11:23 18/11/2011

“Chìa khóa” cho sự ổn định của nền kinh tế

Đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô, Việt Nam phải phối hợp chính sách tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo quốc tế “Chính sách tiền tệ phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong điều kiện kinh tế thế giới biến động”

Để đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô, Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo quốc tế “Chính sách tiền tệ phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong điều kiện kinh tế thế giới biến động” diễn ra sáng qua (18/11), tại Hà Nội, do Ngân hàng Phát triển châu Á ADB phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Học viện Ngân hàng tổ chức.

Đồng bộ chính sách tài khóa về tiền tệ

Theo các chuyên gia tại hội thảo, trong thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chưa thật sự nhịp nhàng. Ví dụ, nửa đầu năm 2008, chính sách tiền tệ thắt chặt được thực thi để kiềm chế lạm phát. Do đó, mức độ tăng cung tiền và tổng dư nợ tín dụng đều giảm. Nhưng, chi tiêu Chính phủ vẫn vượt dự toán 19% và bằng 31,75% GDP, thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2008 vẫn xấp xỉ 5% GDP, dư nợ Chính phủ (bao gồm cả nợ trái phiếu Chính phủ) bằng 33,5% GDP... nên lạm phát vẫn ở mức cao.
 
Tương tự, năm 2011 dự kiến tăng trưởng tín dụng và cung tiền chỉ là 12% và 12,5%, giảm mạnh so với mục tiêu 20% và 16%, nhưng thâm hụt ngân sách chỉ giảm từ 5,3% mục tiêu xuống 4,9%. Như vậy, mức độ thắt chặt của chính sách tài khóa thấp hơn nhiều so với chính sách tiền tệ.

Do vậy, “để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô thì yếu tố quan trọng chính là phối hợp chặt chẽ hơn chính sách tiền tệ với các chính sách vĩ mô”, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - ông Tomoyuki Kimura gợi ý.

Cùng quan điểm trên, ông Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng: “Để ổn định kinh tế vĩ mô thì việc sử dụng hiệu quả và đồng bộ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là cực kỳ quan trọng”.

Tái cấu trúc để ngân hàng phát triển bền vững

Một số chuyên gia tại hội nghị nhận định, Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, do vậy chỉ những ngân hàng đủ “sức khỏe” mới hoạt động kinh doanh an toàn. Do vậy, cần tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, lành mạnh thị trường thì mặt bằng lãi suất sẽ sớm được hạ xuống.

Theo TS Tô Kim Ngọc - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, tái cấu trúc gồm có mua lại, hỗ trợ, sáp nhập hoặc phá sản. Theo chủ trương của Chính phủ sẽ không có ngân hàng nào phá sản. Vì vậy, chúng ta sẽ sắp xếp lại hệ thống giúp các ngân hàng có đủ tiềm lực tài chính để phát triển. “Cụ thể là trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã hỗ trợ vốn cho một số ngân hàng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi để hỗ trợ các ngân hàng”.

Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thì phải sàng lọc lại về nợ xấu, dư nợ, tỷ lệ an toàn vốn... nhằm đảm bảo an toàn cho cả hệ thống. Bên cạnh đó, “sự hiểu biết của dân về sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng cũng chưa đầy đủ, do vậy, chủ trương cơ cấu lại hệ thống ngân hàng của Nhà nước sẽ được thận trọng”, bà Ngọc cho biết.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cấu trúc lại hệ thống ngân hàng. Thực tế giai đoạn năm 1999 - 2000, chúng ta đã từng tái cấu trúc ngành ngân hàng và người dân vẫn được đảm bảo quyền lợi.

Bên cạnh đó, TS Tô Kim Ngọc cho rằng, Việt Nam cần tổ chức lại thị trường ngân hàng theo nhiều phân khúc, làm cho hệ thống ngân hàng đồng đều và đa dạng, khai thác tối đa các yêu cầu dịch vụ tài chính của từng đối tượng khách hàng.

Thêm vào đó, ông TS Tô Ngọc Hưng cho rằng, Nhà nước cần giữ lạm phát thấp ít nhất trong vòng 6 tháng; hạn chế tình trạng thay đổi liên tục trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa... để ổn định lại kinh tế vĩ mô.

Hữu Vinh