07:20 25/07/2013

Chi phí điều trị bệnh thần kinh tăng cao tại Anh

Các nhà khoa học Anh vừa lên tiếng cảnh báo nếu không tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, ngành y tế sẽ phải gánh chịu những chi phí khổng lồ khi đối phó với các bệnh liên quan đến thần kinh như chứng mất trí nhớ, bệnh trầm cảm và nghiện ngập.

Các nhà khoa học Anh vừa cảnh báo nếu không tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, ngành y tế sẽ phải gánh chịu những chi phí khổng lồ khi đối phó với các bệnh liên quan đến thần kinh như chứng mất trí nhớ, bệnh trầm cảm và nghiện ngập.

Số bệnh nhân mắc các chứng bệnh tâm thần ở Anh đang có dấu hiệu tăng. Ảnh: Internet


Theo kết quả một nghiên cứu công bố trên tạp chí "Dược lý học thần kinh" của Anh, mỗi năm chi phí điều trị các bệnh rối loạn thần kinh riêng ở nước này đã tiêu tốn hơn 112 tỉ bảng Anh (172 tỉ USD). Các nhà khoa học cho rằng cần phải đầu tư tài chính vào nghiên cứu các bệnh thần kinh ngang với đầu tư nghiên cứu các bệnh ung thư hay tim mạch, có như vậy mới có thể giảm được được gánh nặng nói trên.

Giáo sư Barbara Sahakian thuộc Đại học Cambridge, đồng thời là Chủ tịch Hội Dược lý học thần kinh của Anh, cho biết không có nhóm bệnh kinh niên nào trên thế giới cần mức chi phí chữa trị cao như các bệnh thần kinh. Có tới 30% người trưởng thành mắc các bệnh rối loạn tâm thần hàng năm và số người già mắc các bệnh này còn chiếm tỷ lệ cao hơn nữa.

Riêng trong năm 2010 đã có khoảng 45 triệu ca chẩn đoán về các rối bệnh loạn tâm thần tại Anh, bao gồm hơn 8 triệu trường hợp mắc chứng rối loạn lo âu và gần 4 triệu trường hợp gặp phải các trạng thái rối loạn cảm xúc, như trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực.

Cho đến nay, 5 loại rối loạn tốn kém nhất - liên quan đến chi phí thuốc men, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các chi phí gián tiếp khác như gây mất khả năng làm việc và giảm năng suất lao động của bệnh nhân, là các bệnh mất trí nhớ, loạn thần kinh, rối loạn cảm xúc, nghiện và rối loạn lo âu.

Một nghiên cứu trên diện rộng hơn ở châu Âu công bố năm 2011 cho biết tổng chi phí điều trị các bệnh rối loạn về tâm thần đã lên tới gần 800 tỉ euro (1 nghìn tỷ USD) và những biến động chính trị, kinh tế - xã hội tại khu vực trong thời gian qua càng làm tăng số bệnh nhân mắc các chứng rối loạn tâm thần.

Trong khi đó, nhiều công ty dược phẩm lớn ở châu Âu, như GlaxoSmithKline và AstraZeneca, đã ngừng đầu tư vào các dự án nghiên cứu giải phẫu não và các hành vi phản ứng của não vì nhận thấy các nghiên cứu này không mang lại nhiều lợi nhuận.


TTXVN/Tin tức