05:23 15/05/2014

Chìa khóa giải quyết khủng hoảng Ukraine

Vùng Trentino Alto Adige, miền Bắc Italy, nơi đã thực hiện thành công thể chế tự chủ trong những năm 1970, có thể là một hình mẫu cho các khu vực phía đông và nam của Ukraine.

Vùng Trentino Alto Adige, miền Bắc Italy, nơi đã thực hiện thành công thể chế tự chủ trong những năm 1970, có thể là một hình mẫu cho các khu vực phía đông và nam của Ukraine.

 

Maurizio Martellini và Ewan Sirtori - hai chuyên gia phân tích tại Trung tâm An ninh quốc tế Insubria (ICIS), Đại học Insubria ở Como, Italy - cho rằng trong bối cảnh bạo lực leo thang ở miền Đông Nam Ukraine hiện nay, việc đưa ra một giải pháp là khả dĩ. Ở châu Âu, vùng Trentino Alto Adige, miền Bắc Italy là một ví dụ điển hình. Quá trình thực hiện thể chế tự chủ cho khu vực này, vốn được theo đuổi từ giữa những năm 1940 - 1970, hóa ra lại là một thành công chính trị mặc dù có nhiều mối quan ngại ban đầu cho rằng nó có thể là nguồn gốc của sự "giải thể" hay là một "điểm yếu" đối với Cộng hòa Italy. Kinh nghiệm từ Trentino Alto Adige có thể được áp dụng cho tình hình hiện nay ở Ukraine.

 

96% cử tri của tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine chọn lá phiếu ủng hộ quyền tự chủ lớn hơn cho khu vực này. Ảnh: AFP/TTXVN


Bài học quan trọng rút ra từ Trentino Alto Adige là: Mức độ tự chủ được phép của khu vực này không ảnh hưởng đến các quy định của pháp luật, an ninh quốc gia hoặc các thể chế, cơ chế kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, điều quan trọng là quá trình này phải được thực hiện thông qua cách tiếp cận cân bằng và chia sẻ.


Hiện nay, Ukraine đang đối mặt với một thách thức chính trị phức tạp, liên quan đến sự chia rẽ về bản sắc văn hóa và dân tộc trong nước. Nó gợi nhớ về tình hình tại Italy gần 40 năm trước.


Trong những tháng đầu của năm 2014, các cuộc xung đột chính trị Ukraine chuyển từ thủ đô Kiev, nơi mà các cuộc biểu tình và đụng độ bạo lực dẫn đến sự lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych, đến các khu vực biên giới nước này. Ở đông nam Ukraine, tại Donetsk, Luhansk, Kharkov và Odessa, những người biểu tình yêu cầu Kiev sửa đổi hiến pháp để được quyền tự chủ cao hơn và thực hiện liên bang hóa.


Trong bối cảnh này, có lý do hợp lý để tin rằng, chính phủ tạm quyền của Ukraine có cơ hội đảm bảo sự công bằng về các thể chế chính trị và xã hội đối với những người nói tiếng Nga ở nước này và tăng cường quyền tự chủ cho các địa phương thông qua những "bước đi cụ thể đầu tiên" trong thỏa thuận Geneva ngày 17/4 vừa qua.


Theo thỏa thuận trên, bản chất của một cuộc sửa đổi hiến pháp sẽ dựa trên cơ sở một "cuộc đối thoại quốc gia rộng lớn với sự tham gia của tất cả các khu vực và tổ chức chính trị ở Ukraine". Có thể một cuộc đối thoại như vậy sẽ có sự chồng lấn giữa tập trung quyền lực trung ương mạnh mẽ và phân chia quyền lực cho các khu vực khác nhau ở phía đông và tây Ukraine. Tuy nhiên, sự cần thiết của quá trình này là phải chuyển giao năng lực hành chính, kinh tế và pháp lý từ trung tâm về các khu vực ngoại vi.


Như vậy, các bước để xoa dịu khủng hoảng Ukraine chủ yếu dựa vào một sự thỏa hiệp cân bằng giữa quyền lực trung tâm và khu vực ngoại biên, được rút ra từ kinh nghiệm của Italy với khu vực Trentino Alto Adige.


Xét về mặt lịch sử, Trentino Alto Adige là nguyên nhân chính tạo ra xung đột giữa Italy và Áo cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2. Vấn đề đã được giải quyết vào năm 1971, khi hiệp ước Áo - Italy được ký kết, quy định rằng khu vực này sẽ nhận được quyền tự chủ lớn hơn ở Italy và Áo sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Trentino Alto Adige. Đồng thời nó cũng công nhận quyền bình đẳng cho mọi công dân bất chấp ngôn ngữ của họ, cho phép sự phân cấp cân bằng giữa thể chế hành chính, lập pháp, hành pháp và năng lực kinh tế giữa các khu vực. Kết quả là những căng thẳng đang leo thang tại Trentino Alto Adige lúc đó đã dịu bớt.


Quyền tự chủ này đã được tăng cường trong những thập kỷ tiếp theo và được vun đắp bởi các mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương thông qua quyền tự chủ về doanh thu tài chính cũng như sự tự do phát triển quan hệ thương mại đặc biệt với Áo. Đó chính là một bước cơ bản để xây dựng sự tự tin và phát triển kinh tế trong khi tận dụng sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa để phát triển mối quan hệ với bên ngoài. Với sự phát triển này, chủ nghĩa khủng bố dân tộc cực hữu được loại trừ và bất ổn xã hội đã được xoa dịu.


Cơ chế trên có thể được áp dụng đối với miền Đông Nam Ukraine, với phần lớn cộng đồng dân tộc nói tiếng Nga, trong khi vẫn bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Đông Âu này. Chính phủ tạm quyền Ukraine nên chấp nhận một một cuộc thảo luận mang tính xây dựng về sự phân cấp quyền lực chính trị và kinh tế thông qua một cuộc đối thoại rộng rãi, trung thực và phù hợp với sự đa dạng giữa các dân tộc thiểu số và ngôn ngữ quốc gia. Cách tiếp cận như vậy cùng với sự hỗ trợ của tất cả các bên liên quan sẽ là chìa khóa để thực hiện các cam kết quan trọng của Hiệp định Geneva ngày 17/4 và giảm leo thang xung đột ở Ukraine hiện nay, chuyên gia Maurizio Martellini và Ewan Sirtori đồng nhận định.


C.T(Theo R.D)