07:05 04/07/2011

Chiến dịch Chariot - Kỳ 1: Sứ mệnh của những người lính Anh

Tháng 1/1942, tàu Tirpitz của phát xít Đức được đưa vào hoạt động và trở thành hiểm họa trên các tuyến đường hàng hải của Anh. Lực lượng Hải quân và Không quân hoàng gia Anh được giao nhiệm vụ tấn công con tàu chiến khổng lồ này.

Ngày 3/3/1942, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã phê duyệt kế hoạch của chiến dịch Chariot, với sứ mệnh phá hủy bến cảng St Nazaire (Pháp), bến cảng lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, đang nằm dưới sự kiểm soát của phát xít Đức. Kế hoạch này được cho là rất mạo hiểm, nhưng người Anh không còn sự lựa chọn nào khác để đảm bảo an toàn cho những con tàu qua lại trên Đại Tây Dương...

Kỳ 1: Sứ mệnh của những người lính Anh

Tháng 1/1942, tàu Tirpitz của phát xít Đức được đưa vào hoạt động và trở thành hiểm họa trên các tuyến đường hàng hải của Anh. Lực lượng Hải quân và Không quân hoàng gia Anh được giao nhiệm vụ tấn công con tàu chiến khổng lồ này. Tuy nhiên, mọi phương án xem ra đều là bất khả thi. Điều đó buộc người Anh tìm cách tiêu diệt gián tiếp con tàu này thông qua việc phá hủy bến cảng St Nazaire. Đây là cảng duy nhất nằm dọc bờ Đại Tây Dương có khả năng đón loại tàu chiến khổng lồ này. Nếu Hải quân Đức không sử dụng được bến tàu này có nghĩa là tàu Tirpitz chỉ có thể đến được khu vực bắc Đại Tây Dương, cũng đồng nghĩa với việc an ninh hàng hải của Anh được đảm bảo.

Sơ đồ bến cảng St Nazaire.

Chiến dịch Chariot được tiến hành dưới sự bảo trợ của Bộ tư lệnh chiến dịch liên hợp. Đây là một cơ quan liên binh chủng được thành lập với nhiệm vụ gây rối các nước thuộc phe phát xít và không để cho phát xít Đức kiểm soát một cách dễ dàng các khu vực chiếm đóng ở châu Âu. Bộ tư lệnh chiến dịch liên hợp được biên chế một lực lượng biệt kích để tiến hành các chiến dịch tấn công. Bộ phận này được thành lập ngay sau khi nước Pháp bị Đức khống chế và bao gồm những người lính được tuyển chọn từ nhiều đơn vị khác nhau. Đến năm 1942, nó được tổ chức thành một lữ đoàn biệt kích. Lữ đoàn này có 12 tiểu đoàn biệt kích và đặt dưới sự chỉ huy của Chuẩn tướng Charles Heydon. Mỗi tiểu đoàn có khoảng 500 người được tuyển chọn từ khắp các quân đoàn và trung đoàn của Lục quân Anh.

Trung tá Charles Newman được lựa chọn là người chỉ huy các tiểu đoàn biệt kích tham gia chiến dịch Chariot. Lực lượng tham gia chiến dịch là những người lính thuộc tiểu đoàn biệt kích số 2 cùng những người lính dạn dày kinh nghiệm đến từ khắp các đơn vị khác. Họ được huấn luyện chuyên sâu về kỹ thuật tác chiến ở khu vực thành thị vào ban đêm. Họ được giao nhiệm vụ yểm trợ cho bộ phận đánh thuốc nổ, chiếm giữ các vị trí quan trọng và kìm chân đối phương để nhóm đánh thuốc nổ có đủ thời gian thực hiện công việc.

Bộ tư lệnh chiến dịch liên hợp đã điều động đại úy W. H. Pritchard thuộc binh chủng Công binh Hoàng gia phụ trách việc đánh thuốc nổ. Năng lực của anh trước đây đã được kiểm chứng ở Pháp trong những lần đánh phá các cây cầu. Cha của anh là trưởng bến tàu ở Cardiff và trước chiến tranh, ông là thợ cơ khí trong các nhà máy sửa chữa và đóng tàu. Kinh nghiệm của ông đã phát huy tác dụng khi người ta hỏi ông về số lượng các cảng và cách thức phá hoại các cảng đó để đối phương không thể sử dụng được, trong số đó có cảng St Nazaire. Ông nhận định, ném bom sẽ không phá hủy được hệ thống máy móc điều khiển hoạt động ở cảng. Muốn làm cho bến cảng bị tê liệt, chỉ có một cách là đánh thuốc nổ. Vị trí đặt thuốc nổ và phương pháp thực hiện đều được thể hiện trong một báo cáo. Một chuyên gia khác, đại úy Bob Montgomery, hỗ trợ việc lập báo cáo và cả hai viên sĩ quan này có nhiệm vụ giúp việc cho Newman.

Tàu Tirpitz ở Vịnh Alta của Na Uy.

Các nhóm đánh thuốc nổ được lấy từ các tiểu đoàn biệt kích số 1, 3, 4, 5, 6, 9 và 12. Họ được gửi đến Burntisland ở cửa sông Forth để huấn luyện cách phá hủy nhà xưởng ở bến tàu biển. Toàn đội được huấn luyện cách sử dụng thuốc nổ và chọn vị trí đặt thuốc nổ sao cho thu được hiệu quả cao nhất. Họ được đưa đến xưởng sửa chữa và đóng tàu Rosyth để làm quen với công việc và tìm hiểu những điểm yếu của một xưởng sửa chữa và đóng tàu. Sau đó, họ được chia làm hai nhóm và được đưa đến Cardiff và Southampton để thực hành những kỹ thuật mà họ đã được học. Các nhóm phải thực hiện công việc trong những khoảng thời gian quy định, đôi khi trong bóng tối và đôi khi thiếu một số thành viên quan trọng (nhằm mô phỏng tình huống thương vong). Ở Southampton, họ thực hành ở bến tàu King George V, một phiên bản gần giống với bến tàu Normandie. Trung úy Stuart Chant và đội của anh luyện tập cách đi xuống các bậc thang sắt tối om của phòng đặt máy bơm để đưa khối thuốc nổ vào vị trí bánh công tác của máy bơm. Trung úy Brett và Burtenshaw tập leo lên cửa cống để đặt các khối thuốc nổ; trong khi trung úy Purdon và Smalley được giao nhiệm vụ đặt thuốc nổ phá hủy thiết bị guồng dây cáp để đóng mở cửa cống. Sau một tuần lễ, các nhóm được đổi chỗ cho nhau và nhờ đó họ có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm để đối phó với những tình huống bất ngờ.

Bộ phận đến từ lực lượng Hải quân Hoàng gia do Robert Ryder chỉ huy. Mặc dù mới 34 tuổi nhưng Ryder có rất nhiều kinh nghiệm về đi biển. Nhiệm vụ của anh là tổ chức và thực hiện kế hoạch đổ bộ 200 lính biệt kích lên St Nazaire, đưa một con tàu cũ đến cảng và làm cho nó mắc kẹt vào cửa cống phía nam của bến tàu rồi sau đó đưa toàn bộ lực lượng còn lại trở về Anh.

Đình Vũ (tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2: Phương án tác chiến