06:15 04/06/2015

Chiến lược ngoại giao 'roi nhỏ' của Mỹ ở Biển Đông

Một trong những chiến lược gia hàng đầu của Học viện Hải quân Mỹ đưa ra nhận xét rằng Mỹ hiện sử dụng chiến lược ngoại giao "roi nhỏ" để cản phá Trung Quốc. Chiến lược này nêu ra 5 biện pháp cụ thể, trong đó nhiều biện pháp dường như đã được áp dụng thử nghiệm trong thời gian qua.

Trong hai tuần qua, vấn đề Biển Đông trở nên khá "nóng" trên diễn đàn quốc tế, nhất là khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ đưa ra những lời lẽ được cho là cứng rắn nhất kể từ trước tới nay về tranh chấp biển đảo trong khu vực.

Một trong những chiến lược gia hàng đầu của Học viện Hải quân Mỹ là Giáo sư James Holmes đã đưa ra nhận xét trên báo mạng "Real Clear Defense" rằng Mỹ hiện sử dụng chiến lược ngoại giao "roi nhỏ" để cản phá Trung Quốc.

Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại đảo Gạc Ma, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: AP



Chiến lược này nêu ra 5 biện pháp cụ thể, trong đó nhiều biện pháp dường như đã được áp dụng thử nghiệm trong thời gian qua.

Giáo sư James Holmes có hơn 10 năm nghiên cứu về chiến lược của lực lượng hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông cũng là đồng tác giả của hai quyển sách và hàng chục bài viết hiện được dùng làm tài liệu học tập cho Hải quân Mỹ cũng như tài liệu nghiên cứu cho các nhà hoạch định chính sách và ngoại giao Mỹ.

Cái mà ông gọi là chiến lược ngoại giao "roi nhỏ" có tác dụng chọc phá, kiềm chế và ngăn cản Trung Quốc trở thành thế lực lấn át sức mạnh của Mỹ và các nước khác ở khu vực Biển Đông.

Biện pháp đầu tiên là sử dụng tàu chiến không quá mạnh để khỏi bị coi là khiêu khích nhưng là loại tàu hiện đại và cơ động nhất để Trung Quốc không có cách nào lấn át được.

Biện pháp thứ hai là sử dụng lực lượng mà ở Mỹ gọi là "phòng vệ quốc gia", giống như cơ chế của Cảnh sát biển ở Việt Nam.

Biện pháp thứ ba là triệt để sử dụng video và mạng lưới báo chí để vạch trần "bộ mặt thật" của Trung Quốc trước công chúng quốc tế.

Biện pháp thứ tư là đối phó nhanh với kiểu tuyên truyền của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đó là Trung Quốc luôn nhanh chóng tìm lập luận để chứng tỏ rằng nước này đúng còn các nước khác sai trong vấn đề chủ quyền biển đảo.

Biện pháp thứ năm là phô diễn chiếc "roi to" ở đằng sau để đối phương phải dè chừng khi bị phạt bằng "roi nhỏ".

Giáo sư James Holmes cho rằng Việt Nam cũng có thể áp dụng các biện pháp trên một cách linh hoạt tùy theo điều kiện kinh tế quốc phòng và vị trí địa lý chính trị của mình. Theo ông, "roi to" của Mỹ là lực lượng tàu chiến và vũ khí hùng hậu, còn "roi to" của Việt Nam có thể là sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhắm vào Trung Quốc.

Trong một cuốn sách được xuất bản cách đây 5 năm, Giáo sư Holmes đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ không dùng vũ khí hay tên lửa để chiếm biển, mà lấn dần bằng sức mạnh của khối lượng sắt thép khổng lồ, và không nước nào trong khu vực có đủ tiềm lực kinh tế để chạy đua theo kịp Trung Quốc.

Khi đó, hai ông đã khuyên rằng những nước ở thế đối đầu với Trung Quốc không nên dùng vũ khí vì sẽ bị biến ngược thành kẻ khiêu khích và bị Trung Quốc dùng vũ khí đang chờ sẵn để tiêu diệt.

Cách đây 10 năm, người ta vẫn ví Trung Quốc như "con voi" trên bờ còn Mỹ là "cá voi" dưới biển. Mặc dù gườm nhau nhưng cả hai vẫn có lãnh địa riêng và không có lý do gì để tranh chấp.

Chiến hạm USS Fort Worth của Mỹ tại Biển Đông hồi tháng 5 vừa qua.


Hiện giờ, theo Giáo sư Geoffrey Till (người Anh), chiến lược hải quân của Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân sức mạnh và sự đối đầu Mỹ-Trung sẽ là một trong số những điểm chính của thế kỷ 21.

Ngoài chuyện xây dựng hệ thống quốc phòng và đèn biển trên các đảo chiếm được ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), Trung Quốc còn có kế hoạch làm kênh đào ở rẻo đất ở miền Nam Thái Lan gần Malaysia, khiến người ta ngay lập tức nhớ đến sức mạnh của đế quốc Pháp và sau này là các cuộc chiến của Anh và Israel ở Kênh đào Suez, hay sức mạnh của Mỹ liên quan đến Kênh đào Panama.

Theo tư duy nổi tiếng của đô đốc người Mỹ Alfred Thayer Mahan, sức mạnh trên biển quyết định sự sống còn của một quốc gia trên trường quốc tế, đặc biệt là vị trí cường quốc của Mỹ.

Do đó, không có gì khó hiểu khi chính phủ của Tổng thống Barack Obama vào cuối nhiệm kỳ sẵn sàng nghe theo lời đề nghị của các chuyên gia hải quân, tỏ ra kiên quyết hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, sẽ khó đoán xem các bản kế hoạch chiến lược tuyệt mật mà họ đã chuẩn bị để đề nghị các bước tiếp theo như thế nào. Mặc dù vậy, có thể đoán trước là mọi chuyện trên biển sẽ phải ngã ngũ trong ba tháng tới, trước mùa mưa bão khiến mọi hoạt động của con người trên biển phải nhường chỗ cho sức mạnh của thiên nhiên.

TTK