09:15 05/09/2018

Chia sẻ kinh nghiệm về tài chính dành cho người nghèo

Ngày 5/9/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp nông thôn Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo - Kinh nghiệm của Việt Nam”.

Chú thích ảnh
 

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính, tín dụng, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về tài chính nông nghiệp nông thôn vì người nghèo. Các đại biểu tham dự đã thảo luận những chủ đề về: Các hoạt động tài chính nông thôn vì người nghèo và tác động đến phát triển bền vững tại Việt Nam; Chiến lược nhân rộng các sản phẩm và dịch vụ tài chính sáng tạo vì người nghèo tại Việt Nam; Đánh giá và ghi nhận các thông lệ tốt nhất về tài chính nông thôn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam; Kinh nghiệm của các tổ chức trong Hiệp hội tín dụng Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) và đánh giá những kinh nghiệm gắn với môi trường kinh tế xã hội cụ thể của từng quốc gia từ đó chắt lọc để đóng góp vào thông lệ tốt nhất tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm về kết quả cụ thể về đánh giá tác động của tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn trong đó quan tâm đặc biệt đến  tín dụng chính sách như một công cụ để giải quyết những vấn đề mà tín dụng của các ngân hàng thương mại chưa thành công...
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, đại diện NHCSXH cho biết, Việt Nam được quốc tế công nhận là quốc gia sớm thực hiện thành công Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phát triển bền vững, về xóa đói giảm và phát triển con người. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức rất cao trên 58% (năm 1993) đã giảm xuống còn 6,7% (năm 2017).

Đồng hành giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, NHCSXH đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi một cách thuận tiện để phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã thu được những thành tựu nổi bật, tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Cụ thể: Đến hết tháng 6/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 189.105 tỷ đồng; Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 181.768 tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, trong đó tỷ trọng tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 94% tổng dư nợ.

Cùng với đó, NHCSXH xây dựng và tổ chức thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù của Việt Nam thông qua việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội giúp đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay và đúng đối tượng thụ hưởng với chi phí thấp nhất và đạt chất lượng tín dụng cao nhất với tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,81%. Các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò vừa là người giám sát, vừa làm ủy thác một số nội dung công việc trong nghiệp vụ tín dụng. Với phương thức này hoạt động tín dụng ngân hàng không còn là công việc riêng của ngành ngân hàng mà đã từng bước được xã hội hóa - tạo điều kiện cho chính quyền, ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp cơ sở thường xuyên tiếp cận với nhân dân. Tín dụng chính sách thực sự đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ khách hàng, tín dụng xanh và tín dụng có trách nhiệm xã hội cao.

NHCSXH đang là ngân hàng có độ bao phủ rộng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, đảm bảo cho khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng. NHCSXH hiện có 63 chi nhánh cấp tỉnh, 630 Phòng giao dịch cấp huyện, 10.962 Điểm giao dịch được mở tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn trong cả nước và 183.332 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, ấp, bản trên toàn quốc. Điểm giao dịch xã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người nghèo, tiết giảm chi phí giao dịch và thời gian đi lại của khách hàng. Ngoài ra, NHCSXH còn triển khai sản phẩm tiết kiệm dân cư tại Điểm giao dịch xã; sản phẩm đem lại sự tiện lợi cho khách hàng, đồng thời đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng về nông thôn.

Hoạt động tín dụng của NHCSXH đã đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống của người nông dân, thu hẹp chênh lệch thu nhập giữa các vùng và ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn; góp phần thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo về ý thức tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai. Tín dụng chính sách đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trong hơn 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH đã góp phần giúp trên 31,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn canh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 525 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trên 104 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL; trên 111 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...