03:18 10/03/2016

Chỉ đạo, hỗ trợ khắc phục kịp thời

Đợt rét đậm, rét hại những ngày qua đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, khiến nhiều địa phương bị thiệt hại nặng. Trước tình hình này, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục thiệt hại do giá rét.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNN Lào Cai: Cây thảo quả vẫn có khả năng hồi sinh

Tuy cây thảo quả bị chết khô, không còn khả năng cho quả nhưng phần gốc (củ) vẫn có khả năng hồi sinh để mọc lên cây mới. Biện pháp phù hợp lúc này là hướng dẫn, đôn đốc bà con nông dân phát dọn, thu gom thân cây thảo quả bị chết khô, dọn vệ sinh gốc, sau đó bón thúc bằng phân bón phù hợp để kích thích củ thảo quả ra mầm cây mới. Lứa cây mới này sau 3-4 năm sẽ tạo thành bụi cây và cho thu hoạch quả. Đây được coi là biện pháp tối ưu nhất, vì gây giống thảo quả rất khó khăn, thời gian kéo dài, hơn nữa nếu trồng mới cũng rất tốn kém.

Mô hình chống rét cho trâu bò bằng lò sưởi được thử nghiệm tại Lào Cai. Ảnh: Hương Thu – TTXVN

Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng chỉ đạo bà con nông dân tập trung nhân lực phát dọn thực bì, thu gom cây thảo quả bị chết khô và bón thúc mầm để hồi sinh diện tích thảo quả bị thiệt hại sau rét. Một số địa phương áp dụng hình thức cung ứng phân bón trả chậm để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất.

Ông Lò Văn Xương, Bí thư Đảng ủy xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu): Chia sẻ khó khăn do thiên tai gây ra

Đợt rét đạm, rét hại vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho người dân xã Ta Gia. Theo thống kê, cả xã đã có hơn 140 con trâu, bò, lợn, dê chết rét và khoảng 30 ha lúa vừa cấy xong bị chết rét. Chính quyền đã hỗ trợ giống lúa mới để người dân nhanh chóng gieo xạ cho kịp mùa vụ, thống kê thiệt hại gửi UBND huyện hỗ trợ cho dân.

Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân bị thiệt hại do thiên tai sẽ phần nào vơi bớt khó khăn. Đồng bào dân tộc miền núi, có một con trâu, con bò hay con lợn là tài sản lớn của gia đình, nếu bị thiên tai làm chết thì kinh tế khó có thể vực lên được. Vì vậy, các hộ dân bị thiệt hại mong muốn Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc con giống để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.

Trước đó, năm 2007, đợt rét đậm kéo dài cũng đã làm 30 con trâu, bò của xã chết rét, sau đó nhà nước đã kịp thời hỗ trợ 3 triệu đồng/con. Dù ít, dù nhiều thì người dân cũng tin tưởng vào chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước kịp thời sẻ chia với những khó khăn, mất mát của đồng bào vùng cao đặc biệt khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên (Sơn La): Hỗ trợ 50 tấn lương thực cho chăn nuôi gia súc

Khắc phục hậu quả do mưa giá băng tuyết, huyện này đã chi 50 tấn ngô, sắn, thóc từ ngân sách dự phòng để trộn thành thức ăn tinh cung cấp cho gần 7.000 con gia súc ở 5 xã vùng cao.

Cùng với đó, huyện cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ nông dân bị thiệt hại trong đợt mưa rét này. 5 xã vùng cao trong huyện là Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Háng Đồng, Hang Chú do hiện tượng đóng băng kèm theo gió lốc đã làm đứt dây, gẫy xà tại nhiều đoạn trên đường dây 35kV. Băng đóng dầy phủ kín các bát sứ trên cột điện khiến đường dây không thể vận hành. Số khách hàng bị mất điện gần 1.600 hộ. Bên cạnh đó, hàng trăm hec-ta rừng cùng chè đặc sản, cây thảo quả đã bị băng tuyết vùi lấp gây táp lá, chết.

Để người dân có thể nhanh chóng ổn định sản xuất, huyện đã có công văn hướng dẫn các xã chủ động sử dụng các nguồn ngân sách dự phòng theo phân cấp để hỗ trợ cho nông dân có tiền mua giống gia súc, gia cầm và các loại giống hoa màu. Khi thiệt hại lớn, các xã sẽ tổng hợp báo cáo về huyện và nếu ngân sách của huyện không đủ, huyện sẽ báo cáo tỉnh hỗ trợ trong trường hợp thiệt hại quá lớn. Theo thống kê từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Sơn La, trong những ngày rét đậm kèm theo băng giá, toàn tỉnh có hơn 5.000 con gia súc, gia cầm bị chết. Số gia súc bị chết rét tập chung chủ yếu tại các huyện Sốp Cộp, Phù Yên, Mộc Châu, Thuận Châu. Trong khi đó huyện Yên Châu và thành phố Sơn La có số gia cầm chết nhiều nhất.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Sớm nhân rộng mô hình chống rét cho trâu, bò bằng lò sưởi

Đến thăm "Mô hình chống rét cho trâu, bò bằng lò sưởi" tại thôn Bản Vền, xã Bản Qua, huyện Bát Xát đa số người dân đánh giá đây là mô hình khả thi bởi nó có chi phí khá thấp (dưới 1 triệu đồng) và dễ dàng triển khai trong từng hộ gia đình với những nguyên vật liệu dễ kiếm ở nông thôn như tre nứa, đất sét, củi lửa... Hơn thế, hiệu quả rõ ràng dễ nhận thấy là đàn trâu vô cùng thoải mái khi không cần mặc nhiều áo dày, chuồng thông thoáng khi không cần phủ quá nhiều rơm rạ trên mái, đặc biệt người dân dễ dàng theo dõi nhiệt độ trong chuồng với đồng hồ được đi kèm hệ thống sưởi ấm.

Mô hình này là sáng kiến của ông Cao Sơn Tùng, một nông dân tại tỉnh Đắk Lắk được Bộ NN&PTNT đánh giá cao và chọn để thử nghiệm trong thực tế. Lào Cai là địa phương đầu tiên được triển khai sau khi có hơn 1.500 con gia súc bị chết trong đợt rét lịch sử mới đây. Tại Diễn đàn "Giải pháp khôi phục và phát triển chăn nuôi gia súc sau rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía bắc" do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai vừa tổ chức mới đây, nhiều giải pháp đã được đưa ra để khôi phục và phát triển chăn nuôi sau rét đậm rét hại.

Theo đó, giải pháp trước mắt là chuyển diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, thực hiện tiêu độc khử trùng phòng ngừa nguy cơ có thể bùng phát dịch, củng cố nâng cấp chuồng trại. Về lâu dài, giải pháp quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng trồng cây thức ăn các địa phương vùng Tây Bắc cũng cần tính đến. Bên cạnh đó, vận động thực hiện 3 không, 3 có trong chăn nuôi (không thả rông, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không giấu dịch; có chuồng trại, có xử lý chất thải trong chăn nuôi, có tiêm phòng cho gia súc). Đồng thời, có kế hoạch phục hồi chăn nuôi sau rét đậm rét hại; có phương án chủ động về con giống để sẵn sàng thay thế khi gia súc bị chết, tái sản xuất ngay sau khi thiệt hại do rét đậm rét hại.

Ông Lò Văn Dũng, Trưởng bản Bó Hoóng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (Điện Biên): Nhà nước sớm hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại

Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ 20 hộ dân có diện tích lúa bị thiệt hại do thiên tai. Đến nay, sau hơn 1 tháng rét đậm, rét hại xảy ra, Ban quản trị Hợp tác xã mới thống kê, lập danh sách để xem xét hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại.

Dù những diện tích lúa phải cấy lại, nhưng người dân vẫn lo lắng do chậm mùa vụ, chắc chắn năng suất sẽ giảm, chưa tính bị sâu bọ mất mùa. Nếu được hỗ trợ, người dân sẽ vơi bớt khó khăn, vì các hộ nơi đây sống dựa vào mấy sào ruộng. Trong đợt rét đậm vừa qua, bản Bó Hoóng thiệt hại 5 ha diện tích lúa vừa mới cấy trên tổng số 21 ha. Ước thiệt hại mỗi héc ta tiền công và giống là 5 triệu đồng. Ngay sau đợt rét, người dân đã gieo cấy lại, và đến nay lúa đã đẻ nhánh nhưng những hộ dân bị thiệt hại đang mong chờ sợ hỗ trợ của cấp trên.
PV