Giống như từ một bộ phim Hollywood, vào tháng 6/1941, một chiếc xe tăng hạng nặng của Liên Xô đã đương đầu với 5.000 lính Đức cùng đủ loại vũ khí, và cầm chân quân thù trong gần 24 giờ.
Sau khi phát động Chiến dịch Barbarossa (mật danh của chiến dịch xâm lược Liên Xô), quân phát xít Đức đã lao vào tấn công quân đội Xô viết như một trận tuyết lở, tiến sâu hàng trăm kilomet vào lãnh thổ Liên Xô.
Trong tình thế khó khăn này, Hồng quân Liên Xô đã cố gắng, nếu không ngăn chặn được Đức Quốc xã, thì ít nhất cũng phải ghìm chân chúng, cho đất nước thêm thời gian để tổ chức tốt một cuộc phòng thủ. Một trong những hành động anh hùng hưởng ứng chiến lược đó đã đi vào huyền thoại, đó là sự kiện một chiếc xe tăng hạng nặng KV-1 đã giữ chân cả Sư đoàn Xe tăng số 6 của Đức trong gần 24 giờ tại thành phố Raseiniai, miền trung Lithuania (Litva).
Một chiếc tăng đấu với cả sư đoàn quân
Sư đoàn Tăng số 6 của Đức và Sư đoàn Tăng số 2 của Liên Xô bắt đầu chiến đấu ở các cửa ngõ thành phố Raseiniai trong những ngày đầu của cuộc chiến. Trong khi trận chiến chính diễn ra ở phía đông thành phố, một chiếc tăng Liên Xô đã bất ngờ xuất hiện tại hậu phương của quân Đức ở phía bắc Raseiniai và cắt đứt tuyến đường hậu cần chính giữa hai tập đoàn quân Đức.
Chiếc KV-1 đứng ngay giữa đường, và làm tê liệt sự di chuyển của gần 5.000 lính Đức.
“Không thể đi vòng qua chiếc xe tăng được, vì đầm lầy ở khắp mọi nơi. Chúng tôi không thể lấy đạn hay sơ tán những người bị thương, họ đang chết”, quân Đức báo cáo về.
Trước khi quân Đức có thể tập hợp thêm lực lượng, cỗ máy sắt kiên cường của Liên Xô đã phá hủy 12 xe tải tiếp tế của đối phương.
Những nỗ lực hạ gục chiếc xe tăng Liên Xô bằng pháo chống tăng 50 ly đều thất bại. Hơn nữa, đòn bắn trả của KV-1 còn tiêu diệt các pháo khẩu Đức cùng với kíp điều khiển chúng.
Những chiếc pháo nòng 105 ly mạnh hơn sau đó được điều tới để tiêu diệt chiếc xe tăng Liên Xô, nhưng chúng cũng không thành công. Và người Đức quyết định đợi đến đêm.
Trong bóng tối, các đặc công Đức tiếp cận chiếc xe tăng, đặt hai quả mìn vào bánh xích và súng của nó, nhưng những vụ nổ thậm chí còn không để lại một vết xước trên chiếc KV-1!
Vũ khí duy nhất có thể đối phó với chiếc xe tăng “lì lợm” là pháo cao xạ 88 ly. 50 xe tăng Đức đã đánh lạc hướng xe tăng Liên Xô bằng cách mô phỏng một cuộc tấn công đa hướng, trong khi khẩu pháo được bí mật di chuyển đến gần chiếc KV-1 và khai hoả.
Phải tới cú đánh trực diện thứ 13, pháo cao xạ 88 ly của Đức mới xuyên thủng lớp giáp của chiếc xe tăng Liên Xô, khiến toàn bộ chiến sỹ bên trong hy sinh.
Kẻ thù cũng ngả mũ
Lính Đức đưa thi thể 6 chiến sĩ Hồng quân ra khỏi chiếc xe tăng Liên Xô đang bốc cháy. Kinh ngạc trước sự dũng cảm của những người lính Liên Xô, phía Đức đã chôn cất họ với tất cả sự tôn trọng cùng nghi thức nghiêm trang.
Cho tới nay vẫn chưa rõ tại sao chiếc KV-1 lại quyết định tham gia vào một trận chiến không cân sức như vậy. Theo nhà sử học Maxim Kolomiets, chiếc xe tăng đã tách khỏi đội hình của sư đoàn và vô tình đụng phải kẻ thù. Chiếc xe hết nhiên liệu, nên đã quyết định dừng lại và chiến đấu.
Tuy nhiên, các lính tăng Xô-viết đã có nhiều cơ hội để rời khỏi chiếc xe, ẩn nấp trong rừng và tìm cách đến với đồng đội. Nhưng họ đã chọn ở lại và chiến đấu đến cùng – sử gia Kolomiets nhấn mạnh.
"Quái vật Nga"
Quân đội Đức đã nắm được hiểu biết về nhiều thiết bị bọc thép của Liên Xô trước chiến tranh. Tuy nhiên, họ hoàn toàn không biết gì về xe tăng hạng nặng KV-1, đây là một bất ngờ rất khó chịu đối với Wehrmacht (Lực lượng vũ trang Đức quốc xã).
Sau khi phát động "Chiến dịch Barbarossa", người Đức đã bị sốc khi nhận ra rằng Hồng quân có những chiếc xe tăng mà họ không thể làm gì được. KV-1 là bất khả chiến bại và không có đối thủ trước hầu hết các loại vũ khí của Wehrmacht.
Được đặt theo tên của Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái Kliment Voroshilov, xe tăng hạng nặng KV-1 được thiết kế không lâu trước chiến tranh Liên Xô-Phần Lan và đã lập chiến công trong cuộc xung đột này. KV-1 chống lại hiệu quả trước các vũ khí và pháo chống tăng của Phần Lan.
Khi Wehrmacht xâm lược lãnh thổ Liên Xô, hơn 400 chiếc tăng KV-1 đã được triển khai để đối mặt với kẻ thù. Cả xe tăng và pháo chống tăng của Đức đều không thể tiêu diệt được những con “quái vật chiến trường”, như cách gọi của người Đức.
Các xe tăng chủ lực của Đức vào thời điểm đó, chẳng hạn như Panzer III và IV và Panzer 38(t) của Séc, không thể sánh được với KV-1 của Liên Xô. Giải pháp duy nhất là sử dụng pháo cao xạ 88 ly hoặc lựu pháo 105 ly để chống lại.
“Tin đồn về những con quái vật bọc thép này khiến chúng tôi khiếp sợ. Thông tin về kích thước và khả năng bất khả xâm phạm của chúng khiến chúng tôi nghĩ chúng như những pháo đài không thể phá hủy”, một người lính Đức cho biết.
Tuy nhiên, KV-1 cũng không thực sự là một xe tăng hoàn hảo. Nó bị cho là còn quá "thô" khi lần đầu tiên tham chiến. Mặc dù được bảo vệ tốt và trang bị vũ khí tốt, nhưng xe tăng KV-1 lại hoạt động khá chậm chạp. Bên cạnh đó, chúng hay bị hỏng hóc và lúc nào cũng cần sửa chữa.
Thời "tung hoành" của những chiếc tăng KV-1 chỉ kết thúc khi quân Đức đưa xe tăng hạng nặng Tiger 1 vào biên chế năm 1942, mạnh hơn nhiều so với đối thủ của Liên Xô. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, KV-1 đã là một cơn ác mộng thực sự đối với Đức Quốc xã.