06:10 07/06/2014

Chiến lược FTA của Trung Quốc

Bắc Kinh đang tiến hành các giải pháp chiến lược đối với Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt trong bối cảnh phải đối mặt với thách thức từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó không có Trung Quốc.

Bắc Kinh đang tiến hành các giải pháp chiến lược đối với Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt trong bối cảnh phải đối mặt với thách thức từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó không có Trung Quốc.

Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến một Trung Quốc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế WTO vào năm 2001. Ngoài việc dỡ bỏ các rào cản thương mại khi là thành viên của WTO, Trung Quốc còn kết thúc đàm phán ký kết 14 hiệp định FTA với các nước tính đến tháng 4/2014 với những quốc gia láng giềng và những đối tác thương mại chủ chốt. Xu hướng gần đây cho thấy Trung Quốc coi  FTA là nhân tố sống còn trong việc đạt được những lợi ích về kinh tế, chính trị và chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Vai trò của FTA đối với Trung Quốc

Trung Quốc muốn ký kết nhiều FTA với những đối tác thương mại của mình nhằm hạ thấp thuế nhập khẩu và giành được quyền tiếp cận thị trường nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Hơn một thập kỷ qua, việc giảm thuế xuất nhập khẩu cùng với việc miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu thô và nhiều nguyên liệu đầu vào khác góp phần quan trọng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một trung tâm của mạng lưới sản xuất toàn cầu. FTA giúp nâng cao vị thế của Trung Quốc trong mạng lưới sản xuất, nên nó đang là một động lực để Bắc Kinh theo đuổi nhiều thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác.

Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh FTA nhằm đối trọng với TPP.


FTA cũng có vai trò quan trọng đối với chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Trong khi tăng cường mối quan hệ kinh tế với các đối tác thương mại của mình, Trung Quốc cũng có thể duy trì mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhiều quốc gia. FTA bao gồm các điều khoản yêu cầu đối thoại và hợp tác giữa các bên trong hiệp ước thương mại, nó như là một nhân tố bảo đảm sự ổn định trong việc phát triển và duy trì mối quan hệ hòa bình với những quốc gia láng giềng. Và chúng là một con bài hữu dụng cho Trung Quốc trong việc củng cố các quan hệ song phương.

Trung Quốc có một chương trình FTA sôi động nhất ở châu Á. Những thỏa thuận FTA gần đây đã có hiệu lực là với các nước như Chile, Costa Rica, New Zealand, và Thụy Sĩ.  Trong khi các FTA hiện đang được bàn thảo sẽ thúc đẩy sự hội nhập kinh tế của Trung Quốc với các nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy và những nước thuộc Ủy ban hợp tác Vùng Vịnh như Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.

Trong khi đó, một loạt những sáng kiến đang được triển khai nhằm tự do hóa thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trong khu vực. Ví dụ, RCEP kết nạp một loạt các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, như ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và New Zealand. Vòng thứ tư của quá trình đàm phán này đã được tổ chức tại Nam Ninh, Trung Quốc từ 31/3 đến 4/4 vừa qua và dự tính sẽ kết thúc vào năm  2015.

Đầu những năm 2000, Trung Quốc đã áp dụng một phương pháp riêng trong việc đàm phán hàng hóa, dịch vụ, và đầu tư. Điều này bao gồm Chương trình Thu hoạch sớm FTA giữa Trung Quốc và ASEAN, hiện chương trình đang được tiến hành. Trong thời kỳ này, trọng tâm FTA của Trung Quốc là thương mại hàng hóa, đặc biệt là giảm thuế.

Trung Quốc mở rộng FTA với New Zealand và Singapore vào năm 2008. Ngoài tự do hóa thương mại hàng hóa, các cuộc đàm phán còn bắt đầu xem xét những lĩnh vực khác, trong đó có một số lĩnh vực nhạy cảm như tính cạnh tranh và mua sắm công. Gần đây, Trung Quốc đã tiến hành nhiều giải pháp toàn diện và mạnh mẽ hơn đối với FTA. Ví dụ, những thỏa thuận với Iceland và Thụy Sĩ được ký năm 2013, cho phép mở rộng phạm vi về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Hiện nay, Trung Quốc đang chứng minh quyết tâm mạnh mẽ của mình nhằm tiến xa hơn trong tự do hóa thương mại và hội nhập với những đối tác thương mại. Đây là sự thay đổi đáng chú ý trong chiến lược, từ việc chỉ tập trung vào thương mại hàng hóa tới tập trung vào dịch vụ, đầu tư. Tuy nhiên, mức độ tự do hóa trong FTA của Trung Quốc là không toàn diện theo nghĩa sâu, rộng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong chuyến thăm Bỉ vào tháng 4 vừa qua. Ảnh: TTXVN


Triển vọng TPP của Trung Quốc

Thương mại của Trung Quốc với các đối tác FTA chỉ chiếm 22% tổng mức thương mại năm 2012 (theo số liệu của Liên Hợp Quốc). Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 18 tháng 10/2013 yêu cầu Trung Quốc tăng cường mối quan hệ với những quốc gia và khu vực thông qua FTA. RCEP sẽ là nền tảng quan trọng trong việc bổ sung vào FTA những vấn đề kinh tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và bảo đảm chế độ thương mại toàn diện và tinh vi hơn.

 Cùng thời gian đó, mục đích của Trung Quốc là hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế các quốc gia khác như Châu Mỹ la tinh và Châu Âu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới châu Âu hồi tháng 3/2014, cho thấy tín hiệu là Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế và đối tác chiến lược thông qua FTA.

Trong khi đó, những cuộc đàm phán của Mỹ về TPP đã đặt ra cho Trung Quốc những áp lực đáng kể. Mặc dù cơ hội vẫn mở cho Trung Quốc tham gia vào đàm phán TPP, nhưng với cơ cầu nền công nghiệp trong nước thì Trung Quốc sẽ khó khăn để chấp nhận những vấn đề trong đàm phán. Những vấn đề như doanh nghiệp nhà nước, lao động và những tiêu chuẩn về môi trường sẽ khiến chi phí sản xuất của nền công nghiệp trong nước của Trung Quốc cao hơn. Do đó, Bắc Kinh đã thận trong trong việc đàm phán gia nhập TPP. Chủ trương cải cách của hội nghị lần thứ ba sẽ cho phép thị trường đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế và có thể hạn chế tối đa những sự khác biệt của Trung Quốc so với Mỹ về một số vấn đề, mặc dù vẫn còn quá sớm để khẳng định.


Vũ Thanh