07:06 17/07/2016

Chiếc áo dài

Chú ve sầu cất tiếng hát não nề, phượng nở đỏ rực cả một góc sân trường báo hiệu một mùa hè nữa lại về trong đôi mắt trong veo của học trò. Cứ tưởng điều đó sẽ làm không gian sân trường, lớp học yên ắng buồn thê thảm.

 Nhưng không, mọi chuyện diễn ra nhốn nháo như đang giờ ra chơi. Họp lớp. Cả dãy khối 12 ồn ào thấy rõ. Nhất là lớp 12A1, nơi Lan đang học. Tụi bạn nghịch như quỷ sứ, làm náo loạn đến nỗi bên ngoài sân trường  ai cũng nghĩ đang có chuyện học trò đánh nhau. Hai bác bảo vệ phải thường xuyên ra vào nhắc  chừng vì sợ vật tư của nhà trường bị hư hỏng. Trong buổi kỷ niệm 12 năm đèn sách, chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia căng thẳng, ngoài việc dùng bút bi, bút lông ký tên, viết bậy chi chít lên áo thì các bạn còn dùng bột màu nước ném vào nhau như lễ hội Holi ở xứ Ấn Độ.

Chỉ nửa giờ họp lớp, dù mọi người vẫn còn hò hét inh ỏi nhưng Lan đã nhanh chân dắt xe ra cổng chạy như ma rượt. Cô bé vừa đi vừa khóc. Nước mắt giàn giụa như mưa đầu mùa hạ trút xuống mặt đất. Hai bác bảo vệ ngơ ngác hỏi có chuyện gì nhưng Lan im lặng bỏ chạy. Con đường về nhà thật gần, bằng phẳng nhưng cô bé thấy sao nặng nề, lo lắng. Những vòng quay xe cứ nặng trịch, mệt mỏi. Về đến cổng, Lan đứng tần ngần một hồi: “May quá, mẹ và nhỏ em đi hái trái cây thuê chưa về”. Lan định mở cửa dắt xe vào nhà thì bác Tám vỗ nhẹ vào vai hỏi khiến Lan giật bắn mình: 

- Chuyện gì vậy con? Ngồi bên nhà bác thấy nước mắt con chảy lên má liên tục, mặt chau mày ủ cứ như người bệnh. Sao, nói bác nghe?
- Dạ…

Lan chưa kịp nói thì bác thì bác Tám thảng thốt:
- Ý chết, chiếc áo dài của con sao thế? Lem luốc toàn mực tàu. Kiểu này là bỏ cái áo luôn rồi! 
- Dạ… Con…

Rồi Lan kể lại cho bác Tám nghe vì sao mình khóc. Sáng này, khi họp lớp, bạn Nam lớp trưởng đã đề nghị cả lớp cùng nhau ký tên trên áo từng người để làm lưu niệm. Rồi bạn Ngọc văn thể mỹ chuẩn bị sẵn cả thùng hộp màu nước  để chơi trò lễ hội Holi. Kết quả quần áo đứa nào cũng như giẻ lau nhà.

- Chỉ có thế thôi mà con khóc như mưa à? - Bác Tám ngạc nhiên. - Kỷ niệm tuổi học trò mà, cũng vui đấy chứ! Ngày xưa bác cũng đã từng thế nhưng có điều  là ký tên vào quyển lưu bút thôi chứ không nghịch ngợm như vậy!

- Dạ, con biết đây là bữa cuối năm 12 cả lớp gặp nhau, sau đó thì chia tay. Thi THPT xong, mỗi đứa vào một trường đại học khác nhau, đâu có thời gian mà ngồi lại vui vẻ rôm rả trò chuyện. Mỗi đứa bước đi một ngả riêng mà mình đã chọn. Con cũng muốn lưu lại kỷ niệm để khi nhớ đến các bạn mà lấy kỷ vật ra xem, nhưng… không phải là chiếc áo dài này…
- Dạ, mẹ dành dụm cả tuần lương mới mua nổi cho con chiếc áo dài này.

- Thế lúc sáng này, con không ngăn các bạn vấy bẩn áo mình?
- Con nói rát cả cuống họng mà các bạn cứ cố tình lao vào ký đầy trên lưng áo. Chịu không nổi,  con bỏ chạy về nhà. Năm nay em gái con lên lớp 10, mà mẹ thì vừa khỏi bệnh…

Lan ngập ngừng và tiếp tục thút thít. Cô bé hiền lành, ngoan, hiếu thảo lại học giỏi nhất xóm nhưng có cái “tật xấu” là hay mít ướt. Cứ hễ có chuyện buồn là Lan khóc. Nhà Lan nghèo, nghèo nhất xóm. Ba mất sớm từ khi Lan học lớp 5. Mẹ Lan phải làm đủ thứ nghề, vất vả, thậm chí là phụ hồ, khuân gạch, vác lúa thuê để có tiền lo cho chị em Lan ăn học đàng hoàng. Không như các bạn nữ trong lớp mỗi ngày thay một chiếc áo dài mới, phần Lan chỉ có độc nhất một chiếc áo dài mặc suốt ba năm THPT. Mỗi lần đi học về là Lan nhanh tay mang áo đi giặt để hôm sau có áo để mặc. Những lúc mưa dầm dề, Lan phải dùng bàn ủi than là áo cho khô rồi mặc đến lớp. Cũng may là áo mỏng,  thoáng nên mau khô. Để áo không ngả màu cháo lòng, Lan giữ gìn rất cẩn thận, ngâm áo trước khi giặt và mỗi năm học tẩy một lần.

- Bác hiểu, con định để chiếc áo dài lại cho em mình mặc sang năm chứ gì?
- Dạ! Mà giờ nó ra nông nỗi rồi! Con sợ mẹ thấy được sẽ buồn. Mẹ mới lành bệnh, phải làm để trả nợ tiền thuốc men cho người ta, lấy đâu ra tiền mà mua áo dài mới cho  em con chứ! Con thật vô dụng, nhu nhược! Phải chi khi sáng này con không mặc áo dài đến lớp thì đâu xảy ra cớ sự này. 

Bác Tám lờ mờ hiểu ra câu chuyện nên an ủi:
- Thôi, đừng tự trách mình nữa! Chẳng ai biết trước được chữ ngờ đâu. Thấy con học giỏi, gia đình có đầy nghị lực sống, ý chí phấn đấu, khiến cả xóm thương yêu nên bác nghĩ cần phải làm điều gì đó giúp con. Giờ bác tính thế này con coi có được không. Người nhà bác bên Mỹ mới gửi về một món tiền cho bác dưỡng già. Bác sẽ tặng con 500 ngàn đồng để may chiếc áo dài mới cho nhỏ em. Của ít lòng nhiều, nhận cho bác vui nghen!

Lan hốt hoảng:
- Không được bác ơi! Con không nhận số tiền này đâu. Mẹ la con đấy! Mẹ con thường dạy, dù nghèo nhưng không nên để mang tiếng xấu là lợi dụng lòng tốt của người khác.
- Đây là tấm lòng của bác, không có chuyện lợi dụng, lừa đảo gì cả. Nếu con cảm thấy “vô công bất thụ lộc” thì coi như bác cho con mượn, khi nào có gửi lại cho bác cũng được. 

Chuyện này bác sẽ  nói trực tiếp với mẹ con, không lấn cấn nữa nhé. Yên tâm đi!

Lan không còn lý do gì để từ chối. Bởi lời nói quyết đoán, chắc như ra lệnh của bác Tám đã là câu trả lời. Lan nghĩ, sau khi thi xong, Lan sẽ cố gắng đi làm thêm mỗi ngày, dù cực cách mấy cũng chịu, để có tiền gửi lại cho bác Tám. Bác đã tốt bụng giúp quá nhiều lần rồi, nên Lan không muốn bác phải nhọc lòng nữa. Khoanh tay cảm ơn bác Tám xong, Lan vội dắt xe vào nhà làm bữa cơm trưa. Mặt trời đã vắt vẻo trên ngọn cau xanh, có lẽ mẹ và em gái Lan đang trên đường về nhà.
Truyện ngắn của ĐẶNG TRUNG THÀNH