12:17 29/12/2020

Chiến lược ‘sống chung với virus’ của Hàn Quốc đối diện thử thách lớn

Hàn Quốc đã ngăn chặn thành công các đợt lây lan dịch bệnh, áp dụng mô hình xét nghiệm-truy vết vốn trở thành hình mẫu cho cả thế giới để cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh với tránh đóng cửa kinh tế.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/12/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Nay chiến lược “sống chung với virus” này đang đứng trước thử thách khắc nghiệt khi Hàn Quốc bước vào làn sóng lây nhiễm thứ ba. Số ca nhiễm COVID-19 còn rất nhỏ so với Mỹ và nhiều nước châu Âu, nhưng Hàn Quốc trong một hai tuần trở lại đây liên tiếp ghi nhận những ngày có trên 1.000 ca mắc, tăng mạnh so với con số trung bình 100 ca/ngày trong tháng 11. Mùa đông khắc nghiệt đẩy Hàn Quốc vào tình cảnh báo động, sau quãng thời gian được quốc tế ca ngợi về chống dịch. 

Trong một nỗ lực ngăn chặn bùng phát dịch bệnh dịp cuối năm, Thủ tướng Chung Sye-kyun hôm 21/12 tuyên bố cho đóng cửa các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cùng nhiều địa điểm du lịch khác trong dịp nghỉ lễ, đồng thời thắt chặt kiểm soát ra vào tại các khu dưỡng lão vốn là điểm dễ bị tổn thương trước COVID-19. Trước đó, vùng Seoul và tỉnh lân cận Gyeonggi, thành phố Incheon đã ban hành lệnh cấm tụ tập trên 5 người, có hiệu lực từ 23/12/2020 tới ngày 3/1/2021, ngoại trừ đám cưới và đám ma.

Giới chuyên gia y tế nhìn nhận, đã xuất hiện “cơn bão hoàn hảo” trong làn sóng COVID-19 mới tấn công Hàn Quốc: Phần đông dân cư đều đã mệt mỏi, mất kiên nhẫn với các biện pháp hạn chế; việc chính phủ áp đặt quy định hà khắc hơn, kết hợp với khí hậu lạnh mùa đông khiến người dân phải dành nhiều thời gian ở trong không gian kín – môi trường thuận lợi để virus lây lan. 

Thông tin không mấy tích cực này xuất hiện tại thời điểm một số nước loại bỏ biện pháp đóng cửa trước đó như Nhật Bản, Thụy Điển đều gặp phải tình cảnh gia tăng những ca nhiễm mới trong mùa đông. Điều này cho thấy virus đặt ra thách thức lớn đối với các chiến lược kiểm soát cầm chừng vốn thiên về hành động tự nguyện của công chúng thay vì áp đặt hành chính từ trên. 

Theo Kim Woo Joo, tự tin thái quá vào mô hình “Cách ly kiểu Hàn Quốc” (K-Quarantine) có thể là là một phần nguyên nhân. Cùng chung nhận định này, ông Lee Jae-myung, thống đốc tỉnh Gyeonggi, khu vực đông dân nhất Hàn Quốc cho rằng tâm lý tự tin và lạc quan thái quá đã hình thành trong tâm trí nhiều người bất chấp những cảnh báo từ chính quyền, cơ quan chức năng. 

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ trung tâm dưỡng lão tới bệnh viện ở thành phố Gwangju, Tây Nam Hàn Quốc ngày 22/12/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Đối mặt với gia tăng lây nhiễm mới, giới chức y tế Hàn Quốc quay trở lại với “giáo án cũ” từng thành công trong ngăn chặn các đợt dịch trước đó. Chính phủ từng bước nâng cấp cảnh báo virus, kích hoạt các biện pháp giãn cách xã hội chặt hơn, nổi bật là hạn chế số người tại các sự kiện thể thao, tụ tập đông người. Tuy nhiên, biện pháp siết chặt kiểu tiệm tiến đã không còn hiệu quả như trước.

“Trước đây, dân chúng cảm thấy lo lắng khi nghe tin số ca nhiễm ở mức 100 ca/ngày và hối thúc thúc chính quyền đóng cửa các trung tâm giữ trẻ. Nay, khi số ca lên tới 1.000 trường hợp/ngày, người dân lại phàn nàn trước ý định đóng cửa các trung tâm này, vì họ cho rằng không có nơi nào để gửi trẻ. Công chúng hiện không còn lo lắng về virus như trước và họ tỏ ra mệt mỏi trước các biện pháp của chính phủ, không còn lắng nghe như trước nữa”, Ki Moran, giáo sư dịch tễ học tại Trung tâm Ung thư Quốc gia có trụ sở ở Goyang bình luận. 

Nhiệt độ xuống thấp trong mùa đông cũng là nhân tố cản trở cuộc chiến chống COVID-19 ở xứ sở Kim Chi. “Virus mạnh hơn, còn ý thức cảnh giác của người dân lại yếu đi trong mùa đông”, ông Ki nhận xét. 

Cùng lúc, Chính phủ Hàn Quốc cũng ngại áp đựt các biện pháp hà khắc hơn, do lo sợ những tác động tiêu cực xảy ra với nền kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, kinh tế Hàn Quốc được đánh giá là có khả năng thích ứng, chống chọi tốt hơn với nhiều nền kinh tế phát triển khác, nhờ vào việc Seoul theo đuổi chiến lược sống chung với virus thay vì diệt trừ - như cách thức mà Trung Quốc hay New Zealand áp dụng, vốn đòi hỏi phải thực thi đóng cửa. 

Giới chuyên gia nhận định, khi Hàn Quốc nới lỏng giãn cách vào mùa thu vừa qua, quyết định này được xem xét dưới góc độ kinh tế nhiều hơn. Vì vậy, khi virus bắt đầu bùng phát mạnh trở lại, luồng quan điểm đặt kiểm soát virus trước phát triển kinh tế đã không được lắng nghe.

Diễn biến dịch bệnh đã vượt tiêu chí đủ để nâng mức cảnh báo lên cấp độ 3, nhưng chính quyền vẫn cân nhắc quyết định, do tác động về kinh tế-xã hội là quá lớn. Theo tính toán của các quan chức chính phủ, áp đặt biện pháp ở cấp độ 3 sẽ khiến khoảng 2 triệu doanh nghiệp phải ngưng, hoặc giảm quy mô sản xuất.