03:07 05/03/2015

Chiến dịch “bàn tay sắt” của Pakistan

Chính phủ Pakistan đã thực hiện một chiến dịch bắt giam hàng loạt phụ huynh ở Peshawar không chịu đưa con đi uống vaccine phòng bệnh bại liệt. Tổng cộng hơn 500 người đã bị bắt với tội danh “gây nguy hiểm cho an ninh chung” và sẽ chỉ được thả nếu chịu đưa con đi uống vaccine.

Chính phủ Pakistan đã thực hiện một chiến dịch bắt giam hàng loạt phụ huynh ở Peshawar không chịu đưa con đi uống vaccine phòng bệnh bại liệt. Tổng cộng hơn 500 người đã bị bắt với tội danh “gây nguy hiểm cho an ninh chung” và sẽ chỉ được thả nếu chịu đưa con đi uống vaccine.

Với hành động vô tiền khoáng hậu nói trên, chính phủ Pakistan đã chính thức tuyên chiến với bệnh bại liệt. Việc sử dụng biện pháp mạnh tay này là “cực chẳng đã”. Pakistan đã tổ chức vô số chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân nhưng xem ra như “nước đổ đầu vịt”. Hiện có khoảng 13.000 đến 16.000 người từ chối cho con đi uống vaccine buộc chính quyền phải phát lệnh bắt khoảng 1.000 bậc phụ huynh mắc bệnh “từ chối kinh niên”. Phó ủy viên hội đồng Peshawar, ông Riaz Khan Mehsud khẳng định: “Chúng tôi đã quyết định dùng bàn tay sắt để xử lý”.

Trẻ em Pakistan uống vaccine phòng bại liệt.

Sở dĩ chính phủ nước này phải mạnh tay như vậy vì tình hình bại liệt ở Pakistan đặc biệt nghiêm trọng. Số ca bại liệt trên toàn cầu chủ yếu là ở Pakistan và nước này là một trong ba quốc gia còn lại trên thế giới chưa thanh toán được bệnh bại liệt.

Căn nguyên của tình trạng này là do lực lượng Taliban ở Pakistan cho rằng động cơ của việc đưa trẻ đi uống vaccine phòng bại liệt là nhằm do thám hoặc âm mưu triệt sản người Hồi giáo, đặc biệt là sau khi Mỹ sử dụng một chương trình tiêm vaccine trá hình để giúp lực lượng nước này tìm ra trùm khủng bố Osama bin Laden. Từ đó, lực lượng Taliban càng tăng cường cấm uống vaccine ở những khu vực chúng kiểm soát. Chúng đã bắn chết 75 nhân viên y tế cũng như cảnh sát bảo vệ khu vực uống vaccine từ năm 2011.

Đó là lý do tại sao mà năm 2014 Pakistan ghi nhận số ca bại liệt kỷ lục, cao nhất trong 14 năm: 327 ca trong tổng số 359 ca toàn thế giới. Dịch bệnh nghiêm trọng đến mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải khuyến nghị mọi người Pakistan ra nước ngoài phải uống vaccine tại sân bay để tránh làm lan rộng virus. Sáng kiến toàn cầu diệt trừ bệnh bại liệt bắt đầu từ năm 1988 - thời điểm mà Pakistan có tới 2.000 ca bệnh.

Cho đến nay, ngoài Pakistan, còn Nigeria và Afghanistan vẫn bị dịch này hoành hành. Tuy nhiên, một khi thế giới vẫn còn các ổ dịch này thì nguy cơ với sức khỏe con người vẫn còn cao. WHO nhận định: Nếu trẻ em ở ba nước này vẫn không được uống vaccine phòng bại liệt, ba nước có thể “sản sinh” tới 200.000 ca bệnh bại liệt mới mỗi năm trong vòng 10 năm tới cho thế giới.

Bại liệt là một bệnh do virus gây ra và có khả năng lây nhiễm cao, chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, có thể khiến cơ thể bị liệt hoặc tử vong. Virus xâm nhập hệ thần kinh và có thể khiến cơ thể liệt hoàn toàn chỉ trong vòng vài giờ. Virus bại liệt được ngăn ngừa một cách dễ dàng nếu cơ thể có miễn dịch nhờ uống vaccine. Tuy nhiên, một khi đã nhiễm bệnh không còn cách nào chữa trị.

Từ đầu năm 2015 đến nay, đã xuất hiện 10 ca bại liệt ở Pakistan. Ước tính, cứ mỗi ca được xác nhận sẽ có 200 ca nhiễm không được phát hiện. Lần đầu tiên trong gần 15 năm qua, bệnh bại liệt lại xuất hiện ở mức độ nghiêm trọng như vậy. Nhiều gia đình đang phải đau đớn chứng kiến con em chịu đựng thứ bệnh mà hoàn toàn có thể ngăn chặn được.

Tiến sĩ Bilal Ahmad, một quan chức UNICEF ở Pakistan nhận định động thái chưa từng có tiền lệ ở của chính quyền Pakistan là nỗ lực “một mất một còn” để quét sạch căn bệnh bại liệt. Qua đó, cho thấy Pakistan quyết tâm gỡ bỏ chiếc “huy hiệu xấu hổ” gắn trên áo suốt bao nhiêu năm qua.

Thùy Dương