04:23 22/04/2011

Chiến sự tại Libi:Nga và Hy Lạp sẵn sàng làm trung gian hòa giải

Ngày 22/4, Văn phòng báo chí Điện Kremlin của Nga cho biết, các nhà lãnh đạo của Nga và Hy Lạp sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải cuộc xung đột tại Libi hiện nay.

Ngày 22/4, Văn phòng báo chí Điện Kremlin của Nga cho biết, các nhà lãnh đạo của Nga và Hy Lạp sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải cuộc xung đột tại Libi hiện nay. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Hy Lạp Georgios Papandreou, trong cuộc điện đàm cùng ngày, đã tái khẳng định rằng hai nước sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải giúp giải quyết một cách hòa bình cuộc xung đột tại Libi. Lãnh đạo hai nước đã đạt được sự đồng thuận về tình hình tại quốc gia Bắc Phi này, đồng thời nhấn mạnh “sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế chỉ có thể được thực hiện trong khuôn khổ các nghị quyết của HĐBA LHQ”.

Loại máy bay không người lái mà Mỹ đưa đến Libi. Ảnh: internet

Đưa tin về chiến sự tại Libi, hãng tin Reuters ngày 22/4 cho biết, các cuộc giao tranh tại quốc gia Bắc Phi này, đặc biệt là thành phố Misrata, đang leo thang ác liệt. Lực lượng của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi đang siết chặt Misrata và áp đảo lực lượng đối lập. Theo Reuters, lực lượng chính phủ Libi đã bao vây và nã súng vào phe đối lập từ mọi phía. Lực lượng nổi dậy tại Libi cho rằng, hoạt động của NATO ở Misrata không có hiệu quả và liên minh quân sự này hoàn toàn thất bại trong việc thay đổi thế trận trên mặt đất.

Cùng ngày, từ thủ đô Tripôli, người phát ngôn chính phủ Libi Moussa Ibrahim tuyên bố, lực lượng của nhà lãnh đạo Kadhafi đã chiếm được 80% thành phố Misrata, trong khi quân đối lập chiếm giữ cảng biển và khu vực xung quanh đó. Tại thành phố Sirte, theo kênh truyền hình quốc gia Libi, 9 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của NATO tại đây.

Trong khi đó, Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho rằng, tình hình ở Libi đang tiến tới thế bế tắc, mặc dù các cuộc không kích của liên quân đã tiêu hao khoảng 30 - 40% lực lượng trên mặt đất của ông Kadhafi.

Máy bay không người lái của Mỹ tham chiến tại Libi

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Oasinhtơn ngày 22/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thông báo, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho phép sử dụng máy bay không người lái Predator trong chiến dịch quân sự tại Libi.

Theo ông Gates, Mỹ dùng máy bay không người lái do tình hình nhân đạo ở Libi đang nghiêm trọng hơn và loại máy bay này có khả năng hỗ trợ cho hoạt động của lực lượng NATO tốt hơn so với các máy bay chiến đấu như A10 và AC130. Ông James Cartwrright, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, cho biết thêm, máy bay không người lái còn có thể bay thấp hơn máy bay chiến đấu thông thường. Nhờ đó, liên quân có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác hơn ở tầm thấp nhằm vào lực lượng chính phủ Libi. Không chỉ thế, máy bay không người lái còn có thể phân biệt được giữa lực lượng của nhà lãnh đạo Kadhafi và lực lượng đối lập.

Biểu tình quy mô lớn tại Xyri và Yêmen Làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng tại nhiều thành phố ở Xyri và Yêmen trong ngày 22/4 - "ngày cầu nguyện thứ 6" của người Hồi giáo. Tại Xyri, hàng nghìn người đã đổ xuống đường biểu tình nhằm hưởng ứng lời kêu gọi trước đó về việc tiến hành biểu tình quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc vào các ngày thứ 6 hàng tuần. Theo nguồn tin tại chỗ, khoảng 6.000 người đã tham gia biểu tình ở thành phố Qamishli ở đông bắc Xyri. Ở thủ đô Đamát, hơn 2.000 người cũng đã tổ chức biểu tình tại quận Midan đòi lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay giải tán người biểu tình, nhưng ngay sau đó lại có hàng trăm người tụ tập trở lại. Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng. Tại Yêmen, hàng trăm nghìn người đã tham gia biểu tình ở thành phố Taiz để yêu cầu Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức ngay lập tức; trong khi tại thủ đô Xana, hàng chục nghìn người cũng xuống đường biểu tình nhưng là để thể hiện sự trung thành với Tổng thống Saleh. Các cuộc biểu tình này diễn ra sau khi Tổng thống Saleh nói rằng có thể ông sẽ tiếp tục tại vị cho tới cuối nhiệm kỳ vào năm 2013.

Các quan chức Mỹ cũng tuyên bố, sử dụng máy bay không người lái là nhằm mục đích tránh gây thương vong cho dân thường và việc này không đi chệch với mục tiêu ban đầu của chiến dịch quân sự. Mỹ đã cử hai chiếc Predator đầu tiên tới Libi nhưng hai chiếc máy bay này buộc phải quay lại do thời tiết xấu.

Trước động thái trên của Mỹ, người phát ngôn của lực lượng đối lập Libi, Abdel Hafiz Ghoga, phát biểu: “Chắc chắn rằng máy bay không người lái sẽ giúp bảo vệ dân thường và chúng tôi hoan nghênh động thái này từ chính quyền Mỹ”. Ngược lại, Thứ trưởng Ngoại giao Libi, ông Khaled Kaim, chỉ trích kịch liệt việc Mỹ triển khai máy bay không người lái tới Libi. Phát biểu với đài BCC, ông Kaim nói: “Chúng sẽ giết hại thêm nhiều dân thường”. Ông Kaim cũng khẳng định lại, hỗ trợ dân chủ là giúp các bên ngồi lại với nhau để đối thoại nghiêm túc vì tương lai của Libi, chứ không phải bằng cách thực hiện không kích và gửi tiền cho lực lượng đối lập.

Hạnh Dương