10:08 05/10/2014

Chiến công hiển hách của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam

Ngày 5/10/1959, Bộ Quốc Phòng quyết định thành lập Trung đoàn xe tăng 202, cơ sở quan trọng cho sự ra đời của Binh chủng Tăng thiết giáp Việt Nam, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ngày 5/10/1959, Bộ Quốc Phòng quyết định thành lập Trung đoàn xe tăng 202. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, đánh dấu bước trưởng thành mới của quân đội ta, là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của Binh chủng Tăng thiết giáp. Từ trung đoàn này, lực lượng Tăng thiết giáp đã ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần cùng toàn quân, toàn dân cả nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc.   
      

Lực lượng Tăng thiết giáp góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Lịch sử ra đời


Ngày 5/10/1959, theo Nghị định số 449/NĐ của Bộ Quốc phòng, trung đoàn xe tăng đầu tiên của quân đội Việt Nam mang phiên hiệu Trung đoàn xe tăng 202, được thành lập  với quân số ban đầu là 202 cán bộ và chiến sỹ.


Ngày 22/6/1965, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 100/QĐ-QP thành lập Trung đoàn xe tăng 203 và ra Quyết định số 101/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp. Sự ra đời của Binh chủng Tăng thiết giáp đã đánh dấu bước phát triển mới của Bộ đội Tăng thiết giáp và sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là bước phát triển tất yếu của quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới.


Ra quân đánh thắng trận đầu


Ngay sau khi thành lập, để thực nghiệm cách đánh của xe tăng trong điều kiện Việt Nam, Binh chủng Tăng thiết giáp đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập chiến thuật với bộ binh và các đơn vị khác trên các loại địa hình rừng núi, trung du, đồng bằng. Đồng thời với xây dựng lực lượng và huấn luyện, Binh chủng tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Các đơn vị được Binh chủng giao nhiệm vụ lao động, chiến đấu với thành tích bắn rơi 5 máy bay Mỹ, góp phần cùng đơn vị bạn bắn rơi 10 chiếc khác.


Ngày 5/8/1967, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp đã chỉ đạo Trung đoàn xe tăng 203 thành lập Tiểu đoàn xe tăng 198 (thiếu 1 đại đội), trang bị 22 xe tăng PT-76, hành quân vượt chặng đường 1350 km vào chiến trường miền Nam.


Tháng 1/1968, lần đầu tiên lực lượng xe tăng của quân ta được tham gia cùng binh chủng hợp thành, đánh thắng hai trận then chốt ở Tà Mây và Làng Vây, trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (Quảng Trị), ngày 27/1/1968 và ngày 7/2/1968.


Trận đánh Tà Mây - Làng Vây là chiến thắng đầu tiên của bộ đội Tăng thiết giáp, khẳng định sức mạnh của bộ đội xe tăng trong chiến đấu hợp đồng binh chủng. Sau chiến thắng Tà Mây - Làng Vây, đến hết năm 1971, trên chiến trường Lào, lực lượng Tăng thiết giáp Việt Nam tham gia nhiều chiến dịch, cùng binh chủng hợp thành đánh 29 trận và giành thắng lợi.


Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, với lực lượng khoảng 10 tiểu đoàn, trang bị 322 xe tăng, xe thiết giáp các loại, lực lượng Tăng thiết giáp Việt Nam đã cùng binh chủng hợp thành tham gia nhiều chiến dịch, đánh 82 trận, vận dụng nhiều hình thức chiến thuật, phương pháp tác chiến và giành nhiều thắng lợi.


Lực lượng đột kích quan trọng trong Lục quân


Sau hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, đầu năm 1973, quân viễn chinh Mỹ và chư hầu rút hết về nước. Tuy vậy, Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, ra sức phá hoại hiệp định Paris, tiến hành viện trợ cho quân đội Sài Gòn thực hiện  chiến lược “lấn chiếm và bình định”. Trong bối cảnh đó, từ năm 1973 đến năm 1974, trên chiến trường Nam Bộ, bộ đội Tăng thiết giáp cùng binh chủng hợp thành đã tham gia 26 trận chiến đấu, bảo vệ vùng giải phóng và tuyến đường vận tải chiến lược 559…


Cuối năm 1974 đến năm 1975, tình hình chiến trường miền Nam có bước phát triển mạnh mẽ, Bộ Chính trị đã quyết định “tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam".


Mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, lực lượng Tăng thiết giáp tham gia chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 đến ngày 25/3/1975) với 16 trận chiến đấu, cùng binh chủng hợp thành đánh đòn điểm huyệt mở đầu, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, góp phần giải phóng Tây Nguyên.


Trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, lực lượng Tăng thiết giáp với 168 xe tăng thiết giáp các loại cùng binh chủng hợp thành đánh 20 trận; phối hợp với lực lượng tại chỗ giải phóng các tỉnh miền Trung, tập trung lực lượng cơ động “Thần tốc đánh địch mà đi, mở đường để tiến mà kịp”.  


Xe tăng mang số 843 dẫn đầu đội hình, húc tung các cánh cổng sắt tiến thẳng vào Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn vào hồi 10h45 phút ngày 30/4/1975.


Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Bộ đội Tăng thiết giáp đã dẫn đầu năm cánh quân trên cả năm hướng đồng loạt tiến công thần tốc giải phóng Sài Gòn-Gia Định.


10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, hai xe tăng mang số 843 và 390 dẫn đầu đội hình, húc tung các cánh cổng sắt tiến thẳng vào Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Đại đội trưởng đại đội xe tăng 4 Trung úy Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập. Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng là người thay mặt Quân giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh.


 Ngày 20/10/1976, Binh chủng Tăng thiết giáp được Quốc hội và chính phủ tuyên dương là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


Qua 8 năm chiến đấu chống Mỹ, từ trận mở đầu ở Tà Mây - Làng Vây cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, bộ đội Tăng thiết giáp tham gia 14 chiến dịch, 211 trận chiến đấu. Với ý chí quyết tâm cao, tinh thần chiến đấu dũng cảm, đoàn kết hiệp đồng, bộ đội Tăng thiết giáp đã lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của cả dân tộc.

 

Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cùng sự đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu của các đơn vị bạn; sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Tăng thiết giáp đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, xây dựng và trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng, viết nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”.


Trong giai đoạn mới của cách mạng, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc, bộ đội Tăng thiết giáp đã luôn phấn đấu, phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, thống nhất, xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và quân đội giao.

 


Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN