05:12 05/05/2025
Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 của thành phố tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,14% so với tháng 12/2024 và tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2024.
Người dân mua sắm tại siêu thị Go Thăng Long (Trần Duy Hưng, Hà Nội). Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Trong tháng 4, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 1,01%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào CPI chung. Giá thuê nhà và vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng lần lượt 0,93% và 1,1%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,1%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09%; thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,08%; văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,07%; giáo dục tăng nhẹ 0,01%. Ngược lại, ba nhóm hàng giảm giá là giao thông giảm 1,05%, bưu chính viễn thông và thuốc - dịch vụ y tế cùng giảm 0,02%.
Xét bình quân 4 tháng đầu năm, 8 nhóm hàng hóa có CPI tăng, trong đó đáng chú ý là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 17,92%, tác động làm tăng CPI chung 0,91%. Việc tăng giá này xuất phát từ Nghị quyết 45/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập từ ngày 10/12/2024. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,88%, tác động CPI chung 1,4%. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 3,95%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,84%. Ngoài ra, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,15% do giá trang sức và dịch vụ bảo hiểm y tế tăng mạnh. Có ba nhóm giảm giá: giáo dục giảm 5,15%, giao thông giảm 3,21% và bưu chính viễn thông giảm 0,84%.
Bên cạnh đó, chỉ số giá vàng tháng 4 tăng mạnh 12,07% so với tháng trước, tăng 26,67% so với cuối năm 2024 và tăng tới 46,35% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân 4 tháng, giá vàng tăng 40,23%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4 tăng 1,13% so với tháng trước, tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước.
Trước diễn biến trên, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị Hà Nội thực hiện một số giải pháp để kiểm soát CPI trong thời gian tới. Thành phố tăng cường giám sát giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm, xăng dầu, thuốc và dịch vụ y tế. Đồng thời, việc cân đối nguồn cung hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm như mùa hè, tựu trường hay lễ, Tết, cần được triển khai chặt chẽ. Thành phố Hà Nội cũng thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng dự trữ hàng hóa để hạn chế tác động từ nhập khẩu và biến động tỷ giá. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp tục được điều hành linh hoạt, có sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành nhằm ổn định mặt bằng giá.
Những biện pháp đồng bộ, kịp thời sẽ góp phần kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
|