05:12 03/05/2020

Chỉ số giá tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh giảm 1,58%

Theo Cục Thống kê Tp.Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 của thành phố giảm 1,58% so với tháng trước; giảm 1,04% so với tháng 12/2019 và tăng 2,33% so với cùng kỳ năm 2019.

Chú thích ảnh
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang khi mua hàng tại siêu thị Co.op mart Nhiêu Lộc Thị Nghè. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Cụ thể, có 4/11 nhóm giảm so tháng trước gồm: nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (giảm 0,11%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (giảm 1,22%); nhóm giao thông (giảm 15,52%) và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,26%).
 
Bốn nhóm hàng tăng so tháng trước gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,65%), nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,18%), nhóm bưu chính viễn thông (tăng 0,01%), nhóm hàng hóa, dịch vụ khác (tăng 0,14%). Các nhóm còn lại không đổi so với tháng trước.
 
Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có nhóm lương thực tăng 1,76% tập trung vào 2 nhóm là gạo (gạo tẻ thường tăng 2,21%, gạo tẻ ngon tăng 1,62%, gạo nếp tăng 0,64%) và lương thực chế biến (mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 1,45%). Nhóm thực phẩm  tăng 0,9% so với tháng trước; trong đó các nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 2,53%; thịt gia cầm tươi sống tăng 1,52%; thịt chế biến tăng 0,75%; trứng tăng 0,44%; dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 0,22%; thủy sản chế biến tăng 3,65%...
 
Ở chiều giảm, đáng chú ý là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm 1,22% so với tháng trước. Giá nước sinh hoạt tăng 0,92% do bước vào mua nắng nóng; giá nhà ở thuê giảm 0,05% do việc giảm giá hỗ trợ khó khăn trong dịch COVID-19; vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,35%; giá điện sinh hoạt tăng 1,30%. Giá gas giảm 20,96%; giá dầu hỏa giàm 30,44%, còn lại các mặt hàng khác không biến động.
 
Ở nhóm giao thông giảm 15,52% so với tháng trước, chủ yếu do thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch vụ giao thông công cộng tạm dừng hoạt động. Đồng thời, chỉ số giá của nhóm giảm do còn chịu tác động của 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 29/3 và ngày 13/4 với giá xăng, dầu diezel giảm mạnh 28,53% so với tháng trước.
 
Về chỉ số giá vàng và USD trong tháng 4/2020 cũng ghi nhận chiều hướng tăng. Chỉ số giá vàng tăng 2,26% so với tháng trước; tăng 15,59% so với tháng 12/2019; tăng 31,24% so với cùng kỳ năm 2019 và bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 24,02% so với năm 2019. Chỉ số giá USD tăng 0,17% so với tháng trước; tăng 1,65% so với tháng 12/2019; tăng 1,53% so với cùng kỳ năm 2019 và bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 0,75% so với năm 2019.

H.Tuấn (TTXVN)