10:09 10/10/2013

Chiếc áo kỷ vật của Anh Cả

Chiếc áo ấm màu xám do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tận tay trong một lần gặp gỡ tại Thành phố Hồ Chí Minh mấy năm trước, đến nay vẫn được cụ Tô Đình Cắm...người duy nhất còn lại của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, cất giữ kỹ càng như một kỷ vật quý giá của đời mình.

Chiếc áo ấm màu xám do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tận tay trong một lần gặp gỡ tại Thành phố Hồ Chí Minh mấy năm trước, đến nay vẫn được cụ Tô Đình Cắm (thường gọi là Tô Văn Cắm, bí danh Tô Tiến Lực), người duy nhất còn lại của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, cất giữ kỹ càng như một kỷ vật quý giá của đời mình.


Nghe tin Đại tướng từ trần, cụ Cắm lần giở tấm áo cũ, bồi hồi rưng rưng nhớ về "người Anh Cả", người đồng đội một thời cùng kề vai sát cánh chiến đấu chống ngoại xâm.

 

Cụ Tô Đình Cắm bên bức hình của Đại tướng.


Cụ Cắm hiện đang ngụ ở ngoại ô thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Đêm 4/10, khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, con cháu không ai dám thông báo ngay cho cụ. Sáng hôm sau, ông Tô Đức Tuân (con trai thứ của cụ Cắm) mới cho cụ hay tin dữ. “Lúc nghe tin Đại tướng đã từ trần, ông cụ nhà tôi buồn lắm, mắt cụ rưng rưng không nói nên lời” - ông Tuân kể lại.


Vị tướng bình dị


Năm nay đã ở tuổi 92, trí nhớ cũng đã giảm sút, nhưng khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từng mảng ký ức của cụ Cắm lại ùa về. Người cựu binh của “Đội quân áo chàm” bần thần nâng niu chiếc áo khoác màu xám và nói: “Đã có dịp cùng ăn, ngủ, chiến đấu với nhau. Anh Giáp như một người anh cả, luôn dặn dò chúng tôi rất cẩn thận”. Cụ Cắm bắt đầu câu chuyện về vị tướng huyền thoại như thế.


Câu chuyện đứt quãng từng đợt, rồi cụ Cắm lại kể về chiếc áo khoác kỷ vật đang cầm trên tay. Đó là lần cuối cùng cụ gặp lại Đại tướng sau khi cách mạng thành công, khi được mời về Thành phố Hồ Chí Minh họp mặt. Lần ấy, Đại tướng vừa gặp cụ thì ân cần trò chuyện và gặng hỏi: “Sao ông không đưa phu nhân đi theo ?”. Nói vừa dứt lời, Đại tướng cầm chiếc áo khoác trao tận tay cho người đồng đội đã tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng) ngày ấy.

 

Cụ Tô Đình Cắm và chiếc áo khoác được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng.


Sau chuyến đi, chiếc áo của Đại tướng được cụ Cắm cất giữ rất cẩn thận. Thỉnh thoảng cụ lại đem ra cho con cháu xem và kể về vị tướng quân tài ba của dân tộc. Mỗi dịp cuối năm, khi gió lạnh ùa về hoặc vào những đợt kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) được mời đi Đà Lạt dự lễ, cụ lại lấy áo khoác ra mặc và không quên kể với mọi người câu chuyện được "bác Giáp tặng áo".


Lặng nhìn bức ảnh Đại tướng một hồi lâu, cụ Cắm lại kể thật nhiều những câu chuyện, kỷ niệm về Đại tướng mà trong ông, đó là hình ảnh một nhà lãnh đạo, một vị tướng rất đỗi bình dị, thân thương, gắn bó máu thịt với đồng bào, chiến sĩ các nơi: “Mỗi lần đi công tác, tuyên truyền hay vận động bà con ở vùng Tây Bắc, bác Giáp đều nói chuyện với người dân bằng tiếng Tày, tiếng Mán rất thân thiện, gần gũi nên được bà con vô cùng quý mến”.


Cụ Tô Đình Cắm người dân tộc Tày, sinh năm 1922 tại Cao Bằng. Năm vừa tròn 19 tuổi, chàng thanh niên Tô Đình Cắm đã đi theo tiếng gọi của cuộc cách mạng cứu nước. Ngày 22/12/1944, Tô Đình Cắm là 1 trong 34 chiến sỹ đầu tiên cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc “Mười lời thề danh dự” tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong khoảng thời gian mới thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, cụ Cắm được tham gia cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những trận đánh đầu tiên. Sau đó, do yêu cầu của cách mạng, cụ Cắm chuyển vào Nam chiến đấu.


Khi đất nước thống nhất, cụ Cắm vào vùng đất Đạ Tẻh (Lâm Đồng) làm kinh tế mới và chỉ được gặp lại Đại tướng hai lần. “Tôi nhớ cụ Giáp quá mà không biết làm thế nào. Nghe tin cụ mất tôi buồn lắm, nếu còn khỏe như trước, tôi sẽ ra Hà Nội để viếng cụ” - nói rồi cụ Cắm lại mân mê chiếc áo khoác, nhìn lên chiếc tủ treo tấm ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đôi mắt người cựu binh già lại rưng rưng...

Bài và ảnh:Nguyễn Dũng