08:14 24/08/2016

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng 0,1%

Lạm phát chung và lạm phát cơ bản tháng 8 khá sát với nhau, thể hiện chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2016 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,58% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,91%. 

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm tăng, đứng đầu là thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,18%; giáo dục tăng 0,47%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%;đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%. 

Khách hàng lựa chọn mua vải thiều tại siêu thị Co.op mart Đinh Tiên Hoàng (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Có 5 nhóm hàng giảm là giao thông giảm 1,97%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; bưu chính viễn thông giảm 0,03% và nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,02%. 

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân tăng giá của các mặt hàng có mức cao như giá dịch vụ y tế là do điều chỉnh tăng theo bước 2 (bao gồm chi phí tiền lương) của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, ở 16 địa phương, nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 8,12%, làm cho CPI tăng khoảng 0,28%. Cùng với đó là một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ. Và cuối cùng là do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng làm cho giá nước sinh hoạt tăng 0,16%, giá điện sinh hoạt tăng 0,18%. 

Vẫn theo Tổng cục Thống kê, bình quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 1,91%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) khá sát với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
XH