Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ra đời ngày 12/3/1945, là văn kiện chỉ đạo chiến lược đặc biệt quan trọng, thể hiện tầm cao tư duy và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng ta trong thời khắc bước ngoặt.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện Chỉ thị, một cao trào cách mạng đã xuất hiện ở nhiều nơi; khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh được thành lập kêu gọi đồng bào dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Việt Minh hãy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Trong ảnh: Nhân dân ở nhiều địa phương nổi dậy đánh chiếm kho thóc Nhật để cứu đói. Ảnh: TTXVN
Từ văn kiện này, cách mạng Việt Nam được chuyển từ thế chuẩn bị sang hành động, đặt nền tảng trực tiếp cho cao trào khởi nghĩa và đi đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945 - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Bối cảnh ra đời Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”
Đầu năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển lớn. Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Phát xít Đức và Nhật liên tiếp thất bại. Tại châu Á, Nhật bị thất thế, quân Anh - Mỹ chuẩn bị phản công trên diện rộng. Sau khi Nhật vào Đông Dương, để tiến hành quá trình xâm lược của mình, Nhật đã bắt tay với thực dân Pháp tiến hành đàn áp phong trào cách mạng ở Việt Nam. Tuy nhiên mâu thuẫn về quyền lợi giữa chúng ngày càng gia tăng, dẫn đến nguy cơ nổ ra xung đột ngày càng cao.
Từ rất sớm, Đảng ta đã phân tích chính xác mâu thuẫn giữa các thế lực và nhận định phát xít Nhật sẽ đảo chính hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương, từ đó vạch ra kế hoạch hành động khi xuất hiện tình hình mới. Vấn đề về cuộc đảo chính của phát xít Nhật luôn được đề cập trong những cuộc họp, tài liệu tuyên truyền của Đảng đầu năm 1945 để đưa ra định hướng cho công tác chuẩn bị của phong trào cách mạng cho thời điểm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật bất ngờ tiến hành đảo chính, lật đổ bộ máy cai trị của thực dân Pháp tại Đông Dương, tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh, Hội nghị Thường vụ mở rộng đã khai mạc tại chùa Đồng Kỵ, sau đó họp tiếp tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh).
Sau hội nghị, đồng chí Trường Chinh về ngay cơ sở ở Viên Nội (Đông Anh) trong An toàn khu Trung ương để hoàn chỉnh bản Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Đó chính là Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, được ban hành ngày 12/3/1945.
Chỉ thị đánh giá ngắn gọn, chính xác bản chất tình hình mới: “Phát xít Nhật thay Pháp làm chủ Đông Dương, tước hết quyền lợi của Pháp ở Đông Dương… nhưng quyền lợi dân tộc Đông Dương thì vẫn bị chà đạp, và Nhật là kẻ thù chính của các dân tộc Đông Dương”.
Quan điểm này thể hiện lập trường kiên định, độc lập, sáng suốt của Đảng: xác định đúng kẻ thù, quyết tâm giành độc lập thực sự cho dân tộc. Đó chính là cơ sở tư tưởng vững chắc để chuyển cách mạng sang một thời kỳ mới - thời kỳ hành động cách mạng quyết liệt hơn.
Chuyển hướng toàn diện về chiến lược cách mạng
Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Cách mạng tháng Tám là một bài học lịch sử, mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Ảnh: TTXVN
Chỉ thị thể hiện rõ quyết định chuyển hướng toàn diện về chiến lược cách mạng: từ giai đoạn tiền khởi nghĩa sang khởi nghĩa từng phần, nhằm chuẩn bị lực lượng và tinh thần cho tổng khởi nghĩa. Đảng xác định rõ: “Cuộc đảo chính Nhật - Pháp đã tạo ra một khủng hoảng chính trị sâu sắc, đẩy điều kiện khởi nghĩa tới độ chín muồi nhanh chóng”.
Khẩu hiệu hành động được chuyển đổi kịp thời: Từ “Đánh đuổi Nhật, Pháp” sang “Đánh đuổi phát xít Nhật”; từ “Lật đổ chính quyền tay sai” sang “thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân Đông Dương”.
Không chỉ nêu lên tư tưởng hành động, Chỉ thị còn đưa ra hệ thống biện pháp tổ chức cụ thể: Phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước. Thống nhất các chiến khu, thành lập Việt Nam Giải phóng quân. Thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng ở những nơi có điều kiện. Phát động chiến tranh du kích ở vùng căn cứ, sẵn sàng chuyển sang tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.
Phương châm của cách mạng cũng được Tổng Bí thư Trường Chinh xác định rõ trong Chỉ thị: không được trông chờ vào điều kiện khách quan, mà phải luôn giữ quyền chủ động trong các cuộc tác chiến. Ngay từ bây giờ phát động du kích chiếm căn cứ địa, duy trì và mở rộng chiến tranh du kích là phương pháp duy nhất để chủ động trong việc đánh đuổi quân Nhật ra khỏi đất nước. Chính tinh thần chủ động, quyết đoán đó đã giúp toàn Đảng, toàn dân luôn trong tâm thế sẵn sàng “chớp thời cơ”.
Bên cạnh đó, Đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, cổ vũ tinh thần làm chủ của Nhân dân. Phong trào phá kho thóc của Nhật cứu đói lan rộng ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ không chỉ là hành động nhân đạo, mà còn thể hiện bản chất cách mạng nhân dân, tạo thêm uy tín cho Việt Minh trước Nhân dân cả nước.
Chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa sôi động. Nhiều địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Thái Nguyên... đã khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh. Các cuộc khởi nghĩa này chính là “cuộc tổng diễn tập” lớn cuối cùng trước khi bước vào tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Ngày 15/8/1945, khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, thời cơ lịch sử đã đến. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng (13 - 15/8) và Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (16/8) đã quyết định tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Trong thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ”. (1)
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy. Nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại nổ ra đúng lúc, đúng thời cơ, Cách mạng Tháng Tám đã nhanh chóng giành được thắng lợi. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên độc lập và tự do.
Ý nghĩa và giá trị lịch sử của Chỉ thị
Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” không chỉ là một văn bản phản ứng nhanh với thời sự, mà là một quyết định chiến lược có chiều sâu lý luận và thực tiễn, mang tính điều phối tổng thể cho toàn bộ phong trào cách mạng.
Trước hết, Chỉ thị thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, tư duy độc lập và nhạy bén của Đảng - không dao động trước thay đổi bất ngờ của cục diện quốc tế, khu vực. Đảng đã kiên định mục tiêu, linh hoạt chiến thuật, giữ vững vai trò tiên phong trong dẫn dắt cách mạng.
Thứ hai, Chỉ thị mở ra hướng đi mới cho phong trào cách mạng: hành động ngay, khởi nghĩa từng phần, lấy đấu tranh thực tiễn để tạo thế, lực và thời cơ. Đây là tư duy hành động sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam - không máy móc rập khuôn kinh nghiệm bên ngoài.
Đặc biệt, Chỉ thị đã tạo ra sự chuyển biến đồng loạt trong cả hệ thống cách mạng - từ tư tưởng đến tổ chức, từ nhận thức đến hành động. Đó chính là đòn bẩy dẫn đến thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng Tháng Tám - thắng lợi của một dân tộc biết chớp thời cơ, biết huy động sức mạnh toàn dân và có một Đảng lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh, tiên phong.
Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” là bước chuyển có tính quyết định, thể hiện bản lĩnh lãnh đạo, tư duy chiến lược và sự chủ động của Đảng. Đảng đã sớm dự báo diễn biến tình hình, chuẩn bị kỹ về tư tưởng, tổ chức và lực lượng, để khi thời cơ đến ra quyết định đúng lúc, làm nên bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Bài học từ lịch sử ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với Đảng và dân tộc ta. Đó là bài học: biết nhìn xa, trông rộng, quyết đoán và đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, đồng thời phát huy sức mạnh của toàn dân - chính là cội nguồn của mọi thắng lợi.
***
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 596