04:08 19/04/2015

Chi tiền tỷ để bảo tồn, voi vẫn chết

Mặc dù đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng cho công tác bảo tồn đàn voi nhà và voi hoang dã nhưng hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắk vẫn đang “bất lực” nhìn đàn voi chết dần.

Mặc dù đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng cho công tác bảo tồn đàn voi nhà và voi hoang dã nhưng hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắk vẫn đang “bất lực” nhìn đàn voi chết dần.

Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2015, tại tỉnh Đắk Lắk đã có 5 con voi bị chết (4 voi nhà và 1 voi rừng) và 1 voi hoang dã bị thương do già yếu, bệnh tật, thiếu ăn và bị chém... Điều này lại dấy lên hồi chuông báo động về nguy cơ xóa sổ loài động vật quý hiếm này. 


Theo thống kê , hơn 30 năm qua số lượng voi rừng và voi nhà của tỉnh Đắk Lắk suy giảm rất nhanh. Đối với voi rừng, năm 1980 có trên 550 con thì hiện nay toàn tỉnh chỉ còn khoảng 5 đàn, với số lượng 60-65 cá thể. Từ năm 2009 đến nay đã có khoảng 20 con voi rừng bị chết. Đàn voi nhà cũng đã giảm từ 502 con (năm 1980) xuống còn 43 con hiện nay.


Nguyên nhân dẫn đến đàn voi hoang dã và đàn voi rừng giảm nhanh chóng cả về chất lượng thể chất và số lượng là do không gian sinh tồn của loài động vật này bị thu hẹp do nạn phá rừng lấy đất sản xuất, lấy gỗ, chuyển đổi rừng sang các mục đích khác. Cùng với đó là nạn săn bắn voi rừng trái phép để lấy các sản phẩm như ngà, lông đuôi, đế chân…Các đàn voi nhà cũng có nhiều nguyên nhân như: đã lớn tuổi, phục vụ quá sức nhưng không được chăm sóc, ăn uống đầy đủ nên ốm và đói mà chết; bị các đối tượng xấu chém chết… 


Ngày 19/2, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk phối hợp với địa phương đã cứu hộ một cá thể voi giống đực, nặng khoảng 500kg bị cụt một bàn chân trước và sứt một phần vòi do nghi dính bẫy của người dân. Ảnh: Dương Giang/TTXVN


Đứng trước nguy cơ xóa sổ đàn voi, năm 2011, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk ( thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Đến năm 2013, tỉnh Đắk Lắk cũng đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí 85 tỷ đồng (thay cho “Dự án Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2010 – 2015 với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng). Dự án này nhằm mục tiêu quản lý bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục và bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người; đồng thời tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất từ voi... Tuy là khẩn cấp bảo tồn nhưng đến thời điểm này, dự án triển khai rất “ì ạch” và chưa phát huy hiệu quả do còn gặp nhiều khó khăn. 


Ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết: Voi nhà thuộc quyền sở hữu của các gia đình nên họ tùy ý chăm sóc, khai thác sức khỏe của voi. Hiện nay, Trung tâm chỉ có thể mời họ lên tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và phát thuốc. Trong khi đó, khả năng nhân đàn dường như không thể xảy ra do phần lớn voi nhà đã lớn tuổi (trên 35 tuổi), không có môi trường cho voi giao phối. Trong 30 năm qua chưa thấy voi nhà nào sinh sản. Đàn v oi rừng chịu áp lực của tình trạng phá rừng làm nương rẫy, không gian sinh tồn đang ngày càng bị thu hẹp; nạn săn bắt trái phép để lấy ngà diễn ra ngày một phổ biến đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sự sống còn của đàn voi. 


Khó khăn khác dẫn đến việc bảo tồn voi chưa hiệu quả còn là do thiếu kinh phí; chậm được cấp đất để xây dựng khu chăn thả, bệnh viện voi; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn còn yếu và thiếu. Những năm qua, kinh phí cho công tác bảo tồn loài voi còn cấp theo kiểu “nhỏ giọt”, chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên, chưa đủ để đầu tư trang thiết bị và hạ tầng cơ sở dự án. 


Đến đầu năm 2015, Trung tâm mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp 10 tỷ đồng và được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 200 héc ta đất rừng khộp tái sinh ở Tiểu khu 462, thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) để thực hiện công tác bảo tồn. Tuy nhiên theo ông Luân, Trung tâm cần ít nhất 3 năm nữa để xây dựng và hoàn thiện các hạng mục như bệnh viện voi, khu chăn thả... Như vậy, thời gian tới, khi phát hiện voi ốm hoặc gặp nạn, nếu không nhờ được các chuyên gia và máy móc nước ngoài thì công tác cứu chữa, điều trị chỉ có thể thực hiện bằng phương pháp thủ công, kém hiệu quả và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của voi… 


Bảo tồn voi không chỉ là bảo vệ nguồn gen động vật hoang dã quý hiếm mà còn là bảo tồn một biểu tượng văn hóa của vùng đất Tây Nguyên. Nếu các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk không nhanh chóng có những biện pháp hữu hiệu để thực hiện có hiệu quả hơn nữa thì đàn voi cũng sẽ sớm bị xóa sổ.



Anh Dũng (TTXVN)