07:05 08/07/2011

Chiến dịch Chariot - Kỳ cuối: Thiên đường thành địa ngục

Trước nửa đêm, Không quân hoàng gia Anh bắt đầu tiến hành các đợt không kích vào cảng như là một phần của kế hoạch nghi binh cho Chiến dịch Chariot. Các máy bay lượn vòng nhằm mục đích thu hút sự chú ý của các hệ thống phòng thủ.

Trước nửa đêm, Không quân hoàng gia Anh bắt đầu tiến hành các đợt không kích vào cảng như là một phần của kế hoạch nghi binh cho Chiến dịch Chariot. Các máy bay lượn vòng nhằm mục đích thu hút sự chú ý của các hệ thống phòng thủ. Cùng lúc đó, Trung úy Tibbets đã kích hoạt dây cháy chậm gắn với lượng nổ đặt trên con tàu Campbeltown để khối thuốc nổ khổng lồ này sẽ phát nổ sau 8 tiếng. Những sợi dây cháy chậm này không được lắp với nhau một cách chính xác, nhưng người ta vẫn hy vọng rằng khối thuốc nổ sẽ phát nổ trong khoảng thời gian từ 5 đến 9 giờ sáng hôm sau.

Tàu Campbeltown lao lên cửa cống trước khi phát nổ.

Lực lượng tiến hành chiến dịch đi qua trạm rađa ở Le Croisic mà không gặp bất cứ sự cố nào và đi vào cửa sông Loire. Ở phía trước, các vụ ném bom thỉnh thoảng lại diễn ra. Đại tá Mecke, chỉ huy Lữ đoàn phòng không số 22 của Đức, bắt đầu cảm thấy nghi ngờ. Hắn ra lệnh cho tất cả các đơn vị tăng cường canh phòng. Trong khi đó, lực lượng tiến công đang ngày một đến gần cảng hơn.

Vài phút trước đó, trạm quan sát của Đức ở St Marc đã phát hiện ra họ và liên lạc với sở chỉ huy cảng để thông báo về sự xuất hiện của khoảng 17 con tàu lạ đang tiến về phía cảng. Báo cáo này bị gạt sang một bên ngay lập tức, bởi sở chỉ huy không tin có đoàn tàu nào lại dám tiến vào đây. Báo cáo lại được chuyển đến sở chỉ huy của Mecke, và các sĩ quan tham mưu ở đó liên lạc với sở chỉ huy cảng. Họ cũng nhận được câu trả lời tương tự.

Mecke báo động toàn bộ đơn vị ở khu vực St Nazaire đề phòng một cuộc đổ bộ có thể diễn ra. Theo đó, tất cả các thủy thủ trên tàu, các tàu chiến trong cảng, các hệ thống phòng thủ trên bờ và các đơn vị chi viện chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Khi lực lượng tấn công tiến một gần hơn đến mục tiêu, các đèn pha ở hai bên bờ sông bắt đầu quét liên tục trên mặt nước.

Tù binh Anh bị bắt. Lúc này, họ đang đợi thời khắc con tàu nổ tung.


Quân Đức nhanh chóng tập trung sự chú ý vào con tàu khu trục màu xám, tàu Campbeltown có dáng vẻ bề ngoài giống như các tàu khu trục lớp Mowe với một lá cờ Đức đang tung bay trên cột buồm. Điều này gây ra đôi chút bối rối và dẫn đến phản ứng chậm trễ của các loại hỏa lực. Quân Đức không biết phải đối phó như thế nào. Một hai khẩu pháo bắn một vài loạt đạn pháo sáng lên phía trên đội hình đang di chuyển để cảnh báo. Các trạm phát tín hiệu ở cả hai bờ cũng liên tục yêu cầu biên đội tàu dừng lại. Sĩ quan thông tin được giao nhiệm vụ ứng phó với tình huống này đã nhanh chóng phát tín hiệu “Chờ một lát”. Tiếp theo sau là tín hiệu báo “Khẩn cấp” và một bức điện thông báo nội dung “hai tàu bị hỏng do địch tấn công, yêu cầu được đưa thẳng vào trong cảng không một phút chậm chễ”. Quân Đức ngừng bắn, lúng túng không biết phải xử trí như thế nào. Sau một chút chần chừ, quân Đức lại bắt đầu bắn, lúc đầu còn dè dặt và sau ác liệt hơn với sự tham gia chi viện của hỏa lực. Viên sĩ quan thông tin lại bắt đầu phát tín hiệu: “Các anh đang bắn vào quân ta”. Một lần nữa, các loại hỏa lực lại câm bặt. Quân Đức càng trở nên bối rối do từ đầu đến giờ quân Anh chưa bắn trả một loạt đạn nào. Đến lúc này, tàu Campbeltown đã vào đến cửa sông Loire.

Quân Đức đến lúc này mới chắc chắn rằng đây là các tàu của Anh. Mecke và Dieckmann ra lệnh tất cả các loại súng bắt đầu khai hỏa. Trong khi đó, Ryder cũng lệnh cho tất cả các tàu bắn trả. Chẳng mấy chốc dòng sông chi chít đạn lửa phát ra từ những khẩu đại bác. Lá cờ Đức quốc xã trên tàu Campbeltown được hạ xuống và thay vào đó là lá cờ của Anh.

Ở đầu đội hình, MGB 316 đã vào đến bến tàu ngoài. Tàu bảo vệ Sperrbrecher của Đức đang thả neo ở bến tàu phía đông. Nó đang nã đạn dồn dập vào đội hình tấn công cho nên MGB 314 hướng tất cả các nòng pháo của nó vào con tàu này và lia một loạt đạn từ mũi đến đuôi tàu. Sperrbrecher bị im lặng hoàn toàn. Một số tàu khác cũng bị trúng hỏa lực từ tàu MGB 314 khi nó đi ngang qua. Tiếp sau đó, Campbeltown bị trúng đạn pháo. Một số quả đạn xuyên qua vỏ tàu và gây ra một vài đám cháy nhỏ ở quanh tàu. Lực lượng biệt kích nấp phía sau các tấm thép cho đến khi tàu Campbeltown đâm vào cửa cống. Lúc đó, họ đổ bộ lên trên bến tàu và đáp trả quân Đức bằng những loạt đạn.

Lúc này, thuyền trưởng Beattie ra lệnh cho những người lính có mặt ở đài chỉ huy rút vào phòng điều khiển bởi vì anh cảm thấy vị trí này trở nên quá nguy hiểm. Xung quanh phòng điều khiển đã được bọc thép vì thế có thể bảo vệ họ trước những loại đạn cỡ nhỏ, ngoại trừ một khe hở ở phía trước để quan sát. Tàu Campbeltown đi qua đê chắn sóng cũ. Lúc này, khoảng cách từ con tàu đến những cửa cống chỉ khoảng vài trăm mét. Con tàu chiến phía trước liền đánh lái sang một bên và Beattie gào lên: “Chuẩn bị lao vào”. Người lính trong phòng lái dốc hết sức mình bởi vì trước mặt họ là cửa cống thép màu đen dẫn đến bến tàu Normandie. Tàu Campbeltown vướng phải lưới chống ngư lôi nhưng nó xé toang tấm lưới và lao vào cửa cống thép khổng lồ và dừng hẳn. Lúc đó là 10 giờ 35 và tàu Campbeltown đến đúng mục tiêu của nó chỉ chậm hơn so với kế hoạch 4 phút.

Lượng thuốc nổ cài trên con tàu Campbeltown phát nổ vào giữa trưa ngày 28/3. 40 sĩ quan phát xít Đức ở trên boong con tàu đó và 400 lính Đức khác đang ở trên bến tàu gần đó bị tiêu diệt sau một tiếng nổ long trời lở đất. Các cửa cống của bến tàu cạn bị phá hủy và không thể sửa chữa được cho đến sau khi kết thúc chiến tranh.

Trong tổng số 241 lính biệt kích Anh tham gia chiến dịch có 59 người bị chết, mất tích và 109 người bị bắt. 85 thủy thủ của Hải quân hoàng gia Anh bị chết hoặc mất tích, 20 người bị bắt, nhiều người khác bị thương. 5 người trở về Anh qua đường Tây Ban Nha. Tổn thất của quân Anh trong chiến dịch này là không nhỏ. Tuy nhiên, đổi lại, họ đã phá hủy gần như toàn bộ bến cảng St Nazaire. Con tàu Tirptitz của Đức bị mắc kẹt ở vùng biển của Na Uy bởi nó không tìm được thiên đường trú ẩn an toàn nào khác ven bờ Đại Tây Dương. Nhờ đó, các chuyến hàng (vũ khí, lương thực) của quân đồng minh được vận chuyển trên tuyến đường biển ở Đại Tây Dương để chống lại phe phát xít được an toàn hơn.

Đình Vũ (tổng hợp)