09:17 25/09/2016

Chiếc xe đạp của Tùng

Sáng nay, vừa đến cổng trường đã thấy Lâm tươi cười ngồi trên chiếc xe mi -ni đỏ mới toanh, một chân chống dưới đất, chân kia vẫn còn đặt trên chiếc bàn đạp.

Lên lớp 5, ở lớp Tùng, nhiều bạn đã được bố mẹ sắm xe cho để người lớn khỏi phải mất công đưa đón, các bạn thì đỡ phải đi bộ, ngày học hai buổi đi đi về về đến bốn lần cũng khá mệt. Có vẻ như muốn khoe với khắp lượt các bạn trong lớp là mình vừa có chiếc xe mới, Lâm đạp xe lượn quanh sân trường vài vòng rồi mới cất xe vào trong lán.

Thảo nào chiều hôm chủ nhật, Tùng đã trông thấy Lâm cùng anh trai đang tập xe ở ngoài đường cây, lối rẽ ra con đê ven làng. Con đường ấy vừa thoáng lại vừa rộng, không có mấy người qua lại. Nhà Tùng có thửa ruộng rau ngay cạnh đó, chiều nào đi học về Tùng cũng xách bình ô doa ra ruộng phụ giúp mẹ tưới tắm rau cỏ. Mẹ thì đã quẩy đôi quang gánh đi từ chiều hôm, bận rộn cuốc xới, làm cỏ và còn hái rau để chuẩn bị cho phiên chợ hôm sau. Nhà Tùng chủ yếu trông chờ vào nguồn thu nhập từ mấy sào rau ấy. Bố Tùng làm phụ xây, bữa có việc, bữa không.

Minh họa: Trần Thắng

Lúc tan học, Lâm đạp xe vượt lên phía trước chắn ngang mặt Tùng, cười bảo: "Lên xe đi, mình đèo". Không chần chừ, Tùng nhảy phóc lên phía sau xe ngồi. Mới biết đi nên lúc đầu xe có hơi chuệch choạng một chút nhưng rồi sau đó Lâm cũng dần vững tay lái. Xe bon bon chạy trên con đuờng bê tông mới làm. Gió lùa qua vai áo, mát rượi. Nhà Tùng và nhà Lâm ở ngoài xóm bãi, lại cách xa trường gần 3 km. Mọi khi hai đứa đi bộ đến mỏi cả chân. Hôm nay, chỉ loáng một cái đã về đến nhà, không có chút mồ hôi, lại chẳng thấy mệt tý nào. Thật là thích!. Đã thế, lúc hai đứa vượt qua chỗ cái Ngân đang đi bộ, Ngân còn nói với theo:

- Mai Lâm cho tớ đi nhờ xe với nhé?

Ngân là cô bạn xinh xắn, dễ thương và học khá của lớp. Tính Ngân hòa đồng, cởi mở và dễ gần nên thầy cô giáo và các bạn trong lớp ai cũng quý mến. Từ lúc ấy, Tùng chợt thoáng có ý nghĩ: "Giá như mình cũng có chiếc xe đạp như Lâm nhỉ. Mình sẽ rẽ qua nhà Ngân để chở cậu ấy đi cùng. Kết thân với cậu ấy mình sẽ chẳng còn ngại mỗi khi phải nhờ cậu ấy giải cho bài tập toán khó nữa”. Nghĩ vậy, về đến nhà Tùng vào bếp tỉ tê với mẹ:

- Mẹ ơi, chiều nay mẹ cho con đi tập xe, mẹ nhé?!

Mẹ nhìn Tùng rồi cười đáp:

- Ừ, con lớn rồi cũng phải tập xe dần đi thôi.

Tùng mạnh dạn:

- Rồi mẹ sẽ mua xe cho con, được không mẹ?- Mẹ ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:

- Để bố mẹ tính xem đã...

Tùng khấp khởi hy vọng vì biết mẹ rất thương mình. Có lẽ mẹ chờ bán hết lượt rau đợt này mới có đủ tiền mua xe đây.

*

Dạo này Tùng chăm học hơn hẳn, một phần cũng bởi cậu muốn quyết tâm chứng tỏ cho bố mẹ thấy rõ việc mua xe là một phần thưởng xứng đáng giành cho mình. Trưa nay, đi học về Tùng đã thấy chiếc xe mi ni màu xanh dương dựng ngay ngắn ở góc sân. Mẹ bảo đã mua cho Tùng ở cửa hàng Khuông Yến cạnh cổng trường. Tùng vui lắm, cậu nhảy chân sáo đi dọn cơm, hai mẹ con ngồi chờ bố một lúc lâu thì thấy bác Thủy hớt hải chạy sang báo tin:

- Thím và cháu Tùng sang bệnh viện ngay đi, tôi nghe mọi người nói chú Cảnh bị ngã giáo, được đưa đi bệnh viện rồi.

Lúc sang đến bệnh viện thấy bố nằm im bất động, Tùng chợt òa lên khóc. Bố đưa tay vẫy vẫy, ra hiệu Tùng lại gần và nhẹ nhàng xoa đầu Tùng. Có lẽ bố còn mệt do ca mổ vừa xong nên bố lại thiếp đi. Tùng áp đôi bàn tay thô ráp của bố lên má mình. Đôi bàn tay của bố đen và chai sạm vì phải bê gạch và xách vữa nhiều. Mấy hôm trước thấy bố bị sổ mũi, mẹ bảo:

- "Bố cu Tùng mệt thì hãy xin nghỉ làm lấy một vài hôm cho khỏe hẳn đã, anh ạ?!"

Bố bình thản đáp:

- "Anh làm ngoài trời, nắng mưa thất thường, sụt sịt tí chút cũng có sao đâu. Anh muốn cố gắng làm thêm vài công nữa, dành dụm mua cho con được chiếc xe đạp. Nó đi bộ mãi kể cũng tội".

Nghĩ lại, Tùng thấy mình thật ích kỷ. Nếu không vì cố gắng để dành tiền mua xe cho Tùng thì bố đã xin nghỉ làm ở nhà. Cậu còn nghe các chú kể do bố chóng mặt nên mới bị trượt chân ngã từ trên cao xuống. Tùng thừ người suy nghĩ.

*

- Xe đạp của con đâu? Sao con lại đi bộ về nhà?- Mẹ hỏi Tùng đầy vẻ lo lắng.

Tùng chưa kịp đáp lời thì cô Yến cũng vừa dắt xe vào đến cổng, giọng cô vồn vã:

- Sức khỏe của anh đã khá hơn chưa chị? Em vào hỏi chị xem chuyện ấy thực hư thế nào. Chỉ có cháu Tùng ra trả xe đâm ra em cũng chưa dám quyết, vẫn còn đang bán tín bán nghi đây chị ạ.

Mẹ thật sự ngạc nhiên khi nghe cô Yến kể chuyện về Tùng. Chiều nay, Tùng đi xe ra cửa hàng gặp cô Yến với giọng ngập ngừng xen lẫn nét mặt lo âu. Hỏi ra, cô mới biết Tùng muốn trả chiếc xe để xin lại tiền về cho mẹ lo thuốc men và chi trả viện phí cho bố. Mẹ đưa mắt nhìn Tùng. Sợ mẹ mắng, Tùng cúi gằm mặt, tay mân mê gấu áo. Mẹ bảo với cô Yến:

- Cô thông cảm, cháu nó còn nhỏ chưa biết nghĩ trước nghĩ sau. Quả thực, bố cháu phải vào viện nên nhà có hơi túng nhưng không vì thế mà tôi bảo cháu ra trả xe cô. Vả lại, tôi cũng muốn mua xe cho cháu đi học cho đỡ vất vả và cũng là để động viên cháu nữa...

Cô Yến cười tươi, đáp giọng chân tình:

- Chuyện ấy chị khỏi lo, gia đình đang lúc khó khăn chị cứ cầm lại số tiền này để lo thuốc men và bồi dưỡng cho anh. Khi nào có tiền anh chị gửi lại em cũng chưa muộn mà. Chỗ chị em quen biết đã lâu chị đừng khách sáo.

Nói rồi cô dắt luôn chiếc xe vào trong nhà và cầm túi quà đến bên giường thăm bố Tùng. Lúc sau, cô Yến nhìn Tùng trìu mến, đoạn quay ra bảo mẹ:

- Anh chị cũng nên tự hào vì có cháu Tùng đây thật có hiếu, tuy còn bé mà đã biết thương bố mẹ, suy nghĩ lại còn như người lớn nữa chứ?

Mẹ cốc yêu vào đầu Tùng:

- Lần sau làm việc gì con cũng phải hỏi ý kiến bố mẹ trước đã, nghe chưa?

Tùng cười bẽn lẽn, rót nước pha trà mời cô Yến mà trong lòng có chút gì vui vui.
Vũ Thị Thanh Hòa