04:08 21/04/2013

Chi Lăng xây dựng nông thôn mới

Xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn sản xuất nông - lâm nghiệp, chiếm khoảng 83%... Với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, sau gần hai năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới... đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên.

Xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn sản xuất nông - lâm nghiệp, chiếm khoảng 83%, còn lại là dịch vụ, xây dựng... Đời sống người dân chủ yếu trồng lúa, ngô và một số loại cây màu khác như: Dưa hấu, khoai tây... Với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, sau gần hai năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bằng những việc làm thiết thực, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên.


Thoát nghèo nhờ “mượn lợn”


Hiện nay, bộ mặt nông thôn xã Chi Lăng đã có nhiều đổi mới, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ, đâu đâu cũng rợp bóng cây xanh. Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 9% hộ nghèo, đặc biệt là cách thoát nghèo của các hộ dân nơi đây rất hiệu quả với mô hình các hộ dân mượn lợn để nuôi sinh sản. Đi đầu trong phong trào này là hộ gia đình anh Lâm Văn Lượng, Nông Văn Vạng... Nhờ mô hình này các gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình.

Người dân xã Chi Lăng đã tự nguyện quyên góp hơn 600 triệu đồng
để xây dựng cây cầu bê tông kiên cố qua sông tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.


Ông Lăng Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng cho biết: Lúc đầu xã cũng loay hoay chưa biết cách nào để giúp các hộ nghèo vươn lên một cách hiệu quả, bàn đi tính lại, chúng tôi mạnh dạn giao cho Ban quản lý XDNTM 200 triệu đồng đầu tư mua 30 con lợn nái giống cho 30 hộ gia đình mượn nuôi, khi lợn sinh sản được hai lứa thì chuyển cho hộ khác. Mới đầu do chưa quen chăn nuôi lợn sinh sản, chỉ sau mấy tháng đã chết 4 con; UBND xã chỉ đạo Ban quản lý cùng với các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và cán bộ thú y đến khám nghiệm và lập biên bản tiêu hủy những con lợn chết theo đúng quy định.


Qua quá trình chăn nuôi, được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ thú y, đến nay số lợn nái còn lại là 26 con đều đẻ từ một đến hai lứa, có một số con đã đẻ lứa thứ ba với tổng số là 250 con. Trước kết quả đó, xã Chi Lăng nhận định đây là mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các hộ gia đình khó khăn. Để đảm bảo nguồn vốn và nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn nái, Ban chỉ đạo đã họp với các gia đình thống nhất, nếu hộ gia đình nào muốn tiếp tục nuôi sẽ phải trả tiền cho Ban quản lý để mua lợn mới cho các hộ khác mượn bởi vì sau một năm lợn đã quen chuồng, quen cách chăm sóc, thức ăn, nước uống... Bằng cách đó nhiều hộ gia đình hưởng ứng và đã có 10 hộ nộp tiền với số tiền 4 triệu đồng/con. Với số tiền này, Ban quản lý đã mua 10 con lợn giống mới để các hộ khác chăn nuôi. Hiện tại, xã Chi Lăng tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình này nhằm giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế một một cách hiệu quả.


Nâng cao đời sống văn hóa


Chi Lăng là một xã đi đầu trong phát huy nội lực và tận dụng sáng tạo. Được sự giúp đỡ ủng hộ của các cấp, các ngành việc xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây cũng được quan tâm chú ý. Năm 2011, Chi Lăng được UBND tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ một bộ âm thanh loa đài và 15 cây đàn tính trị giá 50 triệu đồng. Từ những nhạc cụ đó, xã đã mở lớp dạy đàn tính cho 20 học viên làm nòng cốt, sau khi học cơ bản, các thành viên này trở về các thôn, xóm tiếp tục dạy cho các hội viên khác và thành lập đội hát then tại các thôn nhằm giao lưu vào những dịp lễ, Tết và đặc biệt là biểu diễn trong các buổi họp thôn, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể tại nhà văn hóa thôn, bản. Từ phong trào đó, tuyển chọn những thành viên có năng khiếu để thành lập đội văn nghệ của xã thường xuyên biểu diễn vào các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và địa phương.


Ông Lăng Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho chúng biết: Với tinh thần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các đội văn nghệ luôn là nòng cốt trong các phong trào của xã, động viên, khích lệ nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt trong năm 2012, xã đã xây dựng và đưa vào sử dụng một sân khấu ngoài trời tại sân vận động của xã với kinh phí gần 50 triệu đồng. Đây là số tiền hoàn toàn do người dân trong xã tự nguyện đóng góp.


Đến nay, xã Chi Lăng đã đạt được 9 tiêu chí về XDNTM và phấn đấu trong năm 2013 số tiêu chí sẽ hoàn thành là 15. Để đạt được những kết quả đó, thời gian qua, đồng bào các dân tộc trong xã đã đầu tư xây dựng các công trình, phát triển sản xuất với tổng số ngày công, nguyên vật liệu và các khoản chi phí khác được quy ra tiền ước khoảng gần 17 tỷ đồng. Phong trào XDNTM ở Chi Lăng thể hiện rõ qua hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được sản xuất và dân sinh với tỷ lệ trên 70% kênh mương được kiên cố hóa, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, số hộ nghèo giảm còn hơn 9%, giữ vững giáo dục phổ cập trung học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và học tiếp THPT, học nghề trên 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 22%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội luôn được đảm bảo, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội nhiều năm liền được cấp trên công nhận đạt trong sạch, vững mạnh...

Bài và ảnh:Thái Thuần