08:09 10/08/2014

Chiến lược 'Hướng Mỹ Latinh' của Nhật: Đến sau, liệu có về trước?

Chuyến công du Mỹ Latinh của Thủ tướng Nhật Bản diễn ra ngay sau các chuyến thăm tương tự của Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga cho thấy sự quan tâm của các nền kinh tế lớn thế giới với khu vực đang tăng trưởng mạnh mẽ và giàu tài nguyên khoáng sản này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa kết thúc chuyến công du 11 ngày tới năm quốc gia châu Mỹ Latinh (gồm Mexico, Trinidad và Tobago, Colombia, Chile và Brazil) nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, hợp tác trong các lĩnh vực tài nguyên, phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Hiện tại, Mỹ Latinh mới chỉ chiếm 5% kim ngạch xuất khầu và 4% kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản, trong đó chủ yếu là nguyên vật liệu và nông phẩm. Bên cạnh chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế, Nhật Bản còn muốn tìm sự ủng hộ của các quốc gia Mỹ Latinh trong nỗ lực trở thành một trong những nước thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ).

Chuyến công du Mỹ Latinh của Thủ tướng Nhật Bản kết thúc ngày 3/8 và diễn ra chỉ ngay sau các chuyến thăm tương tự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin - việc cho thấy sự quan tâm của các nền kinh tế lớn trên thế giới đối với khu vực đang tăng trưởng mạnh mẽ và giàu tài nguyên khoáng sản này. Nhiều nhà quan sát cho rằng điều này không hoàn toàn ngẫu nhiên và là cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực giữa các cường quốc kinh tế đang nổi tại khu vực được coi là “sân sau" của cường quốc kinh tế số một thế giới là Mỹ.

Chiến lược "Hướng Mỹ Latinh"


Phát biểu trước chuyến công du Mỹ Latinh, ông Abe nhấn mạnh Nhật Bản muốn mở rộng hơn nữa quan hệ với các nước Mỹ Latinh bởi khu vực này có những tiềm năng "không giới hạn" và các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn muốn khám phá các cơ hội kinh doanh ở khu vực này.

Tại chặng dừng chân đầu tiên là Mexico, ông Abe và Tổng thống nước chủ nhà Enrique Peña Nieto ngày 25/7 đã nhất trí tăng cường và mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện bằng việc ký kết 14 hiệp định hợp tác, tập trung vào lĩnh vực kinh tế, khoa học-kỹ thuật và phát triển năng lượng tái tạo. Ông Abe nhấn mạnh quan hệ song phương tốt đẹp đang được thể hiện qua trao đổi thương mại, đầu tư, du lịch cũng như việc Chính phủ Mexico vừa phát hành thành công trái phiếu Samurai trị giá gần 600 triệu USD tại thị trường Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tại cuộc họp báo chung ngày 29/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo Viện Thống kê và Địa lý quốc gia Mexico (INEGI), hiện Nhật Bản là nhà đầu tư châu Á số một tại Mexico, chiếm tới 65% luồng vốn châu Á vào nền kinh tế thứ hai Mỹ Latinh và hơn 800 doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại quốc gia Bắc Trung Mỹ này. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Mexico sang Nhật Bản đã vượt ngưỡng 8 tỷ USD, trong khi Nhật Bản là quốc gia châu Á có lượng du khách tới Mexico nhiều nhất với 100.000 lượt người.

Việc ghé thăm Cộng hòa Trinidad và Tobago cùng với Colombia đánh dấu chuyến thăm lần đầu tiên (và không kém phần quan trọng) của một Thủ tướng Nhật Bản tới hai quốc gia này. Trong cuộc gặp người đồng cấp Trinidad và Tobago Kamla Persad-Bissessar ngày 27/7, hai nhà lãnh đạo nhất trí củng cố hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và phòng chống thiên tai. Trước đó, ông Abe đã tham gia đối thoại thượng đỉnh với người đồng cấp của hai nước thành viên Cộng đồng Caribbe (CARICOM) là Antigua và Barbuda, và Jamaica nhằm củng cố hợp tác kinh tế và năng lượng.

Ngày 28/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến thăm Colombia và có cuộc gặp với Tổng thống Manuel Santos. hai nhà lãnh đạo đã thảo luận một loạt chủ đề, từ đàm phán tự do thương mại song phương, đến hòa bình quốc tế. Hai nước đang cố gắng đẩy mạnh mối quan hệ, nhất là đẩy nhanh các cuộc đàm phán về một thỏa thuận tự do thương mại. Colombia và Nhật Bản bắt đầu đàm phán về tự do thương mại vào tháng 12/2012, nhưng bất đồng trong việc giảm thuế đối với các mặt hàng như ô tô và thép.

Tiếp theo tại Chile, ông Abe và Tổng thống Chile Michelle Bachele đã đạt được nhất trí về một loạt thỏa thuận hợp tác song phương, chủ yếu trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Lãnh đạo hai nước đã đạt được thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ nhằm giảm thiểu hậu quả do động đất, sóng thần gây ra, và nhất trí sẽ đào tạo 2.000 chuyên gia Mỹ Latinh về khắc phục thiên tai trong 5 năm tới cũng như thảo luận các nội dung về việc sớm đạt được Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tổng thống Chile Michelle Bachelet (phải) có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 31/7. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong khi bà Bachelet bày tỏ hy vọng Chile sẽ là đối tác lớn và là "cánh cửa" kết nối Nhật Bản với khu vực Mỹ Latinh, thì ông Abe khẳng định Chile là đối tác quan trọng của Nhật Bản và Nhật Bản sẽ tăng cường trao đổi song phương với quốc gia này trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Chile là quốc gia sản xuất đồng hàng đầu thế giới và chiếm 48% tổng khối lượng đồng nhập khẩu của Nhật Bản. Trong khi đó, khoảng 90% vốn đầu tư của Nhật Bản đổ vào Chile là dành cho lĩnh vực này với 4,5 triệu USD năm 2011.

Còn tại chặng dừng chân cuối cùng Brazil - nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh và thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS, ông Abe và Tổng thống Brazil Rousseff đã nhất trí về một loạt thỏa thuận hợp tác song phương, tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị nhằm đưa quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu. Theo báo Yomiuri Shimbun, trong cuộc gặp với bà Rousseff ngày 1/8, ông Abe công bố dự án cải thiện hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng biển để thuận lợi cho việc tăng cường xuất khẩu ngũ cốc.

Nhật Bản và Brazil cũng nhất trí về một số thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực như y tế và sức khỏe cộng đồng, khoa học đại dương, truyền phát kỹ thuật số và phòng chống thiên tai. Nhật Bản nhấn mạnh sẽ chú trọng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Brazil, đồng thời sẽ hỗ trợ Brazil xây dựng đường sá, cảng biển và các cơ sở hạ tầng khác nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Ngoài các lĩnh vực hợp tác trên, Nhật Bản và Brazil cũng nhất trí đẩy mạnh phối hợp trong việc cải tổ HĐBA LHQ nhằm tăng cường vai trò của hai nước trong tổ chức này. Hiện tại, Nhật Bản và Brazil đang tích cực làm việc với Ấn Độ và Đức, tạo thành nhóm gọi là G4, nhằm tìm cơ hội trở thành một thành viên thường trực của HĐBA thông qua việc mở rộng số thành viên so với năm ghế hiện tại dành cho Vương quốc Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Ý tưởng lớn gặp nhau

Chuyên gia Eric Boulanger làm việc tại đại học Québec-Montréal nhận định, "chuyến công du Mỹ Latinh của ông Abe chính là mũi tên thứ ba trong chính sách kinh tế Abenomics: mở cửa kinh tế cho cạnh tranh quốc tế". Còn báo Asahi dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho hay "Mỹ Latinh là khu vực mà đến nay, chưa được chú trọng trong chính sách ngoại giao chiến lược của Nhật Bản".

Ngoài ra, lý do chính trị, ngoại giao cũng là động lực thúc đẩy ông Abe trong chuyến công du này. Nhật Bản đang hướng tới chiếc ghế không thường trực tại HĐBA LHQ vào năm 2016. Theo ông Boulanger, "Nhật Bản rõ ràng muốn được thế giới thừa nhận là cường quốc khu vực tại châu Á". Điều đáng chú ý là ngay trước chuyến công du của ông Abe, lãnh đạo của hai nước lớn là Nga và Trung Quốc cũng đã đặt chân đến châu lục này để tìm kiếm những mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn. Các nhà quan sát nhận định, chuyến thăm Mỹ Latinh của nguyên thủ Trung Quốc và Nga cũng đều là những động thái chiến lược quan trọng nhằm ứng phó với những diễn biến mới và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của hai nước trong tương lai.

Theo báo Les Echos (Pháp), chuyến công du của ông Tập Cận Bình từ Brasilia (Brazil) sang La Habana (Cuba) là chuyến công du thứ hai đến khu vực này từ khi ông lên nhậm chức đã thu được nhiều kết quả. Trung Quốc ký hợp đồng mua máy bay của Embraer với trị giá lên tới 3,2 tỷ USD và cấp khoản tín dụng 5 tỷ USD cho tập đoàn khoáng sản Vale. Cũng nhân dịp này, Trung Quốc cam kết đầu tư 7,5 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng và giao thông của Argentina. Còn tại Cuba, 29 hiệp định được ký kết để tài trợ việc thăm dò dầu hỏa tại khu vực vịnh Mexico.

Còn báo Asahi (Nhật Bản) cho rằng Trung Quốc đã có bước đi xa hơn trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, khi đã thiết lập diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng Mỹ Latinh CELAC (gồm 33 quốc gia Trung và Nam Mỹ) với cam kết từ Bắc Kinh cung cấp 10 tỷ USD vào các dự án hạ tầng của CELAC.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin mang đến cho các quốc gia Mỹ Latinh sự hợp tác về vấn đề xuất khẩu năng lượng và vũ khí. Theo các nhà quan sát, mục tiêu chuyến công du Mỹ Latinh và Caribe của ông Putin là nhằm mở rộng các quan hệ kinh tế của Nga, với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là năng lượng. Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng ông Putin đang có một chiến lược lớn hơn khi sử dụng "lá bài" năng lượng để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Nga, thiết lập các liên minh trong khu vực.

Trong khi đó, ông Abe đặt trọng tâm vào các vấn đề năng lượng, nông sản, cơ sở hạ tầng… trong chuyến công du Mỹ Latinh lần này. Sau thảm họa hạt nhân Fukushima hồi năm 2011, Nhật Bản rất mong muốn đa dạng hóa các nguồn năng lượng và đặc biệt nhắm đến nguồn dầu mỏ của khu vực Nam Mỹ. Thông qua chuyến công du lần này của ông Abe, ngoài những sự hợp tác kinh tế song phương, một trong những vấn đề khác mà Nhật Bản mong muốn còn là một sự ủng hộ của khu vực Mỹ Latinh về vị thế chính trị trên thế giới. Trước hết, Nhật Bản muốn có được sự ủng hộ từ châu lục này để trở thành một trong các thành viên không thường trực của HĐBA LHQ. Với những gì mà Nhật Bản mang đến khu vực Mỹ Latinh, dù không có được sự ủng hộ hoàn toàn, nhưng cũng đưa các quốc gia này vào thế trung lập.

Tuy vậy, theo các nhà phân tích, quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với các nước Mỹ Latinh hiện vẫn chưa thể theo kịp quan hệ của các cường quốc kinh tế khác với khu vực này. Vì vậy, trong bối cảnh những lợi ích kinh tế-chính trị mang lại cho khu vực Mỹ Latinh không quá vượt trội so với các cường quốc kinh tế khác, Nhật Bản sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn để có thể có thể "cán đích" trước.


Anh Quân (Tổng hợp)