10:11 24/10/2011

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,36%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười chỉ tăng 0,36% so với tháng Chín, thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI cùng kỳ năm 2010 (1,1%) nhưng CPI mười tháng qua lại tăng 17,05% so với tháng 12/2010, đặt ra thách thức lớn với quyết tâm của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát năm 2011 ở mức 18%.


Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười chỉ tăng 0,36% so với tháng Chín, thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI cùng kỳ năm 2010 (1,1%) nhưng CPI mười tháng qua lại tăng 17,05% so với tháng 12/2010, đặt ra thách thức lớn với quyết tâm của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát năm 2011 ở mức 18%.


*CPI dịu lại nhờ thực phẩm giảm mạnh


Số liệu Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 24/10 cho thấy: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng Mười tăng 0,36% so với tháng Chín, tăng 21,59% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17,05% so với tháng 12/2010. Với mức tăng như vậy, CPI bình quân mười tháng qua tăng 18,5% so với cùng kỳ 2010.


CPI tháng 10 tăng 0,36%


CPI tháng 10 tăng ở 8/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,06%-3,2%; trong đó dấu hiệu đáng mừng nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất và có ảnh hưởng lớn nhất tới CPI tiếp tục giảm sâu từ mức 0,28% (tháng Chín) xuống còn 0,06% (mức thấp nhất trong nhiều năm lại đây) do giá thực phẩm tươi sống và chế biến cùng tiếp tục giảm mạnh.


Tháng Mười, giá thịt lợn đã giảm 2,94%, thịt gia cầm giảm 2,69% do có sự bù đắp lớn từ nguồn cung chăn nuôi trong nước và thịt nhập khẩu. Thủy hải sản cũng giảm giá rõ rệt khi nguồn cung dồi dào nhờ mùa nước nổi của đồng bằng Sông Cửu Long.


Cùng với những tín hiệu vui này, Rổ hàng hóa chung đã có sự cải thiện rõ rệt khi có tới 3 nhóm hàng hóa là nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông, bưu chính viễn thông giảm giá; 7 nhóm hàng hóa có mức tăng dưới 1% và duy chỉ có nhóm giáo dục là tăng 3,2%.


Đặc biệt, chiếm tỷ trọng lớn trong CPI chung cả nước, việc CPI của hai “đầu tàu” kinh tế quan trọng của cả nước là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 10 chỉ tăng thấp (Hà Nội tăng 0,13%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,18%) nên giống như “phanh hãm” chặn đà tăng CPI của cả nước.


* Tiềm ẩn yếu tố tăng giá

Mặc dù nhóm giáo dục đã tăng chậm lại với mức 3,2% so với mức kỷ lục 8,62% của tháng Chín những đây vẫn là mức tăng lớn-là tác nhân quan trọng đẩy CPI chung tăng lên gần 0,2%. Bên cạnh đó, mặc dù miền Bắc chuẩn bị thu hoạch vụ hè thu nhưng do tình hình lũ lụt hoành hành, trong khi nhu cầu thu mua để chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng cao, giá lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng thêm từ 50-100 đồng/kg.


Hiện giá lúa gao được thương lái thu mua tại Tiền Giang đang nhích lên từng tuần, từ mức khoảng 7.500 đồng/kg (ngày 14/10) lên mức 7.600 đồng/kg hiện nay. Không chỉ lúa tăng giá, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm tại thị trường Tiền Giang hiện cũng tăng nhẹ từ 50-100 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm tiếp tục nhích thêm 50 - 100 đồng/kg, lên mức giá 12.000 - 12.100 đồng/kg đối với gạo 5% tấm, 11.300 - 11.400 đồng/kg đối với gạo 15% tấm và gạo 25% tấm là 10.850 - 10.950 đồng/kg.


Cùng với diễn biến lũ lụt khó đoán định, hai tháng cuối năm thường là những tháng có mức tăng giá tiêu dùng mạnh bởi quy luật tiêu dùng “nóng”, nhất là năm nay, Tết Nguyên đán lại rơi vào tháng 1/2012. Vì vậy, giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ có cơ hội tăng mạnh khi cung không đủ cầu hoặc cung có nhưng bị tắc nghẽn không lưu thông được tới được các địa bàn trọng yếu do bão lụt, vận tải…


Thách thức trong hai tháng còn lại của năm khá lớn bởi sự rình rập tăng giá của nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa chung là lương thực thực phẩm trước những diễn biến phức tạp của thiên tai cũng như xu hướng tăng dự trữ lương thực của nhiều nước trong khu vực.


Để kiềm chế lạm phát năm 2011 ở mức khoảng trên dưới 18% và kéo dần lạm phát xuống mức một con số trong năm 2012 và các năm tiếp theo, 6 nhóm giải pháp lớn được Chính phủ đề ra cần phải thực hiện quyết liệt, kiên định.


Đó là: Thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ; tăng cường công tác quản lý giá cả phù hợp với cơ chế thị trường; thực hiện quản lý nhà nước về giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ độc quyền phù hợp với cơ chế thị trường và nguyên tắc của hội nhập kinh tế quốc tế bằng các biện pháp giám sát thị trường, kiểm soát chi phí, áp thuế; tái cơ cấu nền kinh tế gắn bó chặt chẽ với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo động lực từ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình thế giới, khắc phục triệt để nguyên nhân lạm phát do yếu tố tâm lý. Bên cạnh đó, với diễn biến bão lụt, thiên tai rất phức tạp trong khu vực, trên thế giới và ngay tại Việt Nam khiến sản xuất lúa gạo bị ảnh hưởng lớn, Chính phủ cần tính toán các kịch bản xuất khẩu gạo, không nên xuất khẩu ồ ạt, sau khi Thái Lan tuyên bố nhường vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới cho Việt Nam và thực hiện chính sách nâng đỡ giá lúa gạo trong nước tăng đột biến.


Theo ông Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu khối lượng gạo nhiều nhất thế giới chưa chắc mang lại nhiều lợi ích hơn bởi Việt Nam chưa có bất kỳ chiến lược nào dành cho sự thay đổi lớn này.


Thực tế những năm gần đây cho thấy, với vị trí là loại lương thực thiết yếu của dân Việt Nam và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa tiêu dùng, xuất khẩu gạo ồ ạt sẽ kéo theo những hệ lụy tăng giá khó kiểm soát đối với giá gạo trong nước.


Vụ trưởng Vụ giá TCTK Nguyễn Đức Thắng cho biết: Dãy số liệu từ năm 2000 lại đây (loại trừ năm bất thường 2008), mức độ tăng bình quân của CPI trong hai tháng cuối năm thường ở mức dao động từ mức thấp nhất là 0,6% (năm 2002) đến mức cao nhất 3,85% (năm 2010). Do vậy, mục tiêu kiềm chế CPI cả năm 2011 ở mức 18% sẽ khá mong manh./.



Nguyễn Kim Anh