Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy lực mua chiếm ưu thế trong tuần giao dịch vừa qua (14-20/7). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 0,8% lên 2.248 điểm, nối dài đà tăng sang tuần thứ hai liên tiếp. Hai mặt hàng cà phê tiếp tục gây chú ý cho các nhà đầu tư khi bất ngờ tăng vọt khi vị thế mua ròng từ các quỹ đầu cơ gia tăng trước ngày mức thuế suất 50% áp cho hàng hóa Brazil có hiệu lực. Ở chiều ngược lại, mặt hàng dầu thô đã rơi khỏi ngưỡng 70 USD/thùng.
Dự báo sản lượng xuất khẩu giảm hỗ trợ giá cà phê
Khép lại tuần giao dịch vừa qua, thị trường nguyên liệu công nghiệp chứng kiến lực mua áp đảo với 8 trên 9 mặt hàng. Trong đó, giá cà phê Arabica tăng vọt gần 6%, lên mức 6.693 USD/tấn, giá cà phê Robusta cũng ghi nhận mức tăng hơn 4% lên mức 3.348 USD/tấn.
Theo MXV, tồn kho ở mức thấp đã khiến triển vọng xuất khẩu cà phê của Brazil trong niên vụ 2025–2026 đối mặt với nhiều thách thức. Theo ước tính, sản lượng xuất khẩu quốc gia này có thể chỉ đạt từ 34 đến 41,4 triệu bao, giảm mạnh từ 8,75% đến 25% so với mức 45,59 triệu bao của niên vụ trước
Bên cạnh đó, tuần qua ghi nhận sự gia tăng mạnh vị thế mua ròng của các quỹ đầu cơ trên thị trường phái sinh cà phê Arabica, với mức tăng 8,75% đạt 21.809 hợp đồng. Diễn biến này đã góp phần quan trọng thúc đẩy giá cà phê Arabica phục hồi đáng kể trong tuần.
Trong khi đó, tình hình sản xuất tại Brazil vẫn đang diễn ra thuận lợi. Theo Safras & Mercado, tính đến ngày 16/7, Brazil đã hoàn thành 77% vụ thu hoạch cà phê cho niên vụ 2025–2026, tăng so với mức 74% cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết khô ráo đã tạo điều kiện thuận lợi giúp tiến độ thu hoạch tăng tốc và vượt trước so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, mức thuế quan mới từ Mỹ cũng khiến cà phê Brazil gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này. Hiện tại, đã qua một tuần kể từ khi chính phủ Trump công bố sẽ áp thuế 50% đối với tất cả hàng xuất khẩu của Brazil vào Mỹ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/8 tới, tuy nhiên, các cuộc đối thoại cấp cao giữa hai nước đến nay vẫn chưa được tổ chức. Trong lĩnh vực cà phê, nếu mức thuế này được kích hoạt, xuất khẩu cà phê của Brazil sang Mỹ – quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới và cũng là nhà nhập khẩu lớn nhất từ Brazil – sẽ đối diện rủi ro nghiêm trọng.
Việc áp thuế nặng lên cà phê Brazil có nguy cơ làm xáo trộn sâu sắc thị trường quốc tế, bởi nguồn cung thay thế khối lượng lớn hàng xuất xứ Brazil hiện gần như không khả thi. Năm 2024, Mỹ tiêu thụ khoảng 24 triệu bao cà phê 60 kg, trong đó có 8,1 triệu bao nhập khẩu trực tiếp từ Brazil.
Một nghiên cứu từ Hiệp hội cà phê Quốc gia Mỹ (NCA) – cơ quan đại diện cho các công ty chế biến và buôn bán cà phê Mỹ đã chỉ ra rằng 76% người Mỹ uống cà phê, và mỗi 1 USD cà phê xanh nhập khẩu mang lại 43 USD cho nền kinh tế Mỹ, đóng góp 343 tỷ USD và tạo ra 2,2 triệu việc làm tại Mỹ. cà phê Brazil mang lại nhiều giá trị cho Mỹ, do đó việc áp thuế sẽ tạo ra một áp lực lớn trên thị trường.
Về thời tiết, World Weather Service cho biết, đầu tuần này một số mô hình dự báo thời tiết bằng máy tính đã cho thấy thời tiết lạnh hơn có thể xảy ra vào cuối tháng 7 tại một số khu vực trồng cà phê ở Brazil. Tuy nhiên, các dự báo hiện tại đều khẳng định mức nhiệt sẽ không giảm sâu đến ngưỡng gây rủi ro cho cây trồng. Dù vẫn có khả năng xuất hiện đợt lạnh nhẹ vào cuối tháng, các chuyên gia nhận định điều kiện thời tiết nhìn chung sẽ ổn định và không gây ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất cà phê.
MXV cho rằng trong tuần này, giá cà phê thế giới kéo theo là giá cà phê trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh và có chiều hướng tăng vào các phiên đầu tuần do tâm lý tích trữ gia tăng tại Mỹ trước ngày thuế đối ứng có hiệu lực. Tùy thuộc vào diễn biến thuế quan và nguồn cung tại Brazil, giá cà phê sẽ tiếp đà tăng hoặc đảo chiều suy yếu vào cuối tuần.
Giá dầu rơi khỏi ngưỡng 70 USD/thùng
Theo ghi nhận từ MXV, thị trường năng lượng tuần vừa qua ghi nhận những diễn biến phân hóa rõ nét. Kết thúc tuần giao dịch, giá dầu Brent đã lại rơi khỏi ngưỡng 70 USD/thùng, dừng ở mốc 69,28 USD/thùng, tương ứng với mức giảm tuần 1,53%. Tương tự, giá dầu WTI cũng ghi nhận mức giảm tuần khoảng 1,62%, xuống mốc 67,34 USD/thùng.
Những lo ngại về biến động địa chính trị đã quay trở lại thị trường năng lượng toàn cầu. Trong ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phát biểu về việc tái hỗ trợ Ukraine, đồng thời sẽ có những biện pháp trừng phạt áp dụng lên các nước có giao thương với Nga nếu nước này và Ukraine không tiến được một thỏa thuận mới trong vòng 50 ngày tới. Dù trên thị trường ban đầu xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng các biện pháp này có hiệu lực ngay tức thì, song thực tế động thái này đã làm phức tạp thêm tình hình chính trị tại Đông Âu. Ngoài ra, tình hình tại Trung Đông cũng đang nóng trở lại, nổi bật là sự leo thang căng thẳng trong mối quan hệ giữa Israel và Syria.
Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang chịu áp lực lớn từ hai yếu tố khác là tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu do các chính sách thuế quan từ Nhà Trắng cũng như viễn cảnh dư thừa nguồn cung trong phần còn lại của năm nay. Hiện nhu cầu dầu thô toàn cầu vẫn đang được hỗ trợ nhờ vào tình hình sức khỏe của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khả quan hơn nhiều dự báo trên thị trường; tuy nhiên, thị trường vẫn đang theo dõi động thái mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với khả năng cắt giảm mức lãi suất cơ bản cao ở ngưỡng 4,25-4,5% là không cao.
Trước diễn biến giá dầu thô thế giới có xu hướng giảm, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo hướng tương ứng. Tại kỳ điều chỉnh ngày 17/7, có bốn trong số năm mặt hàng được điều chỉnh giảm giá, trong đó xăng E5 RON92 ghi nhận mức giảm cao nhất, khoảng 0,91%; duy chỉ có dầu hỏa là tăng giá. Đồng thời, Liên Bộ tiếp tục không thực hiện trích lập cũng như không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng vẫn duy trì mức chênh lệch hợp lý giữa giá xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 nhằm thúc đẩy tiêu dùng nhiên liệu sinh học, phù hợp với định hướng của Chính phủ.
Ở chiều ngược lại, giá khí tự nhiên trên sàn NYMEX đã tăng tới 7,57% so với chốt phiên tuần trước đó, lên mốc 3,57 USD/MMBtu, mốc cao nhất kể từ đầu tháng 7 cho tới nay. Mặc cho ảnh hưởng từ tồn kho khí tự nhiên tại Mỹ tiếp tục tăng, giá khí tự nhiên tại Mỹ vẫn tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao của người dân trong bối cảnh tình hình nắng nóng tại Mỹ quay trở lại.
Trong báo cáo hàng tuần được công bố vào ngày 16/7, Viện Điện Edison cho biết tổng sản lượng điện của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 12/7 đạt 98.133 GWh, tăng +1,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng sản lượng kể từ 52 tuần trước đó đã tăng +2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 4.248.982 GWh. Đây là tín hiệu tích cực cho nhu cầu khí đốt tự nhiên của các nhà máy điện.