08:11 25/08/2016

Chiến lược tranh cử của cựu Tổng thống Pháp Sarkozy

Cựu Tổng thống Pháp theo quan điểm bảo thủ Nicolas Sarkozy ngày 22/8 tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống một lần nữa trong cuộc bầu cử năm 2017 - một động thái được dự đoán sẽ dẫn đến cuộc đối đầu gay gắt với các đối thủ trong phe cánh của ông.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phát biểu tại cuộc họp của đảng "Những người cộng hòa" (LR) ở Paris ngày 22/8. Ảnh: AFP/TTXVN

“Tất cả vì nước Pháp” là tựa đề cuốn sách ông Nicolas Sarkozy phát hành vào ngày 24/8. Thông qua cuốn sách, cựu tổng thống Pháp thông báo chính thức tham gia tranh cử sơ bộ trong đảng Những người Cộng hòa. Đây cũng là chủ đề nổi bật trên trang nhất các báo Pháp số ra ngày 23/8. Hầu hết các báo Pháp đều cho rằng một chủ đề chính mà ông Sarkozy tập trung tranh cử lần này đó là “bản sắc Pháp”.


“Sarkozy, dưới dấu hiệu bản sắc Pháp” là hàng tít lớn của tờ báo cánh hữu “Le Figaro”. Bài xã luận của tờ báo cho rằng đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử nền Đệ ngũ cộng hòa Pháp, một cựu tổng thống từng bị đánh bại tuyên bố quyết tâm trở lại chính trường.


Đương nhiên là ông Sarkozy đang “đánh liều” vì các thăm dò đều đưa ra kết quả bất lợi cho ông. Nhưng điều đó không quan trọng. Chính các ý tưởng, dự án, các giải pháp của ông Sarkozy để vực dậy một đất nước đang trong “tinh thần ủ dột” mới là điều đáng nói.


Tờ báo trích dẫn lại năm thách thức mà cựu tổng thống Pháp cho rằng cần phải gấp rút vực dậy: nói lên sự thật, bảo vệ bản sắc, khôi phục tính cạnh tranh, hồi phục uy quyền và bảo đảm quyền tự do. “Le Figaro” nhận thấy những đề xuất của ông Sarkozy cũng khá tích cực, nhưng không đến mức quá “tự do” như nhiều ứng viên khác mong muốn, mà vẫn có sự điều phối của chính phủ.


Nhật báo kinh tế “Les Echos” cũng có bài viết mang tên “Bản sắc, kinh tế: kế hoạch cho năm 2017 của ông Sarkozy”. “Sức mạnh” là thuật ngữ chủ đạo của ông Sarkozy để đối lập với sự yếu kém của Alain Juppé, đối thủ chính và đang được dư luận đánh giá cao.


Bài xã luận của “Les Echos” nhận định với “sức mạnh”, cựu tổng thống Pháp đang tìm cách vượt qua một trong những chỉ trích quan trọng mà ông sẽ phải đối phó trong chiến dịch vận động tranh cử. Đó là: Tại sao khi còn cầm quyền, ông đã không làm những gì mà ông đang đề nghị ngày hôm nay? Đương nhiên, đây là câu hỏi không có câu trả lời, nhưng đó cũng là câu hỏi mà ông đang tìm cách né tránh và chuyển hướng sang vấn đề khác, đó là ông mới chính là người có khả năng lãnh đạo.


Ngoài vấn đề bản sắc, Le Monde nhận thấy chủ đề “Hồi giáo” cũng được ông Sarkozy đưa vào trong chương trình vận động. Trước các rủi ro khủng bố, cựu tổng thống Pháp tập trung xoáy vào các vấn đề an ninh, bản sắc, nhập cư và thế tục.
Theo hãng tin AP, ông Sarkozy, 61 tuổi, được cho là sẽ dẫn đầu chiến dịch tranh cử dựa trên các quan điểm cứng rắn về nhập cư và an ninh ở một quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công mới đây do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện.


Các cuộc tấn công đã làm dấy lên cuộc tranh cãi trong nước về vị trí của đạo Hồi - tôn giáo số hai của Pháp - trong xã hội thế tục này. Với chiến lược của mình, ông Sarkozy hy vọng sẽ giành thêm nhiều phiếu ủng hộ từ đảng Mặt trận Dân tộc (FN) cực hữu, mà lãnh đạo của đảng này là bà Marine Le Pen cũng vừa tuyên bố ra tranh cử tổng thống.


Trong các cuộc phỏng vấn mới đây, ông Sarkozy nói rằng ông muốn mở rộng lệnh cấm đeo khăn trùm đầu ở các trường công được thông qua năm 2004 sang áp dụng ở các trường đại học. Nhân danh chủ nghĩa thế tục, ông cũng phản đối việc nhiều canteen trường học cho trẻ em Hồi giáo và Do Thái đưa ra các lựa chọn món ăn không gồm thịt lợn. Ông cũng đề xuất rằng các trẻ em sinh ra ở Pháp mà có bố mẹ sinh sống bất hợp pháp tại đây cũng không được hưởng quốc tịch Pháp.


Tờ báo thiên tả “Libération” trong bài xã luận mới đây nhận định rằng phần lớn chương trình mà ông Sarkozy đưa ra không có gì là mới mẻ, được nhặt nhạnh từ những ý tưởng của bà Marine Le Pen, hay từ ông Pierre Gattaz, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân của Pháp.


Cựu tổng thống sẽ nỗ lực thuyết phục cử tri rằng mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp hơn nếu như Pháp giảm được dòng người nhập cư, buộc người Hồi giáo phá dỡ các rào cản cách biệt và hủy bỏ hoàn toàn hệ thống an sinh xã hội. Từ những phân tích trên, tờ “Libération” khẳng định thách thức cho cuộc bầu cử tổng thống năm tới đã hiện rõ: bảo tồn hay không các giá trị xã hội mà nền Cộng hòa đã kế thừa được từ một nền lịch sử lâu đời, và nên hay không dùng người nhập cư và con cái của họ như là những “vật tế thần” để giải quyết những khó khăn mà nước Pháp đang phải đương đầu.


Kể từ năm 2010, cái tên Sarkozy đã bị nhắc tới trong một số vụ kiện pháp lý liên quan đến tham nhũng và lạm dụng quyền lực, nhưng ông chưa bao giờ bị kết tội phạm pháp hay bị khởi tố. Tháng 2/2016, ông bị điều tra vì đã có các khoản chi quá mức trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống thất bại năm 2012.


Hai vòng của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Pháp sẽ diễn ra vào tháng 4 và tháng 5/2017. Tổng thống Hollande, vốn không được lòng dân, chưa thông báo ông có ra tranh cử một lần nữa hay không.


TTK (Theo AFP)