuối cùng, được thông báo tới các nước thành viên LHQ chiều 26/11, đã được gần 60 nước đồng bảo trợ và hy vọng sẽ nhận được thêm sự ủng hộ của những nước khác vào thời điểm bỏ phiếu. Theo ông Mansour, "phần đông các nước sẽ bỏ phiếu ủng hộ chúng tôi, bởi lẽ có một sự đồng thuận trên thế giới về giải pháp hai nhà nước, theo đó Palextin và Ixraen sống cạnh nhau trong hòa bình".


Palextin rất quan tâm tới việc nhận được sự ủng hộ từ các nước châu Âu bởi tầm ảnh hưởng của những nước này sẽ giúp "giấc mơ" của Palextin trở thành hiện thực. Ngày 27/11, phát biểu trước Quốc hội Pháp, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết Pháp sẽ bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết của LHQ. Trong khi đó, các nước khác như Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ cũng có thể ủng hộ dự thảo nghị quyết này. Tuy nhiên, Đức được cho là sẽ không ủng hộ, trong khi Anh vẫn chưa có quan điểm rõ ràng. Ngoại trưởng Ôxtrâylia Julia Gillard trong một tuyên bố ngày 27/11 cho biết nước bà sẽ bỏ phiếu trắng.


Ông Mansour cho biết, việc dự thảo nghị quyết này được thông qua sẽ là "giây phút lịch sử" đối với người dân Palextin và đối với LHQ. Palextin hy vọng với quy chế được nâng cấp này, họ có thể tham gia các tổ chức khác của LHQ như Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) - nơi họ có thể khởi kiện Ixraen về tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người. Tuy nhiên, ông Mansour cho biết ưu tiên hàng đầu của Palextin là nối lại đàm phán (với Ixraen) chứ không phải đưa vấn đề này lên ICC. Nhưng nếu Ixraen tiếp tục vi phạm luật, không chịu tuân thủ nghị quyết của LHQ và tiếp tục xây dựng các khu định cư, Palextin sẽ xem xét những sự lựa chọn khác để buộc Ixraen phải chấp thuận.


Giới phân tích cho rằng nếu nỗ lực đề nghị LHQ công nhận Palextin là "một quốc gia quan sát phi thành viên" vào ngày 29/11 thành công, nó có thể mang lại cho Tổng thống Abbas sức mạnh và các công cụ ngoại giao mới. Tuy nhiên, nó cũng sẽ lấy đi của người dân nước ông hàng trăm triệu USD viện trợ.


Mỹ và Ixraen có thể gây ra những thiệt hại kinh tế cho người Palextin - vốn đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng - và bất kỳ cơ quan nào của LHQ nơi chính quyền Palextin được công nhận là thành viên. Luật của Mỹ cấm cung cấp tài chính cho bất kỳ tổ chức quốc tế nào công nhận nhà nước Palextin. Bộ Ngoại giao Mỹ từng lên tiếng cảnh báo rằng họ sẽ không chấm dứt việc phong tỏa 200 triệu USD viện trợ cho người Palextin nếu Palextin giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tại LHQ. Trong khi đó, Ixraen không trực tiếp đe dọa trừng phạt nhưng cảnh báo rằng sẽ có những hậu quả từ cuộc bỏ phiếu này.



TTK (Theo AP, AFP)