11:15 27/11/2014

Chi trả dịch vụ môi trường rừng - Xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng

Sau hơn ba năm triển khai, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo lập nên một nền tài chính mới, ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, từng bước cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng...

Sau hơn ba năm triển khai, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo lập nên một nền tài chính mới, ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, từng bước cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc ở vùng miền núi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái...

Chủ trương hợp lòng dân

Hang Cáu là một trong 8 thôn của xã Vạn Xuân, huyện Trường Xuân, tỉnh Thanh Hóa và là thôn thuộc vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Hang Cáu được Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên giao khoán bảo vệ 1.063 ha rừng và được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Sau khi nhận được giao khoán rừng, Ban quản lý thôn bản đã phối hợp với Khu bảo tồn Xuân Liên giao nhận về ranh giới rừng cả trên bản đồ và ngoài thực địa, không có sự chồng chéo, trùng lặp. Thôn đã họp toàn thể cộng đồng, tuyên truyền sâu rộng đến dân cư trong thôn về chính sách chi trả DVMTR. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đồng thời cũng tăng cường sự tham gia của người dân trong thôn vào công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Người dân trong thôn thống nhất lựa chọn, bình bầu 15 người của 15 hộ tham gia tổ bảo vệ rừng của thôn (gọi tắt là tổ bảo lâm), có quy chế hoạt động rõ ràng. Hàng tháng, Tổ bảo lâm xây dựng kế hoạch tuần tra, báo cáo Trạm kiểm lâm Hón Can phê duyệt kế hoạch tuần tra, kiểm tra an ninh rừng.

Nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân đã tích cực tham gia nhận khoán bảo vệ rừng hơn.


Ông Lê Văn Hồng, Trưởng thôn Hang Cáu cho biết: “Khi xây dựng quy chế hoạt động cho tổ bảo lâm, chúng tôi đã phối hợp với Khu bảo tồn Xuân Liên, UBND xã Vạn Xuân để phát huy tối đa những điểm mạnh trong các hình thức quản lý rừng ở địa phương. Nghiên cứu sâu những luật tục, những thể chế truyền thống của cộng đồng trong QLBVR cộng đồng để có hướng lồng ghép với những quy định của pháp luật về QLBVR”.

Thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 và chủ trương xã hội hóa nghề rừng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2014 về chính sách chi trả DVMTR. Sau khi có Nghị định 99/CP, Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố thành lập Quỹ BV&PTR từ Trung ương đến địa phương để thực hiện chính sách. Đến nay đã có 40 tỉnh thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, 36 tỉnh thành lập Quỹ BV&PTR; trong đó 32 tỉnh đã ổn định tổ chức bộ máy đi vào hoạt động.

Cũng theo ông Hồng, sau khi được nghiệm thu thanh toán diện tích giao khoán, Ban quản lý thôn bản dành một phần kinh phí để chi trả thanh toán tiền công cho các thành viên tham gia tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, một phần để cho các mục đích chung của cộng đồng, một phần dùng mua các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng và phần còn lại làm quỹ dự phòng của thôn. Năm 2013, thôn Hang Cáu nhận 72 triệu đồng; trong đó đã chi trả công tuần tra cho tổ bảo lâm 48 triệu đồng, chi để sửa chữa nhà văn hóa thôn, làm cột ngăn cách khu chăn thả gia súc gắn với chương trình nông thôn mới 14 triệu đồng, chi quỹ dự phòng thưởng cho con em có thành tích học tập tốt 10 triệu đồng.

Theo những người dân thôn Hang Cáu thì mô hình giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn bản mà nhân dân nơi đây đang áp dụng là chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), gắn quyền lợi trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ rừng. Đời sống của người dân cũng nhờ đó được cải thiện, giảm các khoản đóng góp công, nhận thức BV&PTR được nâng cao, tạo tâm lý phấn khởi, động viên cộng đồng cùng tham gia. Bà con nhận thức được rằng, có tiền cho chi trả DVMTR cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng thôn bản sẽ phải QLBVR tốt hơn. Người dân bảo vệ rừng và được hưởng lợi ích từ chi trả các DVMTR, cũng đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng các dân tộc, miền núi ổn định đời sống, phát triển kinh tế và tạo động lực phát triển bền vững. Nhờ đó diện tích rừng được giao khoán cho cộng đồng thôn Hang Cáu bảo vệ có hiệu quả và được quản lý chặt chẽ, người dân trong thôn không tùy tiện vào rừng khai thác trái phép lâm sản phụ. Ngoài ra, việc bảo vệ rừng thôn bản cũng góp phần làm gia tăng tính cộng đồng, người dân trong thôn bản hiểu nhau hơn và có trách nhiệm trong QLBVR. Việc thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng trong thời gian qua đã duy trì ổn định, không có nạn chặt phá rừng trái phép, cháy rừng, các mục đích chung của cộng đồng đã có thêm nguồn lực thực hiện…

Tác động của chính sách


Thực tế cho thấy, cùng với các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, chính sách chi trả DVMTR đã phát huy tác dụng, có tác động tới công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giảm dần qua các năm. Chính sách đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lương rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích rừng trong các lưu vực có cung ứng DVMTR toàn quốc khoảng 4,1 triệu ha. Hàng năm nguồn tiền DVMTR đã giải ngân, chi trả cho các chủ rừng nhận giao, khoán bảo vệ rừng từ 2,8 - 3,37 triệu ha rừng/13,8 triệu ha rừng của cả nước (chiếm tỷ lệ 20 - 27%), góp phần nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng. Tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2013 giảm 19,42% so với năm 2010, tổng diện tích rừng bị phá năm 2013 giảm 59,55% so với năm 2010… Thu nhập từ chính sách chi trả DVMTR đã khuyến khích chủ rừng, người dân tham gia công tác phát triển rừng.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nếu như năm 2011, cả nước có gần 178.000 đối tượng là các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng DVMTR thì đến năm 2013 đã tăng lên trên 355.000 đối tượng. Riêng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng năm 2011 hơn 113.000 hộ thì đến năm 2013 đã tăng lên trên 236.000 hộ, trong đó trên 90% hộ gia đình, cá nhân là người đồng bào dân tộc. Mức độ tham gia của các chủ rừng, hộ gia đình, cộng đồng có xu hướng tăng nhanh, qua đó khẳng định sự kỳ vọng, tin tưởng vào lợi ích mà chính sách mang lại. Mức thu nhập chi trả DVMTR bình quân hàng năm trong cả nước của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 1,8 triệu đồng/hộ/năm.

Tại một số nơi, đơn giá chi trả bình quân cao hơn mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng (200.000 đồng/ha/năm), có nơi đạt từ 300.000 - 450.000 đồng/ha/năm. Các tỉnh có mức thu nhập bình quân của hộ gia đình cao như: Lâm Đồng trên 8 triệu đồng/hộ/năm, Bình Phước 7,2 triệu đồng/hộ/năm, Kon Tum 5,7 triệu đồng/hộ/năm, Hòa Bình 3,8 triệu đồng/hộ/năm, Lai Châu 2,4 triệu đồng/hộ/năm… Nhờ chính sách chi trả DVMTR mà thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng đã có những bước cải thiện rõ rệt.

Như vậy chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm trong công tác QLBVR của các chủ rừng, các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ rừng.

Bài và ảnh: Viết Tôn